Cựu bộ trưởng Quốc phòng Rwanda Augustine Bizimana là một trong những nghi phạm hàng đầu bị truy nã vì nạn diệt chủng ở đất nước châu Phi này vào năm 1994, một trong những thảm kịch nhân đạo tang tương nhất thế kỷ XX.
Ông ta được cho là đã qua đời vào khoảng tháng 8/2000, "dựa trên kết quả nhận dạng thuyết phục đối với hài cốt Bizimana trong một ngôi mộ ở Pointe Noire, Cộng hòa Congo", Cơ chế Tòa án Hình sự Quốc tế (MICT) nói trong thông cáo hôm 22/5, theo AFP.
Cơ chế Tòa án Hình sự Quốc tế (MICT) tuyên bố Augustine Bizimana đã chết. Ảnh: MICT. |
Tuyên bố được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi một trong những nghi phạm chính gây ra nạn diệt chủng đã bị bắt ở Pháp sau hơn 2 thập kỷ lẩn trốn.
Felicien Kabuga, người bị cáo buộc tài trợ cho những kẻ giết người, đồng thời tuyên truyền thúc đẩy vụ thảm sát, bị phát hiện đang sống bằng danh tính giả trong một căn hộ gần Paris, Pháp.
Bizimana đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda của Liên Hiệp Quốc truy tố với tổng cộng 13 cáo buộc, bao gồm tội diệt chủng, vào năm 1998. Hài cốt ông ta ở Congo được nhận dạng bằng ADN, theo DW.
"Bizimana được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại cựu thủ tướng Agedit Uwilingiyimana và 10 nhân viên gìn giữ hòa bình người Bỉ của Liên Hợp Quốc, cũng như về việc sát hại thường dân Tutsi" tại 5 khu vực ở Rwandan, theo trưởng công tố viên của MICT Serge Brammertz.
Sọ người và vật dụng cá nhân của nạn nhân diệt chủng Rwanda được trưng bày tại nhà tưởng niệm ở thủ đô Kigali. Ảnh: Reuters. |
Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi "Diệt chủng người Tutsi", là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda với đa số người Hutu lãnh đạo tiến hành, nhắm tới người thuộc sắc tộc Tutsi ở nước này.
Ước tính ít nhất 800.000 người Rwanda, tức 70% số người Tutsi, đã bị sát hại trong 100 ngày thảm kịch, từ 7/4 đến 15/7/1994. Ngoài ra, 30% người Pygmy cũng bị giết chết.
Theo chính phủ Rwanda, 7 kẻ thủ ác hàng đầu vẫn chưa từng bị bắt giữ, bao gồm Augustin Bizimana và Protais Mpiranya, cựu chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống. Ngoài ra, hàng nghìn nghi phạm ít được biết tới hơn đang trốn ở nước ngoài.
Công tố viên Rwanda đã ban hành hơn 1.000 lệnh bắt giữ nghi phạm ở 33 nước trong những năm qua.