Văn phòng công tố viên và cảnh sát Pháp cho biết tại thời điểm bị bắt, Felicien Kabuga đang sống dưới danh tính giả ở vùng ngoại ô thủ đô Paris. Tên này từng là một trong những người đàn ông giàu nhất Rwanda và bị buộc tội tài trợ cho tội ác diệt chủng.
Vụ bắt giữ được thực hiện vào lúc bình minh và cuối cùng đã bắt giữ được nghi phạm "bị các cơ quan tư pháp tìm kiếm trong 25 năm qua", bản tuyên bố cho biết.
Khoảng 800.000 người đã bị tàn sát trong hơn 100 ngày bởi nhóm dân tộc cực đoan Hutu trong cuộc diệt chủng năm 1994 tại Rwanda, theo RTE.
Tuyên bố cho biết ông Kabuga, 84 tuổi, đã sống ở Asnieres-sur-Seine phía bắc Paris và đã lẩn trốn với sự đồng lõa của các con. Người này bị buộc tội tập hợp lực lượng dân quân khét tiếng Interahamwe thực hiện các vụ thảm sát trong cuộc diệt chủng năm 1994.
Một địa điểm thảm sát trong vụ diệt chủng Rwanda năm 1994. Ảnh: Gilles Peress. |
Kabuga cũng đã giúp xây dựng Đài phát thanh-Truyền hình Libre des Mille Collines với các chương trình nhằm kích động mọi người thực hiện vụ thảm sát.
"Felicien Kabuga được biết đến là nhà tài trợ của nạn diệt chủng Rwanda," họ nói thêm rằng ông đã dành thời gian ở Đức, Bỉ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya và Thụy Sĩ.
Serge Brammertz, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế tại Hague, Hà Lan, hoan nghênh vụ bắt giữ và tin tưởng nghi phạm sẽ bị công lý phán xét vì tội ác trong cuộc diệt chủng năm 1994.
"Việc bắt giữ Felicien Kabuga hôm nay là lời nhắc nhở rằng những người chịu trách nhiệm về tội diệt chủng sẽ bị đưa ra xét xử, thậm chí là sau 26 năm kể từ khi tội ác diễn ra", ông nói.
Công tố viên ca ngợi chính quyền Pháp, nói rằng vụ bắt giữ "không thể được thực hiện nếu không có sự hợp tác và kỹ năng tinh nhuệ của họ", và cũng cảm ơn các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác đã giúp đỡ.
Nghi phạm Kabuga dự kiến được chuyển đến giam giữ tại Hague, Hà Lan, để hầu tòa "sau khi hoàn thành các thủ tục thích hợp theo luật pháp của Pháp", bản tuyên bố nói.
Nghi phạm này đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc truy tố năm 1997 về 7 tội danh trong đó có tội diệt chủng.
Tòa án Rwanda chính thức đóng cửa vào năm 2015 và nhiệm vụ của tòa này đối với vụ diệt chủng đã được Tòa án Hình sự Quốc tế tiếp quản sau đó.