Theo AP, gần 26 triệu người đã nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 tuần qua ở Mỹ, kể từ thời điểm virus corona xuất hiện và lây lan cho tới nay. Đại dịch đã khiến hàng triệu chủ lao động phải ngừng kinh doanh và cứ 6 lao động Mỹ thì đã có một người mất việc, con số kỷ lục trong lịch sử.
Các chuyên gia cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này có thể lên tới 20%.
Việc cắt giảm việc làm đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái thập niên 1930. Một số nhà kinh tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay sẽ giảm gấp đôi so với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nhân viên tại trung tâm việc làm ở Pearl, bang Mississippi, với đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trên tay. Ảnh: AP. |
Thiệt hại kinh tế đau đớn của lệnh phong toả nhằm ngăn chặn virus lây lan dẫn tới các cuộc biểu tình giận dữ tại thủ phủ một số bang, với đám đông yêu cầu chính quyền địa phương cho phép hoạt động kinh doanh trở lại.
Một số thống đốc bang đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế với người dân, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế cho rằng còn quá sớm để làm việc này mà không khiến các ca nhiễm tăng lên.
Bang Georgia đã cho phép phòng gym và tiệm tóc cũng như sàn bowling mở cửa trở lại, còn bang Texas cho phép các công viên hoạt động.
Tuy nhiên những hoạt động đó sẽ không dẫn tới việc tuyển dụng, trong bối cảnh mà nhiều người Mỹ vẫn còn rất thận trọng khi quyết định ra khỏi nhà hay không.
Hầu hết người dân đều cho rằng họ ủng hộ quy định phong toả, và tin là sẽ không an toàn nếu nới lỏng cách ly xã hội sớm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ cũng bắt buộc phải sa thải nhân viên do bế tắc trong việc tiếp cận các khoản vay từ chương trình trợ giúp của chính phủ.
Hiện tại số người nhận trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đang là 16 triệu người, vượt xa con số 12 triệu người vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Trong khi đó tại nhiều bang ở Mỹ, người lao động mất việc đang gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong số họ có hàng triệu lao động tự do, lao động theo thời vụ và lao động hợp đồng ngắn hạn, cũng như lao động tự chủ.
Gần như tất cả các ngành kinh doanh ở Mỹ đều cắt giảm lao động, trong đó ngành nhà hàng và khách sạn cắt giảm nhiều nhất với 4 triệu nhân viên - tương đương gần một phần ba số người đang làm việc trong ngành.
Khi chính phủ Mỹ công bố số liệu thất nghiệp của tháng tư vào ngày 8/5 tới, các nhà kinh tế dự đoán rằng con số có thể tiếp tục tăng lên.
JP Morgan dự đoán tổng cộng 25 triệu việc làm ở Mỹ sẽ biến mất trong cuộc khủng hoảng này, gần gấp 3 lần số người thất nghiệp trong cuộc Đại Suy thoái (1929-1933).