Theo CNN, IMF khẳng định chính quyền các quốc gia trên toàn cầu cần phối hợp chống dịch Covid-19 để tránh viễn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn thế. Tổ chức này cho rằng nếu thế giới thiếu sự phối hợp đồng bộ, suy thoái toàn cầu có thể kéo dài tới năm 2021.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020. Như vậy, suy thoái năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Mới hồi tháng 1, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm nay.
"Cuộc đại phong tỏa sẽ kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi một phần trong năm 2021, nhưng tăng trưởng GDP ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Và viễn cảnh tồi tệ hơn hoàn toàn có thể xảy ra”, IMF nhận định.
Cảnh hoang vắng ở trung tâm Rome, Italy trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Getty Images. |
Các nền kinh tế lớn lao dốc
Tại Mỹ, Quốc hội và Tổng thống Donald Trump đã thông qua gói kích thích hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống dịch Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng chi hàng nghìn tỷ USD nữa để ổn định hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm 5,9% trong năm nay. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1946 của kinh tế Mỹ, nhưng có thể vẫn thấp hơn so với tốc độ lao dốc của một số nền kinh tế châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể sẽ tăng lên 10,4% trong năm 2020 và 9,1% trong 2021.
Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát - sẽ giảm từ 6,1% năm 2019 xuống 1,2%, thấp nhất kể từ năm 1976.
Triển vọng tăng trưởng cũng rất ảm đạm tại các quốc gia đã thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. IMF dự báo GDP Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và chịu ảnh hưởng lớn bởi thương mại toàn cầu - sẽ sụt tới 7% trong năm 2020. Nền kinh tế Canada và Anh cũng sẽ sụt giảm lần lượt 6,2% và 6,5%.
Trong khi đó, GDP Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - sẽ co lại 5,3% dù nước này cố gắng tránh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, sinh hoạt và làm việc. Các biện pháp kiểm dịch quyết liệt đang làm đóng băng mọi hoạt động kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới.
Thị trường chứng khoán ở Phố Wall (New York) vẫn sôi động, nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nghiêm trọng trong năm nay. Ảnh: Getty Images. |
Nhóm quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành số tiền lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhiều chính phủ nới lỏng giới hạn thâm hụt ngân sách để huy động thêm nhiều tiền chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha và Italy - hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại châu Âu - nhiều khả năng sẽ chứng kiến GDP lao dốc lần lượt 8% và 9,1% trong năm nay.
Dự báo của IMF cho thấy thế giới đang trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ. Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh khiến hàng trăm triệu người mất việc làm, hàng chục triệu doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản.
Những vết sẹo sâu
IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,8% nếu dịch bệnh được đẩy lùi trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng vẫn khá mờ mịt và những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự kiến.
"Dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự báo. Hơn nữa, những tác động của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đối với hoạt động kinh tế và thị trường tài chính có thể sẽ nặng nề và kéo dài hơn, thách thức giới hạn của các ngân hàng trung ương trong việc ổn định hệ thống tài chính và tăng thêm gánh nặng về tài khóa”, IMF cảnh báo.
Ví dụ, niềm tin của người tiêu dùng có thể không được phục hồi. Các công ty và hộ gia đình có thể thay đổi hành vi kinh doanh và tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu suy giảm và gián đoạn chuỗi cung ứng. Đầu tư sụt giảm và tình trạng phá sản sẽ để lại những vết sẹo lây lan khắp nền kinh tế.
Theo tổ chức này, các tốt nhất để giảm bớt tổn thương đối với nền kinh tế thế giới là chính phủ và cơ quan y tế các nước tăng cường hợp tác. “Các quốc gia phải nhanh chóng hợp tác để ngăn dịch lây lan, phát triển vaccine và phương pháp điều trị bệnh”, IMF nhấn mạnh.
Tổ chức này cũng khuyến nghị các chính phủ chi nhiều hơn cho việc xét nghiệm, tuyển dụng lại nhân viên y tế đã nghỉ hưu và tăng cường mua sắm những thiết bị y tế như máy thở và đồ bảo hộ cá nhân. Các lệnh cấm vận thương mại đối với sản phẩm y tế cần được dỡ bỏ.
Một người đeo khẩu trang đi trên đường ở Tokyo. Kinh tế Nhật dự kiến suy thoái 5,3% trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
IMF hoan nghênh các nền kinh tế phát triển như Australia, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã có những động thái quyết liệt về tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng thế giới vẫn còn rất nhiều điều phải làm.
"Các biện pháp tài khóa cần phải được tăng cường nếu nền kinh tế tiếp tục bị đóng băng hoặc hoạt động quá yếu ớt sau khi chính phủ gỡ bỏ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, IMF khuyến nghị.
Tổ chức này cũng cho rằng các chính phủ cần hỗ trợ người lao động quyết liệt hơn. Tại những quốc gia mà nghỉ bệnh và nghỉ vì vấn đề gia đình nhưng vẫn hưởng lương chưa thành tiêu chuẩn, “chính phủ nên cân nhắc hỗ trợ tài chính để người lao động bị bệnh hoặc người chăm sóc cho họ có thể ở nhà mà không sợ mất việc vì dịch bệnh”, IMF khẳng định.