Với hơn 600.000 người nhiễm và hơn 30.000 người tử vong vì Covid-19, Mỹ đã trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nhất trên toàn cầu bởi đại dịch. Với tình hình như vậy, không ai nghĩ rằng câu hỏi cuối cùng trong đầu một người bệnh ở Mỹ sẽ là về việc thanh toán chi phí điều trị.
Nhưng điều đó đã xảy ra tại thành phố New York - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ, trước khi một bệnh nhân được đưa vào giường chăm sóc đặc biệt và kết nối với máy thở, anh đã hỏi y tá của mình rằng: "Ai sẽ trả tiền đây?".
Phòng chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế St. Vincent ở thành phố Los Angeles. Ảnh: AP. |
Nghĩ đến hoá đơn viện phí khi hấp hối
Đó cũng là lời cuối cùng của bệnh nhân này với đội ngũ y tế, theo anh Derrick Smith, một y tá gây mê tại bệnh viện nơi điều trị cho người này ở New York. Anh Smith đã đăng tải câu chuyện này trên Facebook vào tuần trước và bình luận rằng mình thật sự đau lòng khi phải nghe một bệnh nhân hấp hối sử dụng những lời cuối cùng của mình để lo lắng về việc chi trả viện phí.
Ở quốc gia giàu có nhất thế giới, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng của một hệ thống chăm sóc sức khoẻ không có khả năng đối phó với đại dịch. Chính quyền liên bang và địa phương, các công ty bảo hiểm và chủ lao động đã cam kết giúp người dân Mỹ trả tiền để vượt qua cuộc khủng hoảng này, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi một cuộc đại tu mạnh mẽ của hệ thống y tế vốn ưu tiên lợi nhuận hơn bệnh nhân trong hàng thập kỷ.
"Đại dịch này đã cho thấy rõ, vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đổ bệnh, có thể phải được đưa vào bệnh viện, và có thể phải kết nối với máy thở. Và điều đó, ở nước Mỹ, có nghĩa là những chi phí chăm sóc y tế khổng lồ", ông Adam Gaffney, bác sĩ ICU ở Boston, nhận định.
Ông Gaffney là chủ tịch của Hiệp hội Các bác sĩ ủng hộ Kế hoạch Quốc hữu hoá ngành Y tế - một nhóm gồm 20.000 nhân viên y tế ủng hộ một hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Thành viên của nhóm là những người đầu tiên chứng kiến hấu quả của việc người dân bị buộc phải đưa ra quyết định y tế dựa trên chi phí.
"Tôi đã nghe những bệnh nhân nói rằng họ phải bỏ qua thuốc hít vì không đủ tiền mua liều đó. Tôi đã nghe những bệnh nhân từng trải qua nhiều năm không thể tiếp cận chăm sóc sức khoẻ ban đầu vì không có bảo hiểm, và bệnh tình của họ trở nặng đến mức phải được đưa vào phòng chăm sóc tích cực", ông Gaffney cho biết.
Có 27,9 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế trong năm 2018 và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm hàng triệu với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong năm nay. Trong khi đó, Mỹ tới nay đã ghi nhận hơn 600.000 ca nhiễm và hơn 30.000 trường hợp tử vong vì Covid-19, và con số thực sự sẽ còn cao hơn nhiều.
Chính phủ Mỹ và các công ty bảo hiểm y tế lớn cho rằng họ đang chi trả các chi phí cho việc xét nghiệm và điều trị Covid-19, nhưng người dân vẫn lo ngại các chi phí y tế khổng lồ có thể khiến họ phá sản.
Một nhân viên cấp cứu trong xe cứu thương bên ngoài bệnh viện NYU Langone ở thành phố New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh ở Mỹ. Ảnh: Getty. |
Chi phí xét nghiệm và điều trị mỗi cá nhân phụ thuộc vào việc họ có được bảo hiểm hay không, được bảo hiểm như thế nào và liệu họ có sống sót hay không. Ví dụ, một công ty trả tiền bảo hiểm cho nhân viên của mình, như công ty bảo hiểm có thể quyết định không chi trả cho điều trị của nhân viên.
Và đơn giản là riêng việc vượt qua bản năng của người Mỹ để chọn giữa điều trị và tốn một khoản tiền không biết trước là bao nhiêu, so với việc chờ đợi, đã là rất khó khăn rồi.
Kể từ năm 2006, trung bình có khoảng 30% người Mỹ mỗi năm đã trì hoãn điều trị y tế do vấn đề chi phí, theo công ty nghiên cứu thị trường Gallup. Trong thời gian đó trung bình 19% người Mỹ mỗi năm đã hoãn việc điều trị kể cả khi mắc bệnh nghiêm trọng, theo báo cáo của Gallup tháng 12/2019.
Và điều này dẫn đến một vấn đề trớ trêu là người Mỹ sợ phải trả tiền cho việc chữa bệnh nếu gặp bệnh nặng (40%) hơn là sợ bản thân mình mắc phải bệnh nặng (33%), theo một thăm dò năm 2018 của Đại học Chicago.
"Thật khó để chiến đấu với dịch bệnh nếu mọi người sợ phải tới gặp bác sĩ, sợ bị đưa tới phòng cấp cứu. Điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ không xét nghiệm, nhiều người sẽ hoãn điều trị và làm tổn hại đến sức khoẻ của chính họ", ông Gaffney nhận xét.
Khi hệ thống ưu tiên lợi nhuận
Cuộc khủng hoảng trước đại dịch cũng bị làm cho trầm trọng hơn bởi một hệ thống y tế ưu tiên lợi nhuận hơn là con người. Các nhân viên y tế đang bị xáo trộn và mất việc vì đại dịch - bao gồm cả những người ở tuyến đầu - khi chủ lao động tìm cách cắt giảm chi phí.
Alteaon Health, một công ty sở hữu tư nhân sử dụng khoảng 1.700 bác sĩ cấp cứu và bác sĩ khác, cho biết họ sẽ tạm thời ngừng cung cấp các lợi ích như nghỉ có lương, theo trang web y tế STAT.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm không chỉ bước vào cuộc khủng hoảng với túi tiền đầy, nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng những công ty này có thể sẽ tốn ít chi phí hơn trong thời gian đại dịch vì có ít người đến bệnh viện hơn thường lệ.
Ông David Blumenthal, chủ tịch của viện chính sách y tế toàn cầu Commonwealth Fund, cho biết những người có bảo hiểm vẫn sẽ phải trả chi phí quanh năm, trong khi các công ty bảo hiểm có ít chi phí phải thanh toán hơn.
"Chúng ta sẽ tiếp tục trả phí bảo hiểm vì chúng ta biết rằng có thể nhiễm virus và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và sẽ phải trả hàng trăm nghìn USD nếu không có bảo hiểm. Nhưng chúng ta sẽ hạn chế đến gặp các bác sĩ chỉ trừ trường hợp thật sự cần thiết, và đó là tin tốt cho các công ty bảo hiểm", ông Blumenthal nhận định.
Thêm vào đó, 16 triệu người Mỹ mất việc kể từ khi dịch bệnh bùng phát cũng đặt thêm một gánh nặng lên hệ thống y tế, nếu như họ tham gia vào nhóm những người không có bảo hiểm hoặc những người phải dùng Medicaid - chương trình bảo hiểm y tế dành cho người có thu nhập thấp của chính phủ.
Một container đông lạnh để chứa thi thể người chết vì Covid-19 bên ngoài trung tâm y tế Wyckoff Heights ở thành phố New York. Ảnh: Getty. |
Ông Blumenthal cũng cho biết có những tác dụng phụ khác đến sức khoẻ của mọi người trong thời kỳ đại dịch, như việc trầm cảm do mất đi thu nhập hoặc suy dinh dưỡng vì không đủ thức ăn, điều có thể khiến mọi người dễ mắc bệnh hơn.
Ông Benjamin Sommers, giáo sư chính sách y tế và kinh tế tại Trường Y tế Công TH Chan của Đại học Harvard cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy đại dịch sẽ làm chính quyền Tổng thống Trump cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Trong khi đó, ông Gaffney, bác sĩ phòng ICU, chắc chắn rằng hệ thống y tế hiện tại của Mỹ đang làm cho tác hại của đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn.
"Vào thời điểm mà số người thất nghiệp tăng vọt và suy thoái sâu hơn, nhiều người sẽ mất đi bảo hiểm và phải trả nhiều tiền hơn nếu họ bị ốm. Điều này thật là vô lý", ông Gaffney nhận xét.