Bước lên xe buýt: một nhân viên tại tiệm đồ ăn nhanh, một người lau dọn siêu thị, một nhân viên kho phục vụ đơn hàng Amazon.
Đến 9h15, mọi ghế trên xe đã có người ngồi - những người lạ ngồi sát vai nhau. Thành phố đủ rộng, nhưng trên xe buýt này, vào một buổi sáng tuần trước, không có cách nào để giãn cách xã hội trên chiếc xe buýt dài khoảng 12 m. Khi được phóng viên New York Times hỏi, các hành khách tỏ ra lo lắng và khó chịu, thậm chí buông xuôi.
“Tôi không thích, nhưng vẫn phải đi thôi”, Valerie Brown, 21 tuổi, nhân viên tiệm đồ ăn nhanh, nói với New York Times qua lớp khẩu trang màu xanh.
Không có cách nào để giãn cách xã hội trên chiếc xe buýt dài khoảng 12 m. Ảnh: New York Times. |
Phương tiện duy nhất với nhiều người
Thành phố Detroit, với 80% dân số là người da đen, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh của nước Mỹ với hơn 7.000 ca nhiễm và hơn 400 ca tử vong. Một lý do là thành phố này có đông người lao động không có may mắn được ở nhà, làm việc từ laptop ở phòng khách. Họ cũng không có phương tiện để tự đi tới siêu thị.
Vậy nên họ lên xe buýt số 17 - nơi chẳng thể tránh khỏi đông đúc nhưng là phương tiện thiết yếu với họ, đồng thời cũng có nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh vốn đang hoành hành ở Detroit. Chuyến xe cũng là điển hình của sự bất bình đẳng mà virus đã phơi bày ở nước Mỹ.
Giữa tháng 3, khoảng 550 tài xế của thành phố đã nghỉ việc trong một ngày vì các lo ngại an toàn, buộc các quan chức phải đưa ra các biện pháp an toàn: cho khách lên xe cửa sau (đỡ tiếp xúc với tài xế), bắt buộc khách đeo khẩu trang, găng tay, tẩy trùng xe thường xuyên.
Thành phố cũng cho các nhân viên tuyến đầu, bao gồm tài xế xe buýt, thêm 800 USD mỗi tháng để đền bù cho rủi ro, đồng thời phát khẩu trang cho các hành khách đi xe.
Nhưng trong ngày đầu tiên của sáng kiến phát khẩu trang, trên xe buýt 17 mà tài xế Rochell Brown đang lái vẫn không có khẩu trang để phát.
Tài xế Rochelle Brown. Ảnh: New York Times. |
Một người quản lý nói hành khách không bắt buộc phải đeo. Nhưng bà Brown, 49 tuổi, cho rằng cần phải bắt buộc. Một đồng nghiệp của bà đã tử vong trong tháng này vì Covid-19.
Bà cũng thuộc diện nguy cơ cao, vì bị huyết áp cao và từng trải qua một cơn đau tim hai năm trước. Bác sĩ đã đề nghị bà tạm nghỉ để đảm bảo an toàn. Nhưng bà vẫn ở đây, vào một buổi sáng mùa xuân thời tiết dịu, nắng ấm, làm nhiệm vụ “thiết yếu” với lương 19,13 USD một giờ.
Nhưng bà không cảm nhận được sự ca ngợi, tán dương mà cảnh sát hay y bác sĩ nhận được. Không ai đứng ngoài cửa sổ vỗ tay cho bà. Thay vào đó, bà thường nhận được thái độ bực tức.
Thành phố Detroit cho các nhân viên tuyến đầu, bao gồm tài xế xe buýt, thêm 800 USD mỗi tháng để đền bù cho rủi ro. Ảnh: New York Times. |
Chuyến xe 17 đi quãng đường gần 40 km dọc theo “Con đường 8 dặm”, vốn nổi tiếng vì là đường phân chia giữa khu vực thành phố Detroit đông người da đen và vùng ngoại ô nhiều người da trắng.
Ngồi trên xe, hành khách sẽ thấy rõ câu chuyện thời dịch bệnh. Đường phố vắng vẻ, đi qua bãi đỗ xe trống không của trung tâm siêu thị bị đóng cửa rồi lại tới bãi đỗ khác bận rộn của một siêu thị.
Đó là nơi Demetrius Jordan, 37 tuổi, xuống xe để tới làm công việc lau dọn. Việc đầu tiên anh sẽ làm là rửa tay.
Không thuộc diện thiết yếu vẫn đi xe buýt
Một thông báo trên trang web của Sở Giao thông TP Detroit đề nghị các hành khách giới hạn đi xe buýt cho nhu cầu thiết yếu.
Các tài xế và hành khách trên xe nói mọi người không nghe theo khuyến nghị đó. Trên xe có những người đi mua đồ, đi thăm gia đình và bạn bè, và có cả người vô gia cư.
Bà Brown, tài xế, cho rằng lẽ ra cần yêu cầu khách xuất trình giấy tờ là đang có việc thiết yếu.
“Nếu thế được thì tốt - xuất trình giấy tờ chứng tỏ vì sao họ phải ra ngoài, để tôi biết mình đang mạo hiểm tính mạng vì điều gì”, bà nói với New York Times. “Tôi thấy quá nhiều người không quan tâm”.
Điểm dừng xe buýt 17 ở Detroit. Ảnh: New York Times. |
Một hành khách khác cũng bức xúc. “Tôi là nhân viên thiết yếu”, người này nói. “Tôi phải đi xe buýt và tôi chán phải đi cùng xe buýt với những người chỉ muốn thăm người khác, vì họ chán ở nhà”.
Valerie Brown, nhân viên tiệm đồ ăn nhanh, lên xe trước 9h khi xe còn khá vắng. Sau 20 phút, một người đàn ông ngồi ngay cạnh cô, làm cô khó chịu.
“Tôi nghĩ, vì sao lại muốn ngồi ngay cạnh người khác khi còn nhiều ghế trống như thế”, cô nói với New York Times.
Valerie Brown đang đợi xe số 17 để về nhà sau khi tan làm. Ảnh: New York Times. |
Khoảng 1/3 số ghế ở trên bị rào lại để tài xế không tiếp xúc gần với hành khách, còn lại 29 ghế. Trong buổi sáng đó, thời điểm đông nhất có 21 hành khách. Dù có lệnh ở nhà, xe buýt vẫn thường đông đúc, theo cô Brown, nhân viên tiệm ăn nhanh. Nếu xe đông quá, cô thường đợi chuyến sau, chứ không muốn mạo hiểm.
Đó là vì cô sống với mẹ 46 tuổi và đang chống chọi bệnh viêm phổi, nên không muốn lây cho mẹ.
“Tôi làm ở nhà hàng, có nguy cơ cao. Đành chịu thôi vì tôi vẫn phải làm việc”.
Một người lên xe buýt sau ca làm. Ảnh: New York Times. |
Bực dọc, căng thẳng
Khi tới điểm cuối sau 1 giờ 38 phút, xe quay đầu, và thêm nhiều hành khách lên xe, nhiều người đeo khẩu trang. Nhưng không khí trở nên căng thẳng.
Khi một hành khách cố ngồi cạnh một nam thanh niên đeo một khăn vuông che mặt, người thanh niên không cho và chỉ sang ghế khác. Sau đó anh kéo khăn lên che mũi và thắt chặt hơn.
Một phụ nữ cao tuổi mang hai túi đồ chuyển sang ngồi vào ghế giữa hai hành khách. Một trong hai hành khách phản ứng, hỏi vì sao người phụ nữ ngồi gần như vậy. “Xin lỗi”, hành khách này nói, “giữ khoảng cách 2 m”.
Người phụ nữ cao tuổi chỉ về phía ghế mà bà vừa ngồi, nói một phụ nữ ngồi sau bà vừa ho thành tiếng. Người phụ nữ vừa ho này sau đó lẩm bẩm vài lời đằng sau lớp khẩu trang màu vàng.
Paris Banks, cô gái đã phun khử trùng ghế ngồi nhắc tới ở đầu bài, tự hỏi có phải số chuyến xe giảm đi khiến xe buýt đông. Trong tuần, xe buýt chạy theo lịch của ngày thứ 7, tức chạy ít chuyến hơn.
Cô “hơi sợ một chút” khi đi xe buýt, và thỉnh thoảng nhờ đồng nghiệp chở đi. Cô lo là nếu nhiễm bệnh sẽ lây cho các đồng nghiệp ở Lực lượng Vệ binh Quốc gia, nơi thường tiếp xúc đông người.
Paris Banks lên xe buýt số 17. Ảnh: New York Times. |
A. J. Harris, 24 tuổi, đeo khẩu trang, nhưng không lo ngại về việc đi xe buýt. Thái độ của anh là buông xuôi hơn là dũng cảm.
“Những xe buýt này đã bẩn từ trước khi có dịch”, Harris, đang trên đường tới kho hàng của Amazon để làm việc, nói với New York Times. “Bạn lên xe mỗi ngày với những người bị HIV hay rệp giường, đủ loại bệnh. Đây cũng chỉ là một chiếc xe buýt bẩn như thế thôi”.
“Cứ thế này chứ không đỡ đâu”
Tài xế Brown làm mọi cách có thể để kiểm soát đám đông trên xe.
Bà không cho ai đứng, dù hầu hết hành khách muốn đứng, vì vậy hành khách thường bực dọc khi phải ngồi. Bà sẽ bỏ bến khi xe quá đông, nhưng bà không thích phải làm vậy vì biết những người chờ xe cũng đang cố đi làm đúng giờ. Khi bỏ bến, bà thấy hành khách vung tay, thậm chí có người còn ném túi đồ vào xe buýt.
Một tài xế đang khử trùng xe trước khi bắt đầu đi. Ảnh: New York Times. |
Bà cũng thường nghe những lời bực dọc, ca thán, mắng mỏ từ phía sau xe buýt. Một người đàn ông chửi rủa vì bị bà bỏ bến.
Xe quay lại bến đầu tiên vào 11h57. Sau 3 giờ 20 phút tổng cộng, bà đã chịu quá đủ. Vừa xuống xe, một số hành khách tới xin khẩu trang, vì trước đó một tài xế khác không cho họ lên xe nếu không đeo khẩu trang. Bà Brown nói bà không có khẩu trang, và họ tiếp tục phàn nàn bực dọc.
“Căng thẳng lắm”, bà Brown nói, và ngay lúc đó bà Brown quyết định rằng sẽ theo lời khuyên của bác sĩ, xin nghỉ ốm hai tuần.
Hành khách xuống xe buýt ở Detroit. Ảnh: New York Times. |
Sang tuần này, mọi thứ còn tệ hơn, theo Valerie Brown, nhân viên tiệm ăn nhanh. Cô nhắn tin cho New York Times, cho biết trên xe đã dán thông báo ở một số ghế, đề nghị hành khách để trống. Nhưng đề nghị này bị bỏ qua. Có lúc, khi xe buýt chỉ còn chỗ để đứng, tài xế vẫn cho thêm khách lên.
Cô nhắn tin kèm theo hai biểu tượng mặt buồn. “Cứ thế này chứ không đỡ hơn đâu”.