Chỉ trong vòng 24 giờ, tác động kinh tế dây chuyền từ việc nhà hàng ẩm thực Trung Hoa của ông chủ Larry La ở ngoại ô thủ đô Washington DC đóng cửa đã lan rộng hàng nghìn km. Theo Bloomberg, ông Larry La không bao giờ tắt đèn nhà hàng của mình trong gần 20 năm.
Nhưng mới đây, ông phải đóng cửa nhà hàng. Nhà hàng Meiwah của ông La chỉ cách Nhà Trắng và đồi Capitol khoảng vài km, chuyên phục vụ các món ăn Trung Quốc. Nhiều chính trị gia Mỹ, như cựu Tổng thống Mỹ Bill Blinton, từng đến đây ăn uống.
Ông La sa thải 30 nhân viên, thương lượng để hoãn trả tiền thuê mặt bằng và cố tìm hiểu xem gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ Mỹ có thể giúp được nhà hàng Meiwah của ông hay không.
Ông Larry La phải đóng cửa nhà hàng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
Nhà hàng đóng cửa, hãng phân phối chết đứng
Blomberg cho biết việc một nhà hàng ở Washing DC đóng cửa là đủ để tạo nên “hiệu ứng domino”, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng đang làm chỗ dựa cho hàng nghìn người lao động tại nhiều nơi tại Mỹ. Số phận của nhà hàng Meiwah cho thấy cuộc suy thoái kinh tế Mỹ đang lan rộng như thế nào.
Ông La cho biết việc kinh doanh nhà hàng là rất phức tạp. Có những lúc công việc này rất hào nhoáng. Trên trang web của Meiwah có ảnh ông chụp cùng các thành viên ban nhạc Rolling Stones đình đám. Cựu Tổng thống Bill Clinton từng rất thích ăn các món thịt bò, thịt gà và bông cải, đậu hũ... tại đây.
Theo ông La, đèn của nhà hàng chưa bao giờ tắt trong suốt 18 năm qua. “Tôi đã kinh doanh nhà hàng suốt 31 năm qua và đây là lần đầu tiên tôi phải đóng cửa một cơ sở kinh doanh”, ông than thở.
Ông La ước tính Meiwah chỉ có thể chịu đựng thêm 2-3 tháng nữa. “Tôi có niềm tin vào đất nước này. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sống sót. Nhưng chúng ta đang ở trong một thời điểm rất khó đoán, vậy nên chẳng có gì là chắc chắn”, chủ nhà hàng Meiwah hoang mang.
Doanh nghiệp của Charlie Chan ế khách vì nhà hàng đóng cửa. Ảnh: Bloomberg. |
Từ "tâm chấn" là nhà hàng Meiwah, sóng chấn động lan ra rất xa. Hồi tháng 3, anh Charlie Chan, CEO SBC Food, nhận được thông báo hủy đơn hàng từ Meiwah. Trong một tháng qua, doanh thu của doanh nghiệp chuyên phân phối các mặt hàng như rau, gạo sụt giảm đến 80%.
“Mọi thứ ngày càng tồi tệ. Đó là hiệu ứng gợn sóng. Nếu các nhà hàng không bán được hàng, họ sẽ không mua hàng từ chúng tôi nữa. Sau đó, chúng tôi lại không mua của trang trại và những nhà phân phối khác", doanh nhân Chan chán nản.
Anh Chan coi ông La là người bạn và khách hàng lâu năm. Nhà kho của ông nằm ở phía đông bắc thủ đô Washington DC, thường cung cấp thực phẩm nguyên liệu cho hàng chục nhà hàng Trung Quốc trong khu vực.
Trang trại mất nguồn thu, tài xế lo lắng
“Chúng tôi phải vứt bỏ rất nhiều thịt và các sản phẩm khác. Chúng tôi đang cố cắt giảm chi phí bằng cách chỉ chạy 3 chiếc xe tải thay vì 10 chiếc như trước đây, giảm 50 chuyến giao hàng mỗi ngày xuống còn 10 chuyến. Đội ngũ nhân viên cũng giảm từ hàng chục xuống còn 5 người”, Chan nói thêm.
Từ SBC Food, sóng chấn động lan đến Fortune Growers ở Elgin (Illinois). Trang trại này sản xuất 1,4 triệu kg bông cải xanh mỗi tuần. Tuần trước, sản lượng giảm còn 0,4 triệu kg do nhu cầu từ các nhà hàng bị triệt tiêu dù những chuỗi bán lẻ như Walmart và Kroger mua nhiều hơn.
Khi Mark Sato - ông chủ Fortune - nhận được cuộc gọi hủy đơn hàng từ SBC, ông suy đi nghĩ lại. “Lợi nhuận rất mỏng, vậy nên phải tối đa hóa mọi thứ. Chúng tôi vừa chất đầy hàng vào xe tải thì nhận được cuộc gọi từ SBC, thế là chúng tôi lại hủy chuyến đi”, ông Sato kể.
Khi dịch Covid-19 tấn công Mỹ hồi cuối tháng 3, số lượng đơn đặt hàng rơi tự do, ông Sato cho dừng đóng gói đơn hàng trong suốt một tuần. Ở Mexico, nơi bông cải xanh được trồng vào đóng gói, hàng trăm công nhân mất việc, hàng tấn rau cải xanh bị bỏ lại trên cánh đồng đến thối rữa.
Những tài xế xe tải như Yosmell Lemus vẫn phải trả các hóa đơn dù đơn đặt hàng ít đi. Ảnh: Bloomberg. |
Bông cải xanh Fortune được vận chuyển đến khắp nước Mỹ nhờ những tài xế lái xe tải như Yosmell Lemus. Anh lên đường từ tháng 10 và không gặp lại vợ và 3 đứa con suốt gần nửa năm.
Lemus lái một chiếc xe tải đông lạnh từ Dallas đến McAllen ở biên giới Mexico. Chiếc xe của anh trống rỗng trong suốt hành trình 800 km, đó là điều không thể tưởng tượng nổi vào ngày thường.
“Vận tải song hành với thị trường, nhưng bạn vẫn phải trả khoản vay và hóa đơn như vậy”, anh tuyệt vọng. Mọi việc đều trở nên tệ hại đối với Lemus. Vợ của anh đã nghỉ việc tại khách sạn Aria ở Las Vegas vì nguy cơ nhiễm virus corona.