Sáng 18/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ về các định hướng cho lĩnh vực thông tin, truyền thông trong thời gian tới.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia
Thủ tướng cho rằng việc xây dựng, tích hợp dữ liệu là vấn đề quan trọng nhất khi chuyển đổi số.
“Dữ liệu còn rời rạc, phân tán, trùng lắp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về các nhiệm vụ của Bộ TTTT, cũng như những vấn đề còn tồn tại ở lĩnh vực. Ảnh: Minh Sơn. |
Thủ tướng cho rằng hiện tại các bộ, ngành vẫn chưa có ý thức về tích hợp dữ liệu, nghĩ tới lợi ích của ngành hơn là lợi ích quốc gia.
“Thực sự chúng ta chưa coi trọng công tác tích hợp dữ liệu. AI thì dựa vào Big Data, tức là có dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ, thông minh được”, Thủ tướng nhận xét. Do vậy, người đứng đầu chính phủ cho rằng Bộ TTTT cần tham mưu, đề xuất giải pháp tích hợp dữ liệu.
Khi nhận xét về các nhiệm vụ, giải pháp của Bộ TTTT trong năm 2023, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo Thủ tướng, cơ sở dữ liệu quốc gia không phải là cơ sở dữ liệu của riêng một bộ nào.
“Đây là tài sản, tài nguyên đặc biệt cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những bước tiến của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại nước ngoài. Trong năm 2022, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, còn doanh thu công nghệ thông tin, chuyển đổi số của FPT cũng đạt 1 tỷ USD.
“Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao”, Bộ trưởng TTTT chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một dấu ấn khác của năm 2022 là việc ban hành các nghị định về việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, với tinh thần ai đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
“Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được quản lý giống nhau, loại bỏ tình trạng bảo hộ ngược”, Bộ trưởng TTTT nhận xét.
2023 sẽ là năm về dữ liệu
Trước đó, nói về định hướng ngành thông tin truyền thông trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Cụ thể, các hoạt động được tập trung bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, an toàn dữ liệu.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là khác biệt căn bản của chuyển đổi số”, Bộ trưởng TTTT cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về tổng kết các công tác của năm 2022, định hướng năm 2023 của Bộ TTTT. Ảnh: Đoàn Bắc/VGP. |
Bộ cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các chiến lược đã ban hành, bao gồm hướng dẫn thực thi chiến lược, đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu để đảm bảo thực hiện được.
Năm 2023, Bộ TTTT cũng sẽ tập trung vào các kết quả thực chất ở các lĩnh vực, như đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ bưu chính, giải quyết SIM rác và thương mại hóa 5G, tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng Việt Nam lên ít nhất 50%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TTTT cũng sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.
Trong lời đáp từ Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT sẽ hoàn thành các nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao.
“Năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, và còn là năm chuyển đổi số sẽ mang lại các giá trị thực chất”, Bộ trưởng TTTT cho biết.