Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghệ thông tin là chìa khóa thoát nghèo

Chia sẻ tại Diễn đàn Make in Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quyết định thành bại của mục tiêu thoát đói nghèo.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Diễn đàn Make in Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn.

Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hay Diễn đàn Make in Việt Nam, diễn ra sáng ngày 8/12 là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ, do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức. Make in Việt Nam giữ vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, để thoát bẫy thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, nước ta phải tăng trưởng 7%/năm. Và để đáp ứng mục tiêu này cần có các giải pháp công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Công nghệ thông tin là chìa khóa phát triển của Việt Nam

Công nghệ thông tin là một trong những lực lượng quyết định sự thành bại trên chiến trường trong cuộc chiến chống nghèo đói. “Công nghệ thông tin là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được đến vậy không. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là con số thách thức nhưng chúng ta có thể làm được”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

cong nghe Viet Nam anh 1

Đại diện Chính phủ, Bộ TTTT thăm các gian hàng giải pháp số của Việt Nam tại sự kiện. Ảnh: NA.

Ông cũng khẳng định ngành công nghệ vẫn còn dư địa phát triển, nhưng phải giải quyết được các vướng mắc về thể chế. “Tôi mong muốn các hiệp hội phát triển mạnh hơn và làm đúng vai trò của mình, các doanh nghiệp nòng cốt phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đáp từ Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết Bộ sẽ xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện các ý kiến chỉ đạo này. “Bộ TTTT sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững. Tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giúp cho đất nước phát triển”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Trong năm qua, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đạt 135 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD, nhưng chủ yếu đến từ khối các doanh nghiệp FDI. Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhưng doanh thu chỉ khoảng 5 tỷ USD, và cũng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn.

Tại diễn đàn, các đại diện thuộc các tập đoàn, công ty công nghệ số cam kết nỗ lực phát triển bền vững, thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đổi mới cách làm và không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.

Không dừng lại ở thị trường trong nước

Chia sẻ về con đường vươn ra thế giới, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã kể về thất bại của tập đoàn này 20 năm trước khi cố gắng xâm nhập thị trường Mỹ, và các bước cải tiến để xuất khẩu phần mềm thành công về sau. Đại diện FPT cho biết hiện doanh nghiệp này đã kinh doanh được trong lĩnh vực phần mềm ở Nhật Bản, và đang nghiên cứu các giải pháp tối ưu hóa chế tạo xe hơi và tối ưu hóa quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió tại châu Âu.

cong nghe Viet Nam anh 2

Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, chia sẻ kinh nghiệm của tập đoàn này trong quá trình mở rộng ra thị trường nước ngoài. Ảnh: VA.

Ở thị trường trong nước, các sản phẩm phần mềm nổi bật của FPT có thể kể đến hệ thống quản lý thuế, hải quan, ngân hàng, và mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch chứng khoán HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT cũng đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài.

Ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VMO Holding cũng cho biết từ VMO từ khi thành lập đã đặt mục tiêu ra biển lớn. Để thuyết phục khách hàng chọn Việt Nam, VMO đã phải giải thích, vận động để họ biết đến các lợi thế về nền kinh tế chính trị, ổn định, nhà nước quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, ông Hải cho biết.

Đến này, VMO có khoảng 1.200 nhân sự, phục vụ khách hàng ở 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Công ty hiện cũng đã có các văn phòng ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

Tại diễn đàn, nhằm tạo động lực cho các công ty trong lĩnh vực công nghệ, 40 giải pháp công nghệ thông tin đã được Bộ TT&TT trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam”. Đây là những sản phẩm được đánh giá là có tác động cải thiện đời sống người dân và đưa doanh nghiệp lên môi trường số.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, những sản phẩm đạt giải tại diễn đàn năm trước đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều sản phẩm tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dần vươn ra thị trường quốc tế. Tiêu biểu có thể kể đến Mesh Wi-Fi của VNPT, giải Vàng hạng mục sản phẩm số xuất sắc 2021, đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm trên thị trường. Nền tảng quản trị doanh nghiệp MISA AMIS, giải Bạc, đã ứng dụng tại 42.000 doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Năm nay, ở hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”, giải Vàng đã dành cho giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thủy sản của Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam. Giải Bạc và giải Đồng lần lượt dành cho nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric của Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu và hệ sinh thái chuyển đổi số nông nghiệp thông minh Nextfarm của Công ty cổ phần NextVision.

Ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số”, giải Vàng thuộc về nền tảng quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov của Công ty cổ phần MISA. Giải Bạc thuộc về ứng dụng MoMo của Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến đạt giải Bạc. Giải Đồng thuộc về hệ thống giao thông thông minh Elcom ITS của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom giành giải Đồng.

Ở các hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số” và “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”, giải Vàng lần lượt thuộc về FPT Smart Cloud và nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quốc gia của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Đại diện Bộ TTTT kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều hơn nữa những công nghệ, sản phẩm số mới có tác động tích cực với kinh tế, xã hội và mở rộng khả năng đi ra thế giới.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Hơn 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet

Sau 25 năm kết nối Internet toàn cầu, Việt Nam có hơn 73% dân số sử dụng Internet và hơn 72% hộ gia đình sử dụng cáp quang.

Hoàng Nam

Bạn có thể quan tâm