Cụ thể, ít nhất 264 người đã nhập cảnh từ Myanmar sang Ấn Độ kể từ khi cuộc binh biến diễn ra vào ngày 1/2, trong đó có 198 sĩ quan cảnh sát, theo AFP dẫn lời các quan chức an ninh. Phần lớn trong số này đã vượt biên sang bang Mizoram ở miền Đông Bắc Ấn Độ.
AFP dẫn nguồn tin địa phương cho biết Ấn Độ đã "ngăn" ít nhất 8 người Myanmar vượt biên sang nước này. Một trưởng làng ở Mizoram thông tin rằng hàng chục người khác đang chờ đợi để nhập cảnh vào Ấn Độ.
Một người đàn ông di chuyển trên cây cầu nối Myanmar với Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Myanmar rơi vào tình trạng bất ổn từ sau khi quân đội tiến hành binh biến, bắt giữ cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 1/2.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ít nhất 70 người đã thiệt mạng tại Myanmar trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiến hành chính biến. Trong ngày 11/3, ít nhất 9 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, theo AFP.
Trước những diễn tiến khó lường tại Myanmar, nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình tại đây, đồng thời kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định của luật pháp.
Ngày 4/3, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, đưa thêm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cùng 2 tập đoàn quân sự hàng đầu của nước này vào danh sách đen thương mại. Trước đó, nước này đã tăng cường gây áp lực với quan chức quân sự liên quan đến cuộc chính biến.