Hoạt động hợp tác quân sự bao gồm việc mua bán vũ khí và các trang thiết bị kỹ thuật đối với Myanmar.
Đồng thời, những công dân Myanmar đang ở tại Hàn Quốc sẽ được cấp quyền tị nạn nhân đạo cho đến khi tình hình được cải thiện, theo Reuters.
Tuyên bố hôm 12/3 của Bộ ngoại giao Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ cộng đồng quốc tế lên Myanmar ngày một gia tăng sau khi quân đội nước này tiến hành cuộc chính biến vào ngày 2/1. Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự cao cấp nhất của Myanmar, và nhiều quan chức chính phủ khác đã bị quân đội bắt giữ.
Sau Mỹ và một số quốc gia phương Tây, Hàn Quốc là nước tiếp theo có biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Người biểu tình tại Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Myanmar. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KEI), tính tới tháng 8/2020, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Myanmar với tổng số vốn đầu tư đạt 4 tỷ USD.
Trước đó, hôm 8/3, Australia đã tuyên bố dừng chương trình hợp tác quốc phòng với Myanmar để phản đối vụ binh biến, cũng như việc lực lượng an ninh nước này sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cũng cho biết sẽ chuyển hướng chương trình viện trợ nhân đạo của Australia sang giúp đỡ các nhu cầu cấp thiết của các cộng đồng thiểu số ở Myanmar.
Bên cạnh áp lực từ cộng đồng quốc tế, quân đội Myanmar cũng phải đối mặt với làn sóng biểu tình của dân chúng nổ ra trên cả nước. Theo Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tính đến ngày 12/3 đã có gần 70 người biểu tình thiệt mạng và hơn 2.000 người khác bị bắt giữ.