Các cuộc đụng độ chết chóc giữa người Hindu và người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 23/2 và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau 3 ngày liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Biểu tình bạo lực nổ ra giữa lúc Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Ấn Độ, khi ông đang họp tại khu vực trung tâm của thành phố, nơi đặt các tòa nhà chính phủ trọng yếu và các đại sứ quán. Ảnh: AFP/Getty. |
Các cuộc biểu tình là kết quả của sự leo thang căng thẳng giữa những người ủng hộ và phản đối chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng như phản ứng xoay quanh Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA) gây tranh cãi. Ảnh: AFP/Getty. |
Các cuộc biểu tình trong hai ngày 25, 26/2 ở phía đông bắc Delhi đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 200 người phải nhập viện vì vết thương do súng đạn, bỏng axit, dao, ném đá và đánh đập. Đây là vụ đụng độ tồi tệ nhất ở thủ đô Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Shutterstock. |
Sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái, ông Modi đã nhanh chóng triển khai chương trình nghị sự về Hindu giáo. Theo Luật Quốc tịch sửa đổi, quyền công dân được trao cho những người nhập cư bất hợp pháp thuộc 6 tôn giáo: Hindu, Sikh, Phật giáo, Jain, Parsi và Cơ đốc giáo, từ 3 quốc gia Bangladesh, Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, đạo luật không áp dụng với những người nhập cư Hồi giáo xin nhập tịch. Ảnh: Reuters. |
Luật áp dụng với những người nhập cư không theo đạo Hồi trước ngày 31/12/2014. Ấn Độ là quốc gia có đa số người theo đạo Hindu, người Hồi giáo chiếm khoảng 14% trong hơn 1,3 tỷ người. Ảnh: AP. |
Hàng trăm nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối điều luật này. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực và bị chính phủ đàn áp trên diện rộng. Gần 20 người đã thiệt mạng ở bang đông dân nhất Ấn Độ, Uttar Pradesh, vào tháng 12. Ảnh: AFP/Getty. |
Người biểu tình mang theo các thanh sắt, gậy gộc và yêu cầu người đi đường cho biết họ theo đạo Hindu hay đạo Hồi. Các nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại, các cửa hiệu bốc cháy. Khói lửa từ hiện trường bốc cao nghi ngút lên không trung. Một số người đã chết vì nhảy xuống từ các tòa nhà cao tầng để thoát khỏi đám đông hung hãn, theo Guardian. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng của Delhi, ông Arvind Kejriwal, gọi đây là tình trạng “đáng báo động” và nói rằng quân đội được triển khai để dẹp loạn song bị đám đông áp đảo. “Tình hình đáng báo động”, ông viết trên Twitter. “Cảnh sát dốc mọi nỗ lực nhưng không thể kiểm soát được tình hình”. Ảnh: Reuters. |
Vào chiều 25/2, một đám đông khoảng 500 nam thanh niên người Hindu giáo đã tấn công nhà thờ Hồi giáo ở Ashok Nagar, phá cửa và trèo lên đỉnh để cắm cờ Saffron, lá cờ chính thức của Hindu giáo, sau đó châm lửa đốt. Buổi tối, họ tiếp tục đốt phá các nhà thờ Hồi giáo nhỏ hơn cũng như các cửa hiệu Hồi giáo trong khu chợ địa phương. Ảnh: Reuters. |
Một người Hồi giáo địa phương (giấu tên vì sự an toàn) cho biết đám đông đã phá hủy nhà thờ của họ và hô vang các khẩu hiệu của Hindu giáo. “Tôi thậm chí không biết nói gì cả. Trong 35 năm, tôi chưa từng thấy tình huống nào như thế này”. Ảnh: Reuters. |
“Người Hindu và Hồi giáo luôn sống yên bình ở đây. Tất cả chúng tôi đã ăn mừng ngày lễ Hồi giáo Eid và ngày lễ Hindu giáo Diwali cùng nhau. Phụ nữ theo đạo Hindu thường đến nhà thờ Hồi giáo cùng với con cái của họ, vì vậy đây không chỉ là nơi dành cho người Hồi giáo mà còn cho cả cộng đồng”. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc tấn công vào tài sản của người Hồi giáo kéo dài đến sáng 26/2. Các cuộc bạo loạn tiếp tục lan rộng khắp phía tây bắc Delhi. Cảnh sát Delhi và lực lượng bán quân sự đã được triển khai rầm rộ ở một số khu vực bị tấn công nghiêm trọng nhất sáng nay. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Narendra Modi cuối cùng đã lên tiếng kêu gọi “hòa bình và xuống thang căng thẳng”. Ảnh: Reuters. |