Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

2 thập kỷ chờ đợi tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội

Lời hẹn đưa đoạn trên cao của metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành vào năm 2022 khó tin đến mức nào? Trải nghiệm qua góc nhìn của một học viên lái tàu đang chờ đợi.

Ấn tượng của tôi về anh Hiếu là một người đàn ông trung niên trong bộ đồng phục nhân viên tàu điện, chiếc cà vạt màu tím than được thắt cao. Trang phục của anh còn thiếu chiếc mũ kepi dành cho lái tàu, nhưng thứ phụ kiện đó vốn không cần thiết.

Anh Nguyễn Đình Hiếu, người được đào tạo chính quy để lái tàu điện metro Nhổn - Ga Hà Nội, đang "giết thời gian" bằng công việc cảnh giới an toàn trên tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông.

Ở tuổi 40, là trụ cột của gia đình có vợ và 2 con nhỏ, anh Hiếu không giấu nổi nỗi hoang mang và sốt ruột khi "trót" gửi đơn xin việc vào vị trí lái tàu của tuyến metro đầu tiên của thủ đô.

Lời hứa... bố là tàu lửa

Tháng 4/2021, Hanoi Metro tuyển dụng anh Hiếu cùng 50 người khác để làm lái tàu của tuyến metro số 3. Công ty cử họ sang trường Cao đẳng Đường sắt để học vận hành tàu.

Lẽ ra họ được đưa sang Pháp đào tạo như những người lái tàu Cát Linh - Hà Đông từng được đưa sang Trung Quốc, nhưng dịch Covid-19 liên tiếp 2 năm qua khiến kế hoạch du học bị đổ bể.

du an Metro Nhon anh 1

Nhân lực người Việt vận hành thử tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Sau một năm được đào tạo, tháng 5, anh Hiếu cùng một số đồng nghiệp được cử đến depot Nhổn để thực hành lái tàu thật. Đó cũng là thời khắc đầu tiên những học viên lái tàu chứng kiến sự ngổn ngang, tạm bợ đến ngỡ ngàng của một công trình depot được thi công suốt 10 năm.

Depot là nơi các đoàn tàu điện sẽ được đưa về sau mỗi ngày vận hành. Đây là hạng mục quan trọng của dự án với nhiều công trình như kho chứa tàu, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, trung tâm điều hành vận tải (OCC), văn phòng, nơi sinh hoạt của lái tàu...

Một ngày mùa hè nắng chói chang, anh Hiếu lái xe máy trên đường 32, hướng ra ngoại thành. Depot Nhổn hiện ra trước mắt anh là khu đất được quây tôn 4 phía, bên trong cỏ mọc men theo những vũng nước lầy lội. Đi một đoạn lại thấy sắt thép han gỉ chất từng đống. Dãy nhà điều hành trung tâm (OCC) vẫn còn những mảng tường gạch chưa hoàn thiện.

“Chưa có dãy nhà nào hoàn thành để có thể ở được. Họ đưa chúng tôi vào những container, loại dành cho công nhân lưu trú, và bắt đầu truyền đạt kiến thức về vận hành tàu điện của Pháp”, người lái tàu nhớ lại.

Sự hụt hẫng len lỏi vào tâm trí người học viên lái tàu khi anh chứng kiến khu depot chưa đâu vào đâu. Nhịp độ công trường trông uể oải với vài tốp công nhân làm những việc lặt vặt.

du an Metro Nhon anh 2

Cảnh ngổn ngang tại depot Nhổn khiến anh Hiếu hụt hẫng. Ảnh: NVCC.

Hạng mục depot Nhổn là gói thầu duy nhất do một nhà thầu Việt Nam đảm nhận là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Tuy nhiên, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã để lại nỗi thất vọng khi năng lực thi công không đáp ứng được yêu cầu. Mới đây, các nhà tài trợ cho dự án đã phải gửi thư đến chủ đầu tư bày tỏ quan ngại về năng lực của Hancorp. Ngoài ra, tiến độ CP05 cũng bị chậm thêm do phải chờ đợi giao diện thiết kế từ 2 gói thầu CP08 và CP06.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND Hà Nội cho biết gói thầu CP05 - depot Nhổn được khởi công ngày 12/1/2013, lẽ ra phải hoàn thành ngày 12/2/2018, nhưng đến nay mới đạt 77% tiến độ.

Anh em muốn bỏ việc cũng có, chạy xe ôm sống qua ngày cũng nhiều.

Lái tàu Nguyễn Đình Hiếu

Khi trực tiếp ngồi trong buồng lái, đưa đoàn tàu điện chạy dọc 8 ga trên cao, anh Hiếu nhận ra tiến độ các gói thầu thi công nhà ga cũng gây thất vọng không kém gì depot. Nội thất nhà ga dang dở, ke ga vương bụi, thiết bị phủ bạt im lìm.

Làm việc tại Hanoi Metro cùng những lái tàu từng chờ đợi suốt 6 năm để được vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, anh Hiếu không khỏi lo âu về quãng thời gian mình sẽ phải chờ đợi tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

Tuy nhiên, là người lớn tuổi trong nhóm hơn 50 lái tàu, anh vẫn động viên mọi người rằng cuối năm 2022 tàu sẽ chạy như lời hứa của chủ đầu tư.

Niềm khích lệ tinh thần cho cả đội đến tháng 8, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường và tái khẳng định đoạn trên cao phải vận hành vào cuối năm 2022.

“Anh em muốn bỏ việc cũng có, chạy xe ôm sống qua ngày cũng nhiều, nhưng chỉ đạo của Thủ tướng tạo ra sự khích lệ rất lớn”, anh Hiếu chia sẻ.

du an Metro Nhon anh 3

Depot Nhổn vẫn ngổn ngang, ngập nước sau 10 năm thi công. Ảnh: Ngọc Tân.

Tiết lộ với phóng viên, một cán bộ quản lý lái tàu tại Hanoi Metro cho biết số tiền Nhà nước bỏ ra để đào tạo lái tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông lên tới 680 triệu đồng mỗi người. Chi phí cho lái tàu tuyến Nhổn – Ga Hà Nội thấp hơn do đào tạo ở Việt Nam.

Các lái tàu khi tham gia dự án đều được cảnh báo nếu bỏ giữa chừng thì phải hoàn trả lại số tiền Nhà nước đã đầu tư. Nhưng thực tế vẫn có người bỏ đi làm nghề khác. Hanoi Metro gặp trở ngại về đạo đức khi đòi tiền những người này, bởi việc dự án chậm tiến độ đã khiến nhiều lái tàu kiệt quệ tài chính, không còn sức trụ tiếp.

Sau thời gian học “chuyển giao công nghệ” tại depot Nhổn, anh Hiếu được điều chuyển trở lại tuyến Cát Linh - Hà Đông, tạm thời làm công việc giám sát an toàn trên tàu trong lúc chờ tiến độ dự án Nhổn – Ga Hà Nội có thêm tiến triển. Công việc tạm cho anh mức thu nhập hơn 6 triệu đồng.

“Nhiều lúc nghĩ chạnh lòng. Nếu chỉ quan tâm đến thu nhập thì có nhiều nghề để làm lắm. Nhưng mình thích làm lái tàu điện vì tò mò với công việc mới lạ này. Có lúc nhìn lũ trẻ ở nhà mà tự động viên mình bằng bài hát Bố là tất cả. Thì đúng là mình đã trót hứa Bố là tàu lửa, bố là xe hơi, Bố là con ngựa, em cưỡi em chơi…”, anh Hiếu cười xòa.

* Họ tên lái tàu đã được thay đổi.

Người dân khổ sở

Lộp bộp… lộp bộp…lộp bộp…

Chiếc xô nhựa của ông Đông cứ hứng một lúc lại tràn.

Nheo mắt nhìn trần nhà, nơi những vết nứt ngày một loang ra, ông lắc đầu ngao ngán. Cứ mỗi ngày trời mưa là nước lại thấm dọc theo vách tường căn nhà 5 tầng trên phố Quốc Tử Giám của ông.

Người đàn ông ngoài 60 tuổi cho biết tường nhà ông bị nứt do ảnh hưởng từ việc thi công ga ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội. Tháng 1/2021, bên nhà thầu đã đến đo đạc, đánh giá mức độ hư hại và hoàn thành sửa chữa. Tuy nhiên, tình trạng nước dột không được khắc phục triệt để.

Hứng nước nhiều, riết cũng thành quen, nhưng điều ông lo lắng nhất là sức khỏe người chị lớn tuổi của mình. Cái giường chật chội, giờ mưa dột, lại phải tránh chỗ thấm nước, bà chỉ biết nằm co lại bên mép giường, trông cho đến khi mưa tạnh thì thôi.

Ngay trước nhà, máy móc nằm bất động, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều khi vì quá chướng mắt mà ông Đông phải làm nhân viên dọn dẹp vệ sinh bất đắc dĩ.

"Nắng thì bê tông phả nhiệt, mưa thì ngập lụt, mùi bốc lên mà không ra dọn được, khổ sở nhất là mấy ngày mưa dầm dề, chả ngớt", người chủ nhà chia sẻ.

Cách nhà ông Đông chừng 2,5 km, bà Hòa đang nhễ nhại mồ hôi, loay hoay với cánh cửa cuốn của căn nhà 4 tầng trên phố Kim Mã. Dọn vào không được, bán chẳng ai mua, định bụng đóng cửa nay về sớm mà cái nút điều khiển bị liệt.

Bà Nguyễn Thị Hòa (72 tuổi) cho biết mảnh đất mặt tiền phố Kim Mã là tài sản thừa kế, mẹ để lại cho 4 chị em. Trước khi nhà thầu đến dựng rào chắn để thi công ga ngầm S9, căn nhà được các chủ shop quần áo thuê với giá 30 triệu đồng/tháng.

Giờ đây, bà Hòa đã hạ giá thuê nhà hơn 50% mà vẫn không có khách. Mọi ánh mắt tiểu thương đều nghi ngại khi thấy con đường trước nhà bị quây tôn chỉ còn gần 3 m, tiếng còi xe inh ỏi và âm thanh rầm rầm của xe cộ qua lại suốt ngày đêm.

Dự án ga ngầm metro biến mặt phố 'kim cương' thành nơi bán trà đá Phố Kim Mã từng là nơi kinh doanh sầm uất nay trở nên đìu hiu vì dự án thi công ga ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ. Các cửa hàng sang trọng giờ thành hàng trà đá vỉa hè.

Nhiều cửa hàng trên phố Kim Mã đã phải đóng cửa chuyển đi nơi khác. Con đường trước kia rộng 20 m, sau 3 lần thu hẹp, nay vỏn vẹn còn chưa đầy 3 m. Tuyến đường một chiều, lại cấm ôtô khiến việc kinh doanh càng thêm khó khăn.

Máy móc ở đây thi thoảng lại được lôi ra hoạt động chống gỉ.

Ông Phan Đăng Giá

“Hàng tồn chất đầy trong kho, mà thời trang là mặt hàng theo mùa, theo mốt, để từ năm này qua năm khác chỉ có nước mang đi làm từ thiện”, ông Phan Đăng Giá, chủ cửa hàng quần áo tại số 451 Kim Mã, than thở.

Khi mới triển khai dự án, công nhân và máy móc hoạt động nhộn nhịp. Nhưng 2 năm nay thì im hẳn. Ông Giá bông đùa rằng máy móc ở đây “thi thoảng lại được lôi ra hoạt động chống gỉ”.

Suốt nhiều năm qua, đoạn cầu cạn dài 8,5 km của dự án chỉ đáp ứng một chức năng duy nhất là che mưa, nắng cho phương tiện đi trên trục đường Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Để có được dải bê tông cốt thép này, người dân phải chặt bỏ hàng trăm cây xanh, đồng thời nếm trải chuỗi ngày giao thông ùn tắc vì rào đường. Thi thoảng, nhà thầu lại để xảy ra một vụ rơi thép, đổ cần cẩu vì thi công bất cẩn.

2 thập kỷ "rùa bò"

Trong lịch sử đầu tư các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội được triển khai song song, nếu không muốn nói là sớm hơn cả tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông.

Tháng 8/2002, cách đây 2 thập kỷ, Chính phủ ban hành văn bản 971 cho phép UBND Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án "Xây dựng tuyến xe điện thí điểm quốc lộ 32 (đoạn từ Mai Dịch vào trung tâm Hà Nội)". Thành phố được phép làm việc với các nhà tài trợ Pháp, Hà Lan... để làm rõ khả năng cung cấp vốn cho dự án.

du an Metro Nhon anh 8

Trục Xuân Thủy - Cầu Giấy những ngày người dân đi lại khổ sở vì công trường chiếm gần hết mặt đường. Ảnh chụp năm 2015: Hoàn Nguyễn.

Đây được coi là văn bản mang tính lịch sử, đánh dấu việc UBND Hà Nội bén duyên với các đối tác Pháp trong việc thực hiện dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Sau đó, thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của quỹ FASEP (Pháp) để lập báo cáo tiền khả thi, đồng thời sử dụng báo cáo này làm cơ sở đàm phán, ký kết nghị định thư vay vốn và chỉ định thầu tư vấn lập dự án.

Kết quả, Tập đoàn Systra của Pháp được chỉ định làm tư vấn thực hiện dự án. Tập đoàn này trực tiếp lập báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu, giám sát thi công và hỗ trợ quản lý dự án. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Pháp và một số nhà tài trợ khác.

Công trình ban đầu có tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2009 đến 2015. Đến tháng 12/2018, sau hàng loạt khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và triển khai thi công, dự án bị điều chỉnh đội vốn lên 32.910 tỷ đồng, thời gian thi công kéo dài đến năm 2022.

Gần đây, MRB đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài đến năm 2029. Trong đó, đoạn trên cao dài 8,5 km sẽ được khai thác trong năm 2022 và đoạn ngầm được khai thác vào năm 2027. Cùng với đó, tổng mức đầu tư dự án cũng được đề nghị nâng lên 34.532 tỷ đồng.

du an Metro Nhon anh 9

Sơ đồ tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Đồ họa: Duy Anh.

Trong trí nhớ của KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội khác biệt với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ khâu lên ý tưởng.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi nguồn từ ý tưởng kết nối liên vùng giữa 2 thành phố Hà Nội và Hà Đông. Trong khi đó, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội lại nối trung tâm Hà Nội với một vùng nông thôn, người dân nhiều đời sống bằng nghề trồng hoa, cây cảnh.

"Thành phố đặt kỳ vọng vào một tổ hợp TOD xung quanh ga Nhổn, nơi sẽ có được sức bật lớn khi tuyến metro hoàn thành. Quỹ đất tại đó còn rất nhiều để phát triển đô thị. Tất cả nằm trong một mục tiêu giãn dân khỏi nội đô", ông Nghiêm phân tích.

TOD - Transit Oriented Development - là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Địa bàn Nhổn thích hợp để triển khai mô hình này vì vị trí nằm xa trung tâm, mật độ xây dựng chưa cao và còn nhiều dư địa để quy hoạch phát triển.

Sau 2 thập kỷ tính từ lúc dự án Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu lập báo cáo tiền khả thi, khu vực Nhổn, Tây Tựu, Phúc Diễn, vẫn phát triển chậm chạp, chưa tương xứng với phần còn lại của thủ đô. Hoạt động kinh doanh của người dân chủ yếu bám vào tuyến đường 32 bụi bặm và nham nhở ổ gà.

Khu depot Nhổn, nếu không nhìn bảng thông tin dự án thì ít ai biết nó là công trình bạc tỷ. Rào chắn ở đây đã rách nát, có chỗ cháy xạm do người dân đốt rác. Đoạn khác đẹp đẽ hơn, thì làm tường leo của nhiều loại cây dại.

Dấu vết của một tổ hợp TOD - theo chia sẻ của KTS Đào Ngọc Nghiêm - vẫn chỉ là khối bê tông treo trên đầu người dân, chưa biết bao giờ hoàn thành.

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Đại học GTVT) nhận định nếu làm đúng quy hoạch thì đến nay Hà Nội đã có đến 4 tuyến đường sắt đô thị hoạt động gồm: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Yên Viên - Ngọc Hồi và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Trên thực tế, mới có tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác sau nhiều năm chật vật thi công. Tuy nhiên, tuyến này càng chạy càng lỗ đậm vì không thể thu hút được người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang công cộng.

Chuyên gia cho rằng sự chậm trễ, ì ạch của metro Nhổn - Ga Hà Nội và các dự án đang triển khai góp phần tăng mức độ thua lỗ của tuyến Cát Linh - Hà Đông và trì hoãn mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của thủ đô.

Cảnh hoang tàn trên công trường dự án ga ngầm metro

Trải qua nhiều năm thi công, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. Nhiều vật liệu gỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Ngọc Tân - Hồng Huế

Bạn có thể quan tâm