Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì đâu hạng mục tàu điện ngầm đầu tiên ở Hà Nội rơi vào bế tắc

Gói thầu thi công 4 km đi ngầm của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội được ký từ năm 2015, song vướng mắc trong bàn giao mặt bằng khiến hạng mục đội vốn, chậm tiến độ suốt 7 năm trời.

7 năm trước, ngày 30/10/2015, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) ký bản hợp đồng trị giá 6.501 tỷ đồng với liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella, để triển khai gói thầu CP03 - thi công nhà ga và đường tàu điện ngầm dài 4 km của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Những tưởng gói thầu sẽ được triển khai nhanh chóng khi nhà thầu là các doanh nghiệp xây lắp đến từ Italy và Hàn Quốc, tư vấn giám sát Systra đến từ Pháp. Thế nhưng, vướng mắc trong khâu bàn giao mặt bằng đã khiến gói thầu CP03 "sa lầy" vào cảnh chậm tiến độ và đội vốn.

Dự án ga ngầm metro biến mặt phố 'kim cương' thành nơi bán trà đá Phố Kim Mã từng là nơi kinh doanh sầm uất nay trở nên đìu hiu vì dự án thi công ga ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ. Các cửa hàng sang trọng giờ thành hàng trà đá vỉa hè.

Hậu quả tai hại khi chậm giải phóng mặt bằng

Gói thầu CP03 sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB. Thời gian thi công trong 4 năm. Về quy trình thi công, các nhà thầu sẽ đào lộ thiên 4 ga ngầm (từ S9 đến S12), sau đó cho 2 robot đào hầm khoan xuyên qua cả 4 ga.

Giá trị dự toán được phê duyệt của CP03 khi đó là 8.487 tỷ đồng, tức là mức giá "chào hàng" 6.501 tỷ đồng của liên danh nhà thầu thấp hơn gần 2.000 tỷ đồng so với ước tính của chủ đầu tư.

tien do ga ngam Nhon anh 1

2 robot đào hầm đã được lắp đặt tại ga ngầm S9 (Kim Mã) nhưng chưa thể vận hành vì mâu thuẫn giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Ảnh: Fecon.

Hợp đồng ban đầu nêu rõ nhà thầu phải được tiếp cận toàn bộ mặt bằng sạch khi bắt đầu thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thể bàn giao đầy đủ mặt bằng do những vướng mắc trong việc di dời công trình ngầm, nổi.

Để cứu vãn hợp đồng có nguy cơ bị chấm dứt, MRB đã tiến hành thương thảo với nhà thầu và thống nhất ngày khởi công dự án là 6/2/2017, hủy bỏ điều kiện bàn giao toàn bộ mặt bằng, thay bằng bàn giao từng phần với hạn chót là 6/6/2017. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cho phép nhà thầu kéo dài thời gian thi công thêm 11,5 tháng.

Tuy nhiên, thỏa ước trên vẫn không thực hiện được do tiến độ giải phóng mặt bằng tiếp tục không đạt yêu cầu. MRB cho biết hạ tầng ngầm và nổi của gói thầu được bàn giao rất chậm trễ.

Ngoài ra, vướng mắc còn nằm ở việc xử lý các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công khoan hầm. Nhà ở của người dân nằm trong hành lang an toàn tuyến hầm cần được di dời, phá dỡ trước khi khoan hầm để đảm bảo an toàn.

tien do ga ngam Nhon anh 2

Công trường ga ngầm S9 trên đường Kim Mã gây ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống mưu sinh của người dân. Ảnh: Ngọc Tân.

Ngày 30/10/2021, nhà thầu thông báo chấm dứt hợp đồng nhằm gây sức ép cho chủ đầu tư.

Nhà thầu khẳng định muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng 3 yêu cầu gồm cung cấp quyền tiếp cận toàn bộ công trường để chấm dứt tình trạng chậm trễ mặt bằng; gia hạn thực hiện hợp đồng và thanh toán tạm 70 triệu USD chi phí bổ sung do kéo dài thời gian.

Với những vướng mắc kéo dài từ năm này qua năm khác không được giải quyết, đến nay, hợp đồng gói thầu CP03 đã bước sang năm thứ 7 nhưng tiến độ thi công xây lắp mới đạt 32%.

Từ mục tiêu ban đầu là đưa toàn bộ dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành cùng thời điểm, thành phố đã phải chấp nhận tách ra thành 2 mốc tiến độ, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km sẽ được khai thác trước và đoạn ngầm 4 km sẽ hoàn thành sau. Đến nay, đoạn trên cao chưa về đích và cũng có nguy cơ vỡ tiến độ.

Điều khoản hợp đồng đặt chủ đầu tư vào thế khó

Báo cáo Thủ tướng, UBND Hà Nội cho biết gói thầu CP03 được sử dụng mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC theo yêu cầu của nhà tài trợ. Mẫu hợp đồng này có điểm khác biệt với pháp luật Việt Nam như cho phép gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do điều chỉnh thời gian; xử lý khiếu nại bằng Ban xử lý tranh chấp...

tien do ga ngam Nhon anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Hà Nội và Bộ GTVT thị sát dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội hôm 9/8. Ảnh: VGP.

Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư thường xuyên rơi vào thế bất lợi khi thương thảo với nhà thầu do không thể thực hiện nghĩa vụ cung cấp quyền tiếp cận toàn bộ công trường và bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella có nhiều kinh nghiệm về tranh chấp pháp lý với công trình ngầm.

Để giải quyết các vấn đề của gói thầu CP03, UBND Hà Nội đã chỉ đạo MRB và các tư vấn đánh giá cẩn trọng từng vấn đề để thương thảo với nhà thầu.

Ngày 5/8, UBND Hà Nội đã họp với đại diện cấp cao của nhà thầu để yêu cầu thi công trở lại. Thành phố thống nhất sẽ cung cấp quyền tiếp cận công trường cho các phần mặt bằng còn lại muộn nhất vào ngày 30/9; thống nhất gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; đồng ý tiếp tục duy trì Ban xử lý tranh chấp và đề nghị chủ đầu tư thanh toán chi phí bổ sung do chậm trễ khởi công với giá trị thanh toán theo quyết định của Ban xử lý tranh chấp.

Đối với chi phí bổ sung khác, UBND Hà Nội yêu cầu nhà thầu làm việc cụ thể với chủ đầu tư, Tư vấn của dự án và cung cấp bằng chứng làm cơ sở để các bên xem xét, thương thảo, thống nhất.

Để tháo gỡ vướng mắc của gói thầu CP03, UBND Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng FIDIC mà chủ đầu tư đã ký kết với nhà thầu và cho phép tuân thủ hợp đồng FIDIC trong trường hợp nội dung hợp đồng có khác biệt với quy định Việt Nam.

tien do ga ngam Nhon anh 4

Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội. Đồ họa: Duy Anh.

Trong chuyến thị sát ga ngầm S9 ngày 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư là TP Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP Hà Nội cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý.

Đối với đoạn đi ngầm, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội phải nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Thủ tướng yêu cầu vận hành đoạn trên cao metro Nhổn cuối năm 2022

Trước những lo ngại về việc lùi tiến độ đoạn trên cao của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các đơn vị phải đưa hạng mục này về đích trong năm 2022.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm