Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ đầu tư metro Nhổn phản hồi về tình trạng nhà dân bị nứt

Liên quan nhà dân bị nứt nằm gần ga S11 của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân không phải từ việc thi công dự án mà vì tòa nhà xuống cấp theo thời gian.

Tối 19/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin về việc đảm bảo an toàn cho các công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường sắt và khu vực lân cận thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Thời gian qua, một số hộ dân sống gần các vị trí thi công nhà ga của dự án này phản ánh việc tường nhà bị nứt do việc đào hầm.

Theo ghi nhận của Zing, căn nhà số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám, xuất hiện nhiều vết nứt dọc tường, ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà. Chủ hộ là ông Lê Hữu Đa cho biết đơn vị thực hiện dự án metro đã đến đo đạc và phủ nhận việc nhà lún do thi công ga ngầm.

"Họ đề xuất gia đình chuyển đi nơi khác ở trong 5 tháng và có chi phí hỗ trợ thuê nhà mỗi tháng", ông Đa chia sẻ. Tuy nhiên khi hết 5 tháng, thấy căn nhà không được sửa chữa và phía dự án cũng không chu cấp thêm, gia đình ông đành phải trở lại căn nhà đang lún nứt và tiếp tục sống trong cảnh lo sợ.

7 hộ phải dỡ bỏ nhà

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, việc tổ chức triển khai dự án metro Nhổn - ga Hà Nội phức tạp do tuyến đi qua các khu đông dân cư, mật độ các tòa nhà hiện hữu lớn. Quanh khu vực này có nhiều tòa nhà được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình xuống cấp, đặc biệt trong khu vực phần tuyến hầm và các nhà ga ngầm.

Theo đó, đơn vị quản lý đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, đánh giá rủi ro khi thi công.

Kết quả quan trắc và khảo sát hiện trạng cho thấy 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động. Trong đó, 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư.

"Dự án đã xây dựng khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm", đại diện MRB cho biết.

Tháng 11/2019, dự án tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình tại địa chỉ số 431 Kim Mã, quận Ba Đình, được xây dựng từ năm 1994 bị nứt và hư hỏng. Bà Bích cho rằng nguyên nhân là ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9.

nha nut o metro nhon anh 1

Một số căn nhà trên phố Kim Mã gần công trường ga ngầm S9 tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội ghi nhận tình trạng lún nứt, hư hỏng. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo đại diện MRB, thời điểm đó, đơn vị đã kiểm tra các số liệu quan trắc với kết quả nằm trong ngưỡng an toàn. Với các vết nứt do điều kiện bảo trì kém, ẩm thấp gây rỉ thép dẫn tới nứt vỡ, dự án đề xuất phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, chủ nhà yêu cầu nhà thầu phải xây lại nhà mới hoặc đền bù với giá trị tương đương.

Đến tháng 11/2021, các số liệu quan trắc về độ lún của tòa nhà đã vượt ngưỡng an toàn cho phép. Dự án phải kích hoạt quy trình hệ thống đảm bảo an toàn cho tòa nhà.

Theo báo cáo, mức độ hư hại và xác định khối lượng tổn thất cho công trình nhà bà Bích do tư vấn kiểm định độc lập thực hiện kết luận toà nhà bị nứt, hư hỏng do hai nguyên nhân chính: Tòa nhà xuống cấp do đã sử dụng từ năm 1994 và ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9.

Tư vấn độc lập đã lập dự toán theo quy định của Nhà nước và nhà thầu phải đền bù 32,55% tổng giá trị xây mới tương đương hơn 523 triệu đồng, hỗ trợ tạm cư 50 triệu đồng, hỗ trợ vận chuyển đồ 5,16 triệu đồng.

Bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù 32,55%, nhưng không đồng ý giá trị dự toán xây dựng mới tòa nhà.

Do đó, dự án tiếp tục xem xét nội dung đề nghị của bà Bích, đồng thời kiến nghị UBND phường Ngọc Khánh tiếp tục hỗ trợ các bên để hoà giải.

Phủ nhận việc nhà ở gần ga S11

Đối với công trình nhà tại địa chỉ số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, với chủ hộ là ông Lê Hữu Đa, Ban Quản lý cho biết công trình nằm gần khu vực thi công nhà ga S11.

Trước khi thi công, ngày 25/1/2018, đơn vị ghi nhận tòa nhà của ông Đa đã có nhiều vết nứt. Đến tháng 1/2020, dự án khảo sát lần thứ 2 tiếp tục ghi nhận công trình có nhiều vết nứt nghiêm trọng ở tầng 1 và 2. Các vết nứt này phát triển lớn và nhiều hơn so với kết quả khảo sát lần thứ nhất.

"Như vậy, nhà ông Đa đã bị nứt nghiêm trọng trước khi nhà thầu tiến hành thi công tại ga S11", theo thông tin từ MRB.

nha nut o metro nhon anh 2

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn ngổn ngang sau 12 năm thi công. Ảnh: Tuấn Anh.

Đơn vị cũng cho biết xung quanh nhà ông Đa (ngoại trừ các thiết bị trong khu lún bất thường) đều không có hiện tượng lún. Trong khi đó, độ lún tại công trình nhà ông Đa đang phát triển nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Tháng 5/2021, nhà thầu đã gửi thư khẳng định nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của nhà ông Đa. Các chuyên gia của dự án kết luận việc nứt, lún của nhà ông Đa không phải do việc thi công nhà ga S11 của dự án, mà vì kết cấu tòa nhà đã bị xuống cấp theo thời gian và không được bảo trì phù hợp.

Ngoài ra, việc lún, nứt phát triển nhanh hơn do tác động thêm của công trình sát cạnh mới được xây dựng trong năm 2020.

Nhà thầu khẳng định dù nguyên nhân không đến từ việc xây dựng nhà ga S11, dự án vẫn hỗ trợ chi trả tiền tạm cư là 5 triệu đồng mỗi tháng từ tháng 4 đến tháng 8/2021.

Ban Quản lý cho biết nếu gia đình ông Đa vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì đề nghị gia đình và UBND phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập. Nếu kết quả kết luận nếu nguyên nhân đến từ dự án, MRB sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan.

Dự án Nhổn - Ga Hà Nội ngổn ngang sau 12 năm thi công

Sau 12 năm thi công, dự án Nhổn - Ga Hà Nội vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nhiều vật liệu gỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đô thị, cuộc sống của người dân.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm