Sau khi liên tiếp ba ứng viên rời khỏi cuộc đua, đảng Dân chủ còn lại 5 ứng viên tranh chiếc vé để đối đầu với Tổng thống Trump tháng 11 tới.
Các cuộc bỏ phiếu tại 14 bang ngày 3/3 sẽ định đoạt 1.357 “phiếu đại biểu” (tức phiếu đại diện cho một khu vực nào đó trong bang), có thể coi là ngày quan trọng nhất trên lịch bầu cử sơ bộ năm nay.
Theo New York Times, nếu một ứng viên có kết quả tốt trong ngày Siêu Thứ ba, sẽ có thể bứt phá, khiến các ứng viên còn lại rất khó theo kịp trong ba tháng tranh cử sơ bộ còn lại.
Các bang đứng đầu về số “phiếu đại biểu” bao gồm các các bang lớn như California (415 phiếu), Texas (228 phiếu), North Carolina (110 phiếu), Virginia (99 phiếu), Massachusetts (91 phiếu).
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có nhiều khả năng bứt phá, nhưng không ai nắm thế chắc chắn. Cựu phó tổng thống Joe Biden cũng hy vọng đà thắng lợi vừa mới có ở South Carolina sẽ được duy trì, giúp ông tiếp tục ganh đua.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (trái) đang dẫn đầu nhưng cựu phó tổng thống Joe Biden đang có đà sau chiến thắng ở bang South Carolina. Ảnh: AP. |
Theo New York Times, các cuộc bỏ phiếu sơ bộ diễn ra trên những vùng miền đa dạng, rộng lớn, trải khắp nước Mỹ, từ những khu ngoại ô vùng Trung-Đại Tây Dương đến Vành đai Mặt Trời (Sun Belt - băng ngang miền tây và tây nam nước Mỹ); hay những “thành trì” của đảng Dân chủ ở vùng Đông Bắc (New England) và Thượng Trung Tây (Upper Midwest - các tiểu bang nằm giữa nước Mỹ, gần phía Canada); những thành phố vùng Thượng Nam (upper South - phần bắc của miền nam nước Mỹ) hay các bang miền Núi (Mountain states - dải phía tây dọc dãy Rocky, nhưng không giáp Thái Bình Dương), hay những khu vực nông thôn ở hai vùng này.
Thắng áp đảo được trên nhiều vùng đa dạng như thế là một thử thách lớn. Nhưng một ngày Siêu Thứ ba như vậy, với tất cả sự đa dạng và khó đoán, sẽ là sự tập dượt gần giống nhất với ngày tổng tuyển cử tháng 11.
Chỉ khác là, “trọng tâm” của ngày Siêu Thứ ba sẽ nghiêng về phía Tây nước Mỹ, như bang California và bang Texas. Một số trung tâm đông dân khác ở phía đông nước Mỹ - có đáng kể số “phiếu đại biểu” như Florida, Michigan, New York, Pennsylvania và Illinois - vẫn còn nhiều tuần nữa mới bỏ phiếu.
Các bang (màu xanh) tổ chức bỏ phiếu sơ bộ vào ngày 3/3. Đồ họa: New York Times. |
Ứng viên Bernie Sanders đang thắng thế - cuộc đua sẽ đi đến đâu?
Ông Sanders nhiều khả năng sẽ giành thế dẫn đầu về số phiếu đại biểu sau ngày Siêu Thứ ba. Nhưng dấu hỏi lớn sẽ là khoảng cách dẫn đầu của ông sẽ là bao nhiêu.
Trong 14 bang Siêu Thứ ba, không có nhiều bang mà ông Sanders không thể thắng. Về lý thuyết, ông có thể thắng hầu như tất cả bang, ngoại trừ Alabama, nơi mà phần đông cử tri là người Mỹ gốc Phi theo lối trung dung, có xu hướng ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden, theo New York Times.
Ông Sanders, thượng nghị sĩ bang Vermont, cũng đang thể hiện sức mạnh ở bang Massachusetts, bang quê nhà của đối thủ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Minnesota cũng trong tầm với sau khi Thượng nghị sĩ bang này Amy Klobuchar vừa tuyên bố rời khỏi cuộc đua ngày 2/3. Chính ông Sanders đã thắng tại Minnesota khi chạy đua với bà Clinton năm 2016.
Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Ảnh: AP. |
Mục tiêu quan trọng nhất cho ông Sanders là bang California, nơi ông kỳ vọng không chỉ thắng, mà còn thắng áp đảo, giành được đa số phiếu đại biểu. Nếu làm được vậy, ông Sanders sẽ có thế dẫn trước gần như không thể vượt qua.
Nhưng ông Sanders có lợi thế như vậy một phần vì sự chia rẽ của các thế lực chống đối ông. Nếu các cử tri trung dung hay cử tri Mỹ gốc Phi “tề tựu” quanh một hoặc hai ứng viên còn lại - trong đó ông Biden đang thắng thế hơn - thì ông Sanders có thể không giành được nhiều bang như kỳ vọng, và chiến thắng của ông sẽ bị thu hẹp hơn, tại các bang phía Tây nơi ông đã có một liên minh vững chắc các cử tri trẻ tuổi cấp tiến và cử tri gốc Nam Mỹ.
Cuộc đua của đảng Dân chủ có bước ngoặt đầy kịch tính vào ngày 1/3 sau khi cựu thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana là ông Pete Buttigieg từ bỏ cuộc đua, dọn đường cho cử tri tập trung lại quanh các ứng viên khác có nhiều khả năng chặn ông Sanders hơn (vì các ứng viên khác coi chính sách của ông Sanders là quá cấp tiến, khó thuyết phục cử tri trung dung, dễ khiến đảng Dân chủ thất bại trước Tổng thống Trump).
Với lượng cử tri vừa được ông Pete Buttigieg “giải phóng”, vẫn chưa rõ ứng viên nào sẽ hưởng lợi, là ông Biden, bà Warren hay ông Bloomberg.
Vì sao ông Biden chưa vận động nhiều ở các bang Siêu Thứ ba?
Ông Biden giành thắng lợi lớn ở bang South Carolina, nhưng chưa rõ chiến thắng đó tạo đà được đến đâu trước ngày Siêu Thứ ba. Thậm chí, cho đến cuối tuần vừa rồi, ông đã không tranh cử ở bang Siêu Thứ ba nào trong vòng hơn một tháng, ngoại trừ những cuộc huy động tiền.
Sau khi về thứ tư ở Iowa và về thứ 5 ở New Hampshire - hai bang đầu tiên bỏ phiếu sơ bộ - ông Biden dành trọn thời gian ở Nevada và South Carolina - để rồi giành được kết quả mong muốn ở cả hai nơi. Nhưng đổi lại, ông đã không thể vận động ở các nơi khác. Phải tới cuối tuần qua, ông mới thăm North Carolina, Alabama và Virginia, và vận động ở Texas ngày 2/3 trước khi sang California.
Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama. Ảnh: AP. |
Ông Biden có thế mạnh trước các cử tri da màu, và chiến dịch của ông Biden đang tập trung vào các khu vực có đông khối cử tri này. Nhưng số nhân viên của ông tại các bang Siêu Thứ ba khá mỏng. Ông chỉ có một văn phòng ở California và bốn văn phòng ở Texas. Trái lại, cựu thị trưởng New York Mike Bloomberg có 24 văn phòng ở California và 19 ở Texas.
Dù vậy, ông Biden vẫn có một số lợi thế vào ngày Siêu Thứ ba. Ông vừa giành thắng lợi bầu cử sơ bộ ở South Carolina, và hai ứng viên Klobuchar và Buttigieg vừa rời cuộc đua đã lên tiếng ủng hộ ông Biden, khiến nhiều người ủng hộ họ có thể chuyển sang ủng hộ ông Biden. Ông Biden cũng được nhiều nhân vật nổi bật, có ảnh hưởng ở các bang Siêu Thứ ba tuyên bố ủng hộ.
Ông cũng đang tận dụng cái tên vốn được đa số người Mỹ biết đến, đơn giản vì ông từng là cựu phó tổng thống dưới thời Barack Obama.
Chi tiền quảng cáo “khủng”, ông Bloomberg có nhận kết quả xứng đáng?
Các ứng viên tổng thống khác đã phải cân đo đong đếm xem nên tiếp cận các bang trong ngày Siêu Thứ ba như thế nào, nên quảng cáo ở đâu với số ngân quỹ có hạn. Nhưng ông Bloomberg thì không như vậy. Ông đang nhắm tới tất cả, chi tiền không thương tiếc để quảng cáo và tuyển mộ đội ngũ nhân viên tổ chức, ở mức chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ.
“Cơn mưa” quảng cáo đó đã khiến tỷ lệ của ông tăng lên, lọt vào nhóm có khả năng cạnh tranh, tại tất cả các bang. Sự ủng hộ của ông rộng nhưng chưa chắc đã sâu.
Ngoài ra, ông Bloomberg cũng chưa có “thành trì” của riêng mình, tức những khối cử tri tương đối trung thành với ông, dù là theo địa lý hay các đặc điểm dân số. Các ứng viên khác đều có những thành trì như vậy, chẳng hạn ông Sanders nổi trong số người trẻ, còn bà Warren được lòng các phụ nữ cấp tiến.
Cựu thị trưởng New York Mike Bloomberg. Ảnh: AP. |
Vì vậy, ông Bloomberg có thể có lợi hơn ở những nơi mà không một nhóm cử tri nào chiếm phần lớn. Những ngày gần đây, ông tập trung nỗ lực tại các bang Texas, Arkansas, Oklahoma, Virginia và North Carolina - những nơi mà cả cử tri da màu, cử tri người Nam Mỹ, và cử tri da trắng ngoại ô đều có ảnh hưởng chính trị. Và ông tiếp tục đổ tiền vào thị trường quảng cáo đắt đỏ ở California, nơi các ứng viên khác phải chi tiêu dè dặt.
Nhưng đây sẽ là thử thách thực sự, vì là lần đầu tiên ông đối mặt với cử tri tại hòm phiếu, vì ông đã bỏ qua các cuộc bầu cử sơ bộ tháng 2.
Trong cuộc đua hiện tại của đảng Dân chủ, ông đang là yếu tố bất ngờ, có thể bứt phá mà cũng có thể thất bại nhanh chóng.
Liệu bà Elizabeth Warren có đuổi kịp?
Bốn cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên không được như hy vọng của bà Warren, thượng nghị sĩ bang Massachusetts theo trường phái cấp tiến như ông Sanders. Bà không có kết quả ấn tượng ở bang nào. Ở South Carolina gần nhất, bà về thứ 5, cho thấy bà vẫn chưa thể tăng sức hút của mình với cử tri da màu. Kể từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Iowa, bà vẫn chưa giành thêm được phiếu đại biểu.
Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren. Ảnh: AP. |
Bước vào Siêu Thứ ba, bà đứng trước viễn cảnh u ám: không thắng được một bang nào, bao gồm bang quê nhà là Massachusetts, nơi cử tri đã hai lần bầu bà vào Thượng viện Mỹ. Ông Sanders đang trực tiếp thách thức bà khi vận động tại đây những ngày qua.
Trong một thư viết cuối tuần qua, quản lý chiến dịch của bà Warren, Roger Lau, nêu dự đoán nội bộ cho thấy bà Warren giành được phiếu đại biểu ở mọi bang trong Siêu Thứ ba, đồng thời nhấn mạnh rằng bà vẫn sẽ duy trì cuộc tranh cử “một cách lâu dài”.
Bà Warren có bộ máy tổ chức tranh cử rộng khắp trên toàn nước Mỹ, với hơn 400 nhân viên tại 14 bang của Siêu Thứ ba. Bà cũng được một “siêu nhóm hành động chính trị” (super PAC) ủng hộ đáng kể, khi đã chi hàng triệu USD để ủng hộ bà tại các bang này.
Ứng viên cần trên 15% số phiếu cử tri để có phiếu đại biểu
Phần thưởng quan trọng nhất sau ngày Siêu Thứ ba là các phiếu đại biểu. Để giành được phiếu đại biểu theo quy định của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, ứng viên cần có được ít nhất 15% phiếu của cử tri trong một khu vực nhất định (có thể tính trên toàn bang hoặc ở từng khu vực).
Bao nhiêu ứng viên vượt ngưỡng 15% sẽ là yếu tố rất quan trọng.
Chẳng hạn nếu chỉ có 2 ứng viên vượt quá 15% (chẳng hạn 40% và 20%), còn những người khác dưới 15%, thì ứng viên có 40% số phiếu phổ thông sẽ giành được 2/3 số phiếu đại biểu của khu vực, ứng viên 20% số phiếu sẽ giành 1/3 số phiếu đại biểu, còn các ứng viên còn lại sẽ tay trắng.
Như vậy nếu càng nhiều ứng viên vượt qua 15%, số phiếu đại biểu sẽ càng được chia ra.
Số phiếu đại biểu cho đến nay của một số ứng viên. Đồ họa: New York Times. |
Ứng viên duy nhất đủ khả năng giành đủ 15% số phiếu ở mọi bang là ông Sanders. Các ứng viên khác đang chiến đấu không phải để đánh bại ông, mà là để bám sát ông.
Nếu nhiều bang xảy ra trường hợp chỉ hai ứng viên giành được phiếu đại biểu - tức ông Sanders cùng một ứng viên về nhì - và ứng viên về nhì này khác nhau tùy từng bang, thì ông Sanders sẽ tạo được thế dẫn trước khá xa và an toàn, gần như khó vượt qua dù trên lịch còn nhiều bang khác chưa bỏ phiếu sơ bộ.