Chưa đầy một tháng sau khi Taliban tràn vào thủ đô Afghanistan, Rabia Jamal (35 tuổi) đã đưa ra một quyết định khó khăn là trở lại làm việc tại sân bay quốc tế Hamid Karzai, AFP đưa tin hôm 12/9.
Dù Taliban đã thể hiện rõ quan điểm rằng phụ nữ nên ở nhà vì sự an toàn của chính họ, bà mẹ của 3 đứa con cảm thấy mình không có nhiều lựa chọn.
"Tôi cần tiền để nuôi gia đình. Thật căng thẳng khi ở nhà", Rabia nói. "Bây giờ tôi cảm thấy tốt hơn", cô cho biết.
Trong số hơn 80 phụ nữ làm việc tại sân bay trước khi Kabul rơi vào tay Taliban vào hôm 15/8, chỉ 12 người đã quay trở lại công việc.
Nhóm này nằm trong số rất ít phụ nữ ở thủ đô được phép tiếp tục đi làm vì Taliban yêu cầu hầu hết nhân viên không quay trở lại cho đến khi có thông báo mới.
Các tay súng Taliban có mặt tại sân bay ở Kabul sau khi lực lượng của Mỹ hôm 31/8. Ảnh: AP. |
Chị gái của Rabia, Qudsiya Jamal (49 tuổi) nói rằng việc Taliban tiếp quản Kabul đã khiến cô bị "sốc".
"Gia đình đã rất lo lắng cho tôi. Nhưng tôi đang cảm thấy thoải mái, không có vấn đề gì cho đến nay", bà mẹ của 5 người con và cũng là trụ cột trong gia đình cho biết.
Alison Davidian, đại diện của cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, hôm 8/9 cảnh báo rằng Taliban đã bỏ qua lời hứa tôn trọng quyền của phụ nữ nước này.
Dù cơ quan quản lý giáo dục của Taliban cho phép phụ nữ học đại học, các lớp học buộc phải chia theo giới tính hoặc ngăn cách bằng một bức màn. Phụ nữ được yêu cầu mặc abaya và choàng niqab chỉ để lộ đôi mắt.
Tuy nhiên, Rabia cho biết cô ấy sẽ tiếp tục làm việc đến khi nào bị buộc phải dừng lại.
Theo các sắc lệnh của Taliban, phụ nữ có thể làm việc "phù hợp với các nguyên tắc của đạo Hồi". Dù vậy, nội dung chi tiết các quy định vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.