Lá cờ trắng của Taliban được kéo lên lúc 11 giờ sáng ngày 11/9 (giờ địa phương) để đánh dấu thời điểm chính phủ tạm quyền Afghanistan chính thức hoạt động, theo Ahmadullah Muttaqi, lãnh đạo cơ quan truyền thông thuộc Ủy ban Văn hóa của Taliban.
Ông Muttaqi cho biết tân Thủ tướng Mohammad Hasah Akhund tự tay kéo cờ.
Taliban không đưa ra tuyên bố chính thức nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11/9/2001, sự kiện tiền đề cho chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm lật đổ chính quyền Taliban năm 2001. Tuy vậy, lá cờ trên dinh tổng thống là biểu tượng cho sự trở lại của Taliban sau 20 năm.
Củng cố chính quyền
Lúc này, al-Qaeda - thủ phạm gây ra vụ 11/9 - đã suy yếu. Taliban tuyên bố họ sẽ không để tổ chức này sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ, dù liên hệ giữa hai tổ chức vẫn chưa bị cắt đứt hoàn toàn.
Tuy vậy, dường như chống khủng bố không phải mối quan tâm lớn nhất của Taliban vào lúc này. Taliban đang hướng đến việc củng cố quyền lực và xây dựng chính quyền.
Lá cờ Taliban được vẽ bên ngoài trụ sở cũ của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Ảnh: AP. |
Để dẹp bỏ những lực lượng chống đối cuối cùng, Taliban tổ chức tấn công thung lũng Panjshir. Đây là nơi phó tổng thống bị lật đổ Amrullah Saleh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi và Ahmad Massoud - con trai “Sư tử của thung lũng Panjshir” Ahmad Shah Massoud - tổ chức nổi dậy sau khi Kabul thất thủ.
Sau nhiều ngày tấn công, Taliban đã chiếm được phần lớn thung lũng Panjshir. Đây là điều họ chưa từng làm được trong giai đoạn 1996-2001. Tuy vậy, giao tranh vẫn chưa chấm dứt. Cư dân trong thung lũng cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cơ bản.
Taliban cũng bị tố cáo giết hại dân thường không qua xét xử. Tuy vậy, Taliban phủ nhận các báo cáo này.
Một phụ nữ 52 tuổi tị nạn từ thung lũng Panjshir cho biết đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất mà bà và gia đình từng trải qua.
“Chúng tôi nghe thấy tiếng súng và tiếng la hét trên đường phố. Lực lượng Taliban và từng nhà để tìm kiếm binh sĩ nổi dậy và vũ khí. Nhà bà cũng bị Taliban gõ cửa, dù gia đình bà không ủng hộ phe nào trong xung đột.
Người tị nạn phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát của Taliban để đến Kabul. Một nhân chứng cho biết các quan chức Taliban yêu cầu ông xóa hết các bức ảnh và đoạn phim tại Panjshir được lưu trong máy.
Tìm kiếm sự công nhận
Trong một cuộc họp tại tỉnh Paktia, Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định “có dấu hiệu tích cực” cho thấy chính quyền mới của Afghanistan sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ông cho biết Taliban có thể đảm bảo nhu cầu của các quốc gia khác về an ninh và một “chính sách rõ ràng” nhằm đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành mối đe dọa chống lại họ.
Taliban đang tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa đưa ra cam kết chắc chắn về quan hệ với chính quyền Taliban.
Một trong những vấn đề cản trở việc xây dựng quan hệ giữa Taliban và cộng đồng quốc tế là mạng lưới Haqqani, tổ chức được cho là có vai trò cầu nối giữa Taliban và al-Qaeda. Nhiều thành viên mạng lưới đang nắm giữ vai trò quan trọng trong chính quyền mới.
Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani, đang là quyền Bộ trưởng Nội vụ, chức vụ nắm trong tay lực lượng cảnh sát, tình báo và an ninh Afghanistan. Ông cũng là nhân vật bị truy nã bởi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cơ quan này treo thưởng 5 triệu USD cho bất cứ thông tin nào giúp bắt giữ Haqqani.
Một vấn đề khác là quyền phụ nữ, đặc biệt là các cựu công chức trong chính quyền cũ. Taliban vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về địa vị và vai trò của họ trong chính quyền mới. Cho đến nay, chỉ có phụ nữ làm việc trong lĩnh vực y tế và giáo dục được quay trở lại làm việc.
Hôm 11/9, Taliban nhắc lại lời kêu gọi công chức Afghanistan trở lại làm việc. Tuy vậy, phụ nữ bị bỏ qua. Một nữ công chức giấu tên cho biết cô bị yêu cầu quay về nhà khi đến cơ quan. Cô không có thông tin gì về tiền lương của bản thân. Các quan chức Taliban cho biết điều này “chưa được quyết định”.
Từ khi Taliban giành chính quyền, nhiều cuộc biểu tình của phụ nữ đã nổ ra trên khắp đất nước. Trong khi đó, Taliban cũng tổ chức các cuộc biểu tình của những người ủng hộ, bao gồm nhiều phụ nữ mặc burqa (bộ trang phục che kín toàn thân của phụ nữ Hồi giáo).
Một cuộc biểu tình của phụ nữ tại Herat. Ảnh: NBC News. |
Những phụ nữ này đưa ra nhiều biểu ngữ bằng tiếng Anh với nội dung như “Chúng tôi hài lòng với thái độ và hành vi của lực lượng thánh chiến”, “Chúng tôi không muốn giáo dục chung giữa nam với nữ”.
“Chúng tôi phản đối những người biểu tình xuống đường và tự nhận là đại diện của phụ nữ”, một phụ nữ trong đoàn biểu tình ủng hộ Taliban nói với AFP. Bà nhận định chính quyền cũ “lạm dụng” phụ nữ.
Đoàn biểu tình này được binh sĩ Taliban có vũ trang bảo vệ. Hình ảnh này trái ngược với các cuộc biểu tình bị đàn áp trước đó của phụ nữ tại Herat hay Kabul.
Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (ONHCR) cảnh báo về mối quan ngại đang gia tăng về “phản ứng có chiều hướng bạo lực gia tăng” của Taliban đối với các cuộc biểu tình, bao gồm “đạn thật, dùi cui và roi da”.