Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 12/2 công bố thêm 97 ca tử vong mới được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, trong đó 94 ca ở Hồ Bắc, còn 3 ca còn lại được ghi nhận ở Hà Nam, Hồ Nam và Trùng Khánh.
Tổng cộng 2.015 ca nhiễm mới được xác nhận tại Trung Quốc đại lục, trong đó ở Hồ Bắc có 1.638 ca.
Tổng số người chết vì virus corona tại Trung Quốc đại lục đã lên tới 1.113 ca, tổng số ca nhiễm là 44.653 trường hợp.
Trên toàn thế giới, số ca tử vong được ghi nhận là 1.115, tổng số ca nhiễm bệnh lên tới 45.168.
Số ca nhiễm thấp nhất ở Hồ Bắc kể từ ngày 31/1
Số ca nhiễm mới trong ngày 11/2 ở Hồ Bắc được ghi nhận là 1.638. đây là số ca nhiễm thấp nhất kể từ ngày 31/1, khi 1.347 ca nhiễm mới được ghi nhận. Tổng số ca nhiễm trong toàn tỉnh hiện là 33.336 tính đến hết ngày 11/2.
Phần lớn ca tử vong mới được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc. Thành phố ghi nhận 72 ca tử vong hôm 11/2, tăng so với 67 ca ngày trước đó. Tổng cộng 820 người ở thành phố đã thiệt mạng vì virus.
Một hình ảnh được báo China Daily công bố cho thấy khu cách ly ở Vũ Hán. |
Nhà dịch tễ học nổi tiếng Trung Quốc Chung Nam Sơn hôm 11/2 cho biết dấu hiệu lạc quan bắt đầu xuất hiện khi số ca nhiễm mới virus corona đang giảm dần tại một số địa phương ở Trung Quốc. "Tôi hy vọng dịch bệnh có thể chấm dứt vào khoảng tháng 4", ông Chung, người đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống SARS năm 2003, nói với Reuters.
Chuyên gia 83 tuổi cho rằng đỉnh điểm lây nhiễm chủng mới của virus corona sẽ rơi vào giữa hoặc cuối tháng 2. Sau thời điểm này, ông Chung cho rằng số ca nhiễm mới sẽ chững lại và dần giảm xuống, cho tới khi sự lây nhiễm hoàn toàn được ngăn chặn.
Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục triệu cư dân ở nhiều thành phố trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Song số ca nhiễm mới cũng như số người tử vong vẫn tăng lên từng ngày.
Chính quyền Vũ Hán, nơi bị phong tỏa toàn thành từ ngày 23/1, đã siết chặt các biện pháp hạn chế tại thành phố 11 triệu dân. Các biện pháp mới bao gồm quy định không được đi khám bệnh tại bệnh viện ngoài quận cư trú, và "quản lý theo kiểu niêm phong" mọi khu dân cư.
Hai quan chức y tế ở Hồ Bắc đã bị miễn nhiệm hôm 11/2 sau làn sóng giận dữ trên mạng xã hội Trung Quốc vì cái chết của một bác sĩ, người từng lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh nhưng bị công an triệu tập.
Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (giữa) thăm một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: Xinhua. |
Cho đến nay, ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc là trên tàu du lịch Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi Nhật Bản. 174 người trên tàu đã được phát hiện dương tính với virus corona chủng mới. Con tàu đã bị cách ly kể từ khi đến bờ biển Nhật Bản đầu tuần trước, sau khi virus được phát hiện ở một hành khách trước đó đã xuống tàu tại Hong Kong.
Mối đe dọa mạnh hơn cả khủng bố
Virus corona chủng mới, có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã được đặt tên chính thức là "Covid-19" hôm 11/2. Tới nay, hơn 43.000 ca lây nhiễm đã được ghi nhận tại 28 quốc gia, với số trường hợp chủ yếu tập trung ở Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tên chính thức cho virus là Covid-19. Trong đó, "Co" là viết tắt của "corona", "vi" trong "virus" và "d" là "dịch bệnh" (disease).
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói dù 99% ca nhiễm là ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh vẫn đang là "vấn đề rất khẩn cấp", virus cũng "gây ra mối đe dọa lớn đối với phần còn lại của thế giới".
Ông nói các nước có cơ hội để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của virus và kêu gọi chia sẻ thông tin để tiếp tục nghiên cứu về căn bệnh. Lô vaccine đầu tiên có khả năng đối phó với Covid-19 sẽ được đưa vào sử dụng trong 18 tháng tới, theo lãnh đạo WHO.
Các tài xế taxi đợi tới lượt đón khách ngoài một bến tàu ở Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
Phát biểu với các nhà khoa học tại hội thảo quốc tế đầu tiên về chống chọi với virus corona, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo virus corona là một mối đe dọa cực kỳ chết chóc.
“Virus có thể gây hậu quả mạnh mẽ hơn bất cứ hành động khủng bố nào”, ông Tedros nói với báo giới sau hội thảo.
Cuộc hội thảo quy tụ 400 nhà khoa học, nhóm họp trong 2 ngày ở Geneva. Các nhà khoa học đã kêu gọi xem xét cách thức lây truyền của virus corona và chế vaccine có thể chống lại dịch bệnh.
“Chúng ta không phải đã bất lực”, ông Tedros nói. “Nếu bây giờ chúng ta đầu tư, chúng ta sẽ có cơ hội thực sự chấm dứt bùng phát dịch”.
Theo Guardian, những người tham gia sự kiện cũng sẽ thảo luận nguồn gây ra virus - vốn đang được coi là xuất phát từ dơi và lây sang con người qua những loài trung gian như rắn hoặc tê tê.
Đồ họa: Minh Hồng. |