SCMP hôm 11/2 dẫn các nguồn tin y tế xác nhận đã có ít nhất 500 nhân viên các bệnh viện tại Vũ Hán nhiễm chủng mới của virus corona tính tới giữa tháng 1.
Tình trạng này dẫn tới sự thiếu hụt nhân sự tại các bệnh viện, cũng như làm dấy lên sự lo ngại trong các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch.
Nhân viên y tế tại khu cách ly ở một bệnh viện tại Vũ Hán, tâm điểm của dịch. Ảnh: Reuters. |
"Lý do chúng tôi cầu xin cứu trợ thiết bị y tế"
Tờ báo cho biết nguồn tin từ 3 bệnh viện lớn ở Vũ Hán xác nhận khoảng 500 nhân viên y tế của thành phố nhiễm virus corona, trong khi số ca nghi nhiễm virus là khoảng hơn 600 ca.
Theo đó, bệnh viện Xiehe và bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán có tổng cộng hơn 100 nhân viên nhiễm virus. Bệnh viện Vũ Hán số 1 và bệnh viện Zhongnan có khoảng 50 nhân viên nhiễm virus mỗi cơ sở. Ngoài ra, số ca nhiễm bệnh cũng được ghi nhận tại một số cơ sở y tế khác.
Bác sĩ từ một bệnh viện lớn ở Vũ Hán, yêu cầu giấu tên, cho biết diễn biến của dịch ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhân viên tuyến đầu. Nhiều bác sĩ và y tá đã xuống tinh thần khi xét nghiệm của các đồng nghiệp cho kết quả dương tính với virus corona.
"Đây là lý do vì sao chúng tôi cầu xin cứu trợ thiết bị y tế, đặc biệt là quần áo bảo hộ. Chúng tôi chứng kiến quá nhiều đồng nghiệp đổ bệnh vì các thiết bị bảo hộ không đạt chuẩn", bác sĩ này nói, cho biết khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế nhiễm bệnh đã quá tải.
Yu Changping, bác sĩ về hô hấp tại bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán, có triệu chứng sốt từ ngày 14/1 và sau đó được xác nhận nhiễm virus corona. Yu nói không chắc chắn về thời điểm nhiễm do đã chữa trị nhiều người bệnh mỗi ngày.
"Virus có khả năng lây lan quá cao. Chúng tôi không có đủ hiểu biết về virus này", Yu cho biết. Bác sĩ này phải tiếp nhận điều trị từ ngày 17/1 cũng một đồng nghiệp khác. Tới nay, Yu vẫn chưa hồi phục.
Các chuyên gia đánh giá việc thiếu hụt thiết bị bảo hộ đạt chuẩn, thời gian làm việc quá dài cùng sự thiếu hiểu biết về mức độ lây nhiễm của virus đóng vai trò quan trọng dẫn tới số lượng lớn nhân viên y tế nhiễm bệnh ở Vũ Hán.
Hiện chưa có thông tin về việc có người bệnh nào nhiễm virus từ các nhân viên y tế hay không.
Đồ họa: Minh Hồng. |
Luôn đối mặt nguy cơ cao
Ian Lipkin, chuyên gia về dịch bệnh tại Đại học Columbia, cho biết nguy cơ nhiễm bệnh mà các nhân viên y tế phải đối mặt luôn ở mức cao, bất chấp sử dụng các thiết bị bảo hộ y tế. Ông Lipkin vừa được chính phủ Trung Quốc mời tới nước này để làm việc về tình hình dịch bệnh.
"Nguyên nhân là bác sĩ lâm sàng và các nhân viên y tế có tiếp xúc rất gần gũi với người bệnh, và dù có thiết bị bảo hộ, đôi khi họ sử dụng nó quá muộn, đôi khi do vô tình tiếp xúc, và việc hỗ trợ các bệnh nhân đặt các nhân viên y tế vào nguy cơ đặc biệt cao", ông Lipkin cho biết.
Ông Lipkin cũng nhận định những nhân viên làm việc trong các bệnh viện có thể bị "ức chế miễn dịch" do đã phải làm việc "kiệt sức", cũng như lượng virus họ tiếp xúc lớn hơn so với các đối tượng khác.
Trong khi đó, bác sĩ từ một bệnh viện lớn khác của Vũ Hán cho biết các nhân viên y tế tuyến đầu đang chịu áp lực lớn do thiếu hụt nhân lực chăm sóc người bệnh, bởi nhiều bác sĩ và y tá đã nhiễm virus.
"Chỉ cần tính toán đơn giản, 100 bác sĩ và y tá có thể chăm sóc 100 giường bệnh thông thường và 16 giường bệnh ICU (chăm sóc đặc biệt). Nếu họ đổ bệnh, không chỉ xuất hiện thêm 100 ca bệnh mới, mà nhân lực chăm sóc 100 giường bệnh kia cũng mất đi. Điều đó có nghĩa là bệnh viện mất đi khả năng chăm sóc 200 giường bệnh", bác sĩ này nói.
Việc các nhân viên y tế nhiễm bệnh đã tác động tới tinh thần của các y-bác sĩ tuyến đầu. Ảnh: Xinhua. |
Tình trạng trên lý giải cho việc Trung Quốc liên tục gửi lực lượng quân y tới Vũ Hán, không chỉ bởi thiếu hụt cơ sở hạ tầng, mà còn do các bệnh viện trong thành phố thiếu bác sĩ và y tá để chăm sóc người bệnh.
Tới thời điểm hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai khoảng 10.000 nhân viên y tế bổ sung tới các bệnh viện tại Vũ Hán, tâm điểm bùng phát virus corona. Lượng lớn thiết bị bảo hộ y tế cũng đã được tiếp tế cho các bệnh viện lớn của thành phố.
Bác sĩ từ Vũ Hán cho biết nguy cơ lây nhiễm đối với các nhân y tế tại thành phố này đã giảm bớt so với tháng 1, nhờ nguồn bổ sung thiết bị y tế.
Tuy nhiên, bác sĩ này cảnh báo tình hình dường như tồi tệ hơn đã xảy ra ở các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc. Bác sĩ cho biết nắm được thông tin về nhiều trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh ở thành phố Ngạc Châu.
Các ổ dịch trong bệnh viện đã được ghi nhận tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Tại đảo Hải Nam, ủy ban y tế địa phương cho biết một bác sĩ và một y tá đã nhiễm virus sau khi tiếp xúc với một người bệnh trong 6 phút dù 2 người này có đeo khẩu trang bảo hộ.
Tại bệnh viện Fuxing ở thủ đô Bắc Kinh, 6 nhân viên y tế, 5 người bệnh và 4 điều dưỡng đã bị nhiễm virus từ một bệnh nhân khác. Một nguồn tin cho biết giám đốc bệnh viện đã bị sa thải sau khi ổ dịch bùng phát tại đây.
Tiếp nhận và điều trị còn hỗn loạn
Zhang Ke, bác sĩ chuyên ngành bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện Yousan ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết lây nhiễm chéo giữa bác sĩ và người bệnh là tình trạng đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh những bệnh viện tuyến dưới không có khả năng xử lý các loại bệnh truyền nhiễm.
"Thậm chí ở các bệnh viện được chỉ định ở Vũ Hán, tiếp nhận và điều trị người bệnh vẫn khá hỗn loạn. Người bệnh bị sốt đổ xô tới các bệnh viện và những cơ sở này trở thành nơi ủ virus, bởi thiết kế của các bệnh viện này thiếu khoa học hơn so với bệnh viện xử lý bệnh truyền nhiễm", ông Zhang nói.
Chuyên gia từ bệnh viện Yousan cho biết 18% nhân viên y tế tại Đại lục và 22% nhân viên y tế tại Hong Kong đã bị nhiễm bệnh trong thời kỳ bùng phát đại dịch SARS năm 2002-2003. Ông Zhang dự đoán khoảng 10-20% nhân viên y tế trong đợt bùng phát lần này của chủng mới virus corona.
Trong khi Trung Quốc đã công bố một số ca nhân viên y tế nhiễm virus riêng lẻ, SCMP dẫn các nguồn tin y tế nói đây vẫn chưa phải là bức tranh toàn cảnh của sự lây lan.
Tới nay, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận ít nhất 3 nhân viên y tế tại Vũ Hán đã tử vong vì virus corona, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng, người từng bị cảnh sát bắt vì công bố thông tin về sự bùng phát của virus. Một lãnh đạo đơn vị nơi bác sĩ Lý làm việc cũng được xác nhận nhiễm virus corona.
Nhà chức trách Trung Quốc thời gian qua đang cố gắng cải thiện tâm lý của các nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu, đặc biệt sau ca tử vong vì virus corona của ông Lý Văn Lượng.