Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo WHO gây tranh cãi khi khen ngợi cách TQ xử lý dịch bệnh

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây trở thành tâm điểm của ý kiến trái chiều xoay quanh việc ông ca ngợi cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh.

Tháng trước, ông Tedros tới Bắc Kinh để thảo luận về dịch bệnh mà lãnh đạo Trung Quốc gọi là “virus ma quỷ”.

Sau cuộc họp, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Tedros ca ngợi cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh. “Tốc độ, quy mô và sự hiệu quả... là lợi thế của hệ thống Trung Quốc”, truyền thông nước này dẫn lời ông Tedros.

Một số nhà phê bình cho rằng vị lãnh đạo WHO người Ethiopia đang muốn lấy lòng Bắc Kinh, nhất là sau khi báo chí phương Tây nhiều ngày nay đặt dấu hỏi về việc các quan chức Vũ Hán - thành phố ở tâm chấn của dịch bệnh - đã công bố sự lây lan của virus một cách chậm trễ, thậm chí cố tình che đậy.

Đối với nhiều người, những lời bình luận của tiến sĩ Tedros làm ngơ những cáo buộc nói chính sự kiểm soát thông tin có thể đã khiến virus lan rộng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đã bảo vệ lãnh đạo WHO, người châu Phi đầu tiên đứng đầu WHO. Họ cho rằng việc chỉ trích Trung Quốc một cách công khai sẽ không có tác dụng gì.

WHO tranh cai virus corona anh 1

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.

Các ý kiến bảo vệ lãnh đạo WHO

“Tôi nghĩ ông ấy làm rất tốt”, David Nabarro, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nói với Financial Times.

“Ông ấy đang làm việc với người Trung Quốc... không thể bắt đầu bằng cách chỉ trích họ”, ông Nabarro nói thêm. “Ông Tedros đang cố hết sức để làm cho đúng”.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 6/2, tiến sĩ Tedros nhất quyết bảo vệ các phát biểu của mình, và nói mọi người không nên vội vàng suy đoán những gì Trung Quốc biết hoặc không biết.

“Không ai biết chắc liệu họ có đang che giấu điều gì”, ông nói và nhận định rằng nếu đúng là Trung Quốc đã làm vậy, virus sẽ lây lan sớm hơn sang các nước láng giềng. “Việc họ che đậy có vẻ không logic. Vội vàng kết luận vậy là sai”.

Ông nói Trung Quốc xứng đáng một số lời khen. Họ đã xác định và chia sẻ gen của virus ngay lập tức, giúp các nước tìm phương pháp chẩn đoán nhanh.

Họ cách ly các thành phố lớn như Vũ Hán. “Những điều đó cần được đánh giá cao đúng không? Họ nên được cảm ơn vì đã phong tỏa tâm dịch. Họ đang thực sự bảo vệ phần còn lại của thế giới”.

Trong cuộc phỏng vấn, lãnh đạo WHO cũng ca ngợi ông Tập Cận Bình. “Tôi khá ấn tượng trước kiến thức mà ông ấy có. Ông Tập thực sự đang ‘sống’ với dịch bệnh. Đó là sự lãnh đạo tốt”, ông Tedros nói với Financial Times.

Ông Tedros trở thành Bộ trưởng Y tế vào năm 2005, cũng dưới thời một lãnh đạo mạnh mẽ khác tương tự ông Tập, cựu thủ tướng Meles Zenawi của Ethiopia, theo Financial Times.

Dưới thời Thủ tướng Meles, ông Tedros đã cắt giảm số ca mắc bệnh sốt rét, HIV, bệnh lao, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, đầu tiên là ở tỉnh Tigray, và sau đó là trên khắp Ethiopia trong cương vị bộ trưởng. Ông đã đào tạo 40.000 nữ nhân viên y tế cộng đồng, và tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp trường y lên gấp 10 lần.

Việc ông theo đuổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu xuất phát từ cái chết của em trai mình khi mới 7 tuổi. “Kể từ đó, tôi đã rất kỳ vọng về bảo hiểm y tế toàn dân”, ông nói.

Arkebe Oqubay, cựu thị trưởng thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, đã biết vị lãnh đạo WHO 25 năm nay.

“Ông ấy đã thay đổi hệ thống y tế ở tỉnh Tigray bằng cách xây dựng các hệ thống phòng ngừa”, ông Oqubay nói với Financial Times. Ông kể rằng tiến sĩ Tedros liên tục đọc sách quản lý, và ông hiếm khi thấy tiến sĩ Tedros tức giận.

Là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2012, ông Tedros có chính sách “để mở cửa văn phòng”, nhằm khuyến khích trao đổi, xóa mờ thứ bậc với cấp dưới.

WHO tranh cai virus corona anh 2

Ông Tedros gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước. Ảnh: Getty Images.

Điều hành WHO - công việc khó khăn

Tại WHO, tiến sĩ Tedros đã thừa hưởng một tổ chức phải gồng mình trên nhiều mặt trận, nhưng thiếu tài trợ. Ông đã thu hẹp các ưu tiên của tổ chức: mở rộng đối tượng có bảo hiểm, chuẩn bị các tình huống y tế khẩn cấp, tập trung vào sức khỏe phụ nữ và trẻ em, và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe.

Peter Piot, Giám đốc trường Y học Nhiệt Đới và Vệ sinh London, nơi tiến sĩ Tedros từng nghiên cứu vào những năm 1990, đã biết ông từ những ngày công tác ở tỉnh Tigray.

“Tôi luôn ấn tượng về cách ông kết nối với mọi người ở cấp cơ sở”, ông Piot nói, nêu ví dụ những chuyến thăm của ông Tedros trong cương vị tổng giám đốc WHO tới Cộng hòa Dân chủ Congo trong dịch Ebola gần đây.

“Tôi nghĩ ông ta vui hơn khi đến Beni hơn là ngồi họp hành”, ông Piot nhận xét, nhắc tên thành phố của Congo là tâm điểm của dịch Ebola đang giảm dần.

Nhiệm kỳ của tiến sĩ Tedros không phải hoàn toàn suôn sẻ. Ngay từ đầu, ông chọn Robert Mugabe, lãnh đạo độc tài Zimbabwe, làm đại sứ thiện chí, để rồi phải đảo ngược quyết định này sau khi hàng loạt ý kiến chỉ trích.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế tại Đại học Georgetown, từng phê phán tiến sĩ Tedros, cáo buộc rằng trong cương vị bộ trưởng y tế, tiến sĩ Tedros che đậy ba dịch tả ở Ethiopia, phân loại chúng là bệnh tiêu chảy cấp. Ông Tedros phủ nhận điều này.

Nhưng ngay cả ông Gostin cũng phải công nhận nỗ lực của ông Tedros. “Ông ấy chiến đấu với các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đồng thời ở hai châu lục - dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, và virus corona ở Trung Quốc - và tôi nghĩ ông ta đang làm khá tốt”.

Đối với Bắc Kinh, “ông ta phải cẩn trọng vì muốn xoa dịu, thuyết phục Trung Quốc hành động theo hướng có trách nhiệm”, giáo sư Mỹ nhận xét.

Tiến sĩ Tedros, người đã kêu gọi chi ra 675 triệu USD để chống virus corona, khẳng định rằng, nếu thế giới phối hợp hành động, dịch bệnh có thể bị đánh bại. “Chúng ta cần đưa loại virus này ra ánh sáng để có thể diệt nó đúng cách”, ông phát biểu trong cuộc họp gần đây của WHO.

“Virus này là kẻ thù chung”, ông nói thêm. “Chúng ta không nên chơi trò chính trị ở đây”.

Người nghi nhiễm virus corona bị cưỡng chế, kéo đến trạm cách ly Cán bộ trong trang phục bảo hộ kéo 3 người dân nghi bị nhiễm virus corona ra khỏi nhà. Hai người đầu tiên bị ghì chặt không vùng vẫy được còn người cuối cùng vẫn cố chống cự.

Thủy thủ đoàn âm tính virus, khách trên du thuyền được 'phóng thích'

3.600 người trên du thuyền World Dream bị cách ly ở cảng Hong Kong được rời khỏi thuyền ngày 9/2, sau khi xét nghiệm âm tính với virus corona.

Lo ngại khả năng ‘dây chuyền lây nhiễm vô hình’ của virus corona

Cựu chuyên gia WHO cho rằng dịch virus corona chủng mới sẽ khó kiểm soát hơn nhiều so với SARS, vì những người nhiễm virus nhưng chưa có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm