Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay đã công bố số liệu chủ yếu về công tác PCTN từ 1/6/2006-31/8/2015.
Theo đó, trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, Bộ đã thực hiện hơn 1.000 cuộc thanh kiểm tra mỗi năm, thực hiện việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo thông qua hoạt động tiếp dân. Bộ đã xem xét, giải quyết hơn 100 đơn/năm, đạt tỷ lệ 98,7%.
Công tác thanh kiểm tra phát hiện 1 vụ vi phạm quy định, 1 cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thu hồi tổng số 25 triệu đồng giá trị quà tặng do 4 cá nhân được tặng quà trong khi thi hành công vụ nộp lại. Hoạt động thanh kiểm tra chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm luật PCTN.
Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho rằng, báo cáo kết quả 10 năm thực hiện luật PCTN còn mang tính hình thức. Ảnh: Diệp Sa. |
Đưa ra quan điểm tại hội nghị, nhiều đại diện cho rằng, số liệu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật PCTN BCT công bố còn mỏng, chưa sát với tình hình thực tế nên khó thuyết phục.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đã chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn về hiệu quả thực hiện luật PCTN trong những năm qua.
Ông Đạt cho rằng, việc báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật PCTN mà chỉ phát hiện 1 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật và vỏn vẹn 25 triệu đồng giá trị quà tặng nộp về của 4 cá nhân là chuyện khó tin.
Trực tiếp tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại phản ánh từ nhân dân thông qua điện thoại đường dây nóng PCTN, ông Đạt chỉ ra số liệu thống kê trên không sát thực, mang tính hình thức nên rất khó được nhân dân công nhận.
So sánh báo cáo tham luận của đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với kết quả thống kê của BCT cũng cho thấy nhiều mâu thuẫn. Đại diện EVN và Vinacomin cùng thừa nhận công tác thanh kiểm tra PCTN trong những năm qua đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm quy định PCTN. Trong số đó, có một số vụ đã được báo cáo để xem xét khởi tố trước pháp luật.
Đồng tình với những ý kiến đóng góp của Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thực tế, tham nhũng trong những năm qua tuy có giảm nhưng còn tồn tại.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong công tác thực hiện luật PCTN. Ảnh: Diệp Sa. |
Trao đổi với Zing.vn bên lề, ông Phạm Trọng Đạt cho biết, hiện còn nhiều vấn đề nhức nhối trong công tác thực hiện luật PCTN. Đó là các vấn đề liên quan tới quy định thế nào là vi phạm quy định PCTN, vấn đề "phí bôi trơn" làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ, và hoạt động thanh, kiểm tra công bố kết quả còn nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế.
Là người trực tiếp lắng nghe những thông tin phản ảnh từ nhân dân, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, thực tế, nạn "phí bôi trơn" hay còn gọi là tham nhũng vặt của các cơ quan công quyền còn tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực từ hoạt động đời sống của nhân dân tới hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.
"Tôi từng trực tiếp nghe phản ảnh của chủ hộ kinh doanh tại Quảng Trị, muốn vay ngân hàng 15 triệu mà phải mất tới 3 triệu bôi trơn, chưa kể những chi phí mềm khác. Rồi nạn hạch sách đòi tiền bôi trơn trong hoạt động đất đai, xin việc làm... Dân phản ảnh như thế mà ta thống kê hình thức, số liệu phi lý như vậy thì rất khó thuyết phục", ông Đạt nói.
Nhận xét về những ý kiến tham luận các đại biểu doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị, cả đại diện Thanh tra Chính phủ cũng như người đứng đầu Bộ Công Thương đồng quan điểm, các ý kiến đóng góp còn chưa cụ thể và chưa sát với nội dung đưa ra là thực hiện luật phòng chống tham nhũng chứ không phải công tác phòng chống tham nhũng nói chung. Các ý kiến tham gia, trong trường hợp này, nên là những đóng góp về việc nên áp dụng những quy định cụ thể về luật pháp như thế nào vào hoạt động phòng chống tham nhũng hiện nay.