Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SFC Việt Nam sẽ vào danh sách đen đấu thầu quốc gia

Trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng mọi hành vi gian lận nếu có đều phải bị xử lý. Nếu công ty thấy không thỏa đáng có thể khởi kiện bảo vệ quyền lợi.

Trưa 23/12, trước sự chứng kiến của phóng viên Zing.vn, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đăng Trương đã gọi điện cho đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam để kiểm tra thông tin về việc SFC Việt Nam bị ngân hàng này "cấm cửa".

Sau khi có xác nhận từ phía ngân hàng, ông cũng đề nghị đại diện WB chuyển thông báo chính thức bằng văn bản sang cho Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Từ chối bình luận kỹ về nghi vấn sai phạm trong đấu thầu của SFC Việt Nam vì không nắm được cụ thể vụ việc, Cục trưởng Trương khẳng định, mọi hành vi gian lận, tham nhũng nếu có đều phải bị xử lý.

"Không phải vì người Việt Nam mà dung dưỡng cho những hành vi như vậy", ông nói. "Tuy nhiên, nếu SFC Việt Nam sau quyết định xử phạt của WB thấy bị ảnh hưởng, hoặc thấy quyết định không thỏa đáng, có thể khởi kiện”.

SFC Việt Nam hiện đang triển khai một loạt các dự án xử lý nước thải quy mô lớn trong cả nước. Ảnh SFC Việt Nam. 

Với tư cách là cơ quan quản lý về đấu thầu ở trung ương, ông Trương cho biết, khi nhận được thông tin chính thức bằng văn bản từ WB, trong thời hạn 7 ngày, Cục sẽ có trách nhiệm đăng tải thông tin trên website, theo đó, SFC Việt Nam sẽ vào danh sách đen về đấu thầu quốc gia.

 WB chịu trách nhiệm với quyết định xử phạt của họ

Cục trưởng Trương cũng nói thêm, về nguyên tắc, Luật đấu thầu Việt Nam quy định, trường hợp các điều ước thỏa thuận quốc tế Việt Nam là thành viên, hoặc ký kết có quy định khác với luật đấu thầu của Việt Nam thì thực hiện theo quy định quốc tế.

Trong trường hợp cụ thể là vay tiền của nhà tài trợ, trong đó có WB để đầu tư dự án, bao gồm dự án trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, TP Đà Nẵng, sẽ có hiệp định vay được kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và WB. Trong hợp đồng thông thường quy định việc đấu thầu và thực hiện các hợp đồng giải ngân, các vấn đề xử lý án phạt, kiện cáo, có liên quan đến lợi ích tranh chấp của các bên, theo quy định của nhà tài trợ.

Đối với các dự án của WB, trong trường hợp có nghi ngờ về hành vi gian lận, thông đồng, cơ quan liêm chính của WB sẽ tiến hành điều tra độc lập. Nếu có bằng chứng xác đáng, họ sẽ ra quyết định xử phạt.

"Đó là quy trình chuẩn của WB. Luật pháp Việt Nam tôn trọng những quyết định đó", ông Trương nói.

Ông cho biết thêm, khi xử phạt, phía WB chỉ chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng Việt Nam là công ty, cá nhân nào bị xử phạt và họ chịu trách nhiệm với quyết định này.

"Đối tượng bị xử phạt có quyền tự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình nếu quyết định đó không đúng”, ông Trương nói.

Phòng ngừa rủi ro gian lận, thông thầu

Vị cục trưởng cũng giải thích thêm về cơ chế phòng ngừa rủi ro đối với các hành vi gian lận, thông thầu và cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu.

"Việt Nam có 1 loạt cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác đấu thầu, tạo thành một chỉnh thể để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu", ông Trương cho biết.

Ông dẫn chiếu điều 89 và 90 trong Luật Đấu thầu và điều 223 Luật hình sự sửa đổi vừa mới ban hành. Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó có hành vi thông thầu, gian lận và cạnh tranh không bình đẳng tại điều 89 Luật đấu thầu. Điều 90 luật này có quy định về xử lý vi phạm pháp luật nếu nhà thầu có vi phạm, với 2 hình thức: hành chính và hình sự.

Xử lý hành chính có 3 cách: khiển trách, cảnh cáo và phạt tiền hoặc kết hợp với cấm tham gia hoạt động đấu thầu. Nghị định 63 có nêu rõ các mức cấm tùy theo tính chất vi phạm. Phạm vi cấm có thể là 1 ngành, 1 bộ, 1 tỉnh hoặc cấm trên phạm vi toàn quốc nếu có hành vi tăng nặng.

Về xử lý hình sự, theo điều 223 Luật Hình sử sửa đổi, các hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù, bồi thường.

Ngoài ra, về quản lý đấu thầu, luật và nghị định cho phép các trường hợp như hủy, đình chỉ, hoặc không công nhận kết quả đấu thầu, khi người có thẩm quyền phát hiện gói thầu có hành vi hoặc dấu hiệu về hành vi gian lận (chưa bằng chứng nhưng có dấu hiệu rõ ràng, thì có thể đình chỉ thầu và điều tra lại).

Trong khi đó, về phía WB, cán bộ truyền thông cấp cao Dina Elnagga từ Washington, Mỹ, cho biết ngân hàng có một loạt cơ chế để giảm thiểu rủi ro gian lận và tham nhũng, bao gồm điều tra độc lập của cơ quan liêm chính, liên minh truy tìm tham nhũng quốc tế, và cả sự hợp tác của các quốc gia liên quan. 

"Nhiều biện pháp đã được đối tác của WB triển khai hiệu quả, bao gồm tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ, cải thiện cơ chế kiểm soát nội bộ về việc ra quyết định hợp đồng, đảm bảo sự độc lập của ban xét thầu", Dina Elnagga cho biết.

Việc sai phạm của SFC Việt Nam không phải là hành vi sai trái duy nhất được cơ quan liêm chính WB phát hiện tại dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng. Trước đó, tháng 4/2015, WB cũng ra quyết định cấm một công ty của Mỹ Louis Berger Group, Inc. (LBG) vì hành vi tham nhũng khi tham gia dự án này. Công ty này bị cáo buộc đưa hối lộ cho quan chức. Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên, LBG có trách nhiệm tiến hành kiểm toán nội bộ và thông báo kết quả điều tra cho WB. 

"Chúng tôi cam kết xác định các biện pháp can thiệp phù hợp nhất để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng và sai phạm, buộc những đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm giải trình", cán bộ WB Mỹ khẳng định.

Liên quan đến vụ việc của SFC Việt Nam, trong khi cơ quan liêm chính WB khẳng định có đủ bằng chứng về việc sai phạm gian lận và thông thầu của SFC Việt Nam, tổng giám đốc của công ty này vẫn phủ nhận cáo buộc này.



Diệp Sa - Phương Loan

Bạn có thể quan tâm