Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SFC Việt Nam bị World Bank 'cấm cửa' 10 năm vì sai phạm

Ngân hàng thế giới WB không cho phép Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam tham gia đấu thầu tối thiểu 10 năm vì cho rằng sai phạm trong 2 dự án ở Việt Nam.

Ảnh SFC Việt Nam.

Ngày 18/12, Ngân hàng thế giới (WB) phát đi thông cáo báo chí về việc xử phạt với SFC Việt Nam do những sai phạm khi triển khai các dự án do WB cấp vốn.

Thông cáo cho hay, SFC và các chi nhánh của công ty này sẽ bị WB cấm tham gia thầu tối thiểu là 10 năm. Cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Quý và bất kỳ thực thể mà ông trực tiếp điều hành bị cấm tối thiểu 11 năm.

Đây là quyết định được đưa ra bởi Hội đồng xử phạt độc lập của Ngân hàng thế giới, dựa trên bằng chứng về hành vi lừa đảo và thông đồng thuộc hai dự án: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị tại Việt Nam và Dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.

Theo nguồn tin của WB, điều tra của ngân hàng này cho thấy công ty đã liên tục can dự vào chuỗi hành vi sai trái, trong đó cá nhân tổng giám đốc trực tiếp tham gia.

Cụ thể, công ty và cá nhân ông Quý bị cho là đã cung cấp tài liệu chia sẻ kinh nghiệm sai cho một nhà thầu quốc tế khi hợp tác với một DN nước ngoài trong việc chuẩn bị đề xuất tài chính mang tính lừa đảo, triệt tiêu xung đột lợi ích và điều phối các hồ sơ thầu với một đối thủ cạnh tranh quốc tế cho một hợp đồng công trình.

"Bằng chứng về gian lận và tham nhũng trong bất kỳ dự án do WB tài trợ đều là một lời kêu gọi hành động để đảm bảo trách nhiệm giải trình của những người chịu trách nhiệm và là cơ hội để đảm bảo giảm thiểu một cách hiệu quả những rủi ro về tham nhũng. Quyết định này thể hiện sự cam kết tiếp tục của WB trong việc hành động theo nguyên tắc trên, để giảm thiểu rủi ro về liêm chính", Leonard McCarthy, Phó Chủ tịch Liêm chính WB nói.

Việc ngăn cấm SFC Việt Nam tham gia thầu sẽ có giá trị áp dụng với các ngân hàng phát triển đa phương khác theo Hiệp định công nhận lẫn nhau về các quyết định cấm được ký kết ngày 09/4/2010. 

Trao đổi với Zing.vn, văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay, những vụ điều tra này đều được thực hiện bởi một cơ quan độc lập trong nội bộ của Nhóm Ngân hàng Thế giới là Integrity Vice Presidency (INT). Đây cũng là cơ quan cung cấp phát ngôn và thông tin chính thức về các vụ việc này.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Nguyễn Đăng Trương cho biết Cục chưa nghe thông tin về vụ việc, nên chưa thể bình luận gì vào thời điểm này.

Phóng viên cũng đã liên hệ với đại diện công ty SFC Việt Nam và vị này cho biết sẽ sớm có phản hồi về vụ việc. 

Theo thông tin từ trang web của công ty SFC Việt Nam, công ty này là một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải theo hình thức hợp tác công tư PPP tại Việt Nam. SFC Việt Nam triển khai 7 trong số 8 dự án trong cả nước triển khai theo PPP. 

Tại Đà Nẵng, công ty này đã được giao thực hiện trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Đà Nẵng, để xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Chủ đầu tư là Sở GTVT được Đại diện bởi Ban Quản lý Dự án Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Ưu tiên (PIIP).

Ngoài dự án trạm nước thải Hòa Xuân, SFC Việt Nam cũng thực hiện nhiều dự án ODA của các tổ chức quốc tế lớn bao gồm nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, nhà máy xử lý nước thải toàn thành phố Vinh (Nghệ An), Bắc Ninh, Hải Dương,....

Hồi tháng 4/2015, một công ty của Mỹ cũng đã bị WB cấm cửa vì có hành vi tham nhũng trong 2 dự án, trong đó có dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Tp Đà Nẵng. Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) không được phép tham gia vào các dự án sử dụng vốn của WB một năm, đồng thời công ty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.

Những năm gần đây, nhiều dự án tại Việt Nam bị các nhà tài trợ nước ngoài lên tiếng vì phát hiện tiêu cực.

Năm 2008, phía Nhật bắt giữ lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương vì hành vi hối lộ hơn 2,4 triệu USD cho nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM - Huỳnh Ngọc Sĩ.

Năm 2012, Đan Mạch tuyên bố từng tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, với số tiền hơn nửa triệu USD trong 3 dự án.

Đến năm 2014, Nhật bắt giữ Chủ tịch công ty tư vấn giao thông JTC, sau khi ông này nhận tội hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD để đổi lấy việc trúng thầu gói tư vấn trong Dự án đường sắt đô thị nội đô thành phố Hà Nội. Nhiều lãnh đạo ngành đường sắt đã bị cách chức, khởi tố. Ông Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam bị truy tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Phương Loan - Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm