Tại Hội thảo “Công bố báo cáo khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tại Việt Nam, phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả.
Tiền bôi trơn chiếm tới 0,72-1,02% lợi nhuận của DN. Ảnh minh họa. |
“Ban đầu tôi và nhiều người quả thực không tin. Bởi nếu như thế, nó thực sự là rào cản rất lớn của doanh nghiệp (DN). Song, thực chất nó là điều tra chuẩn xác của WB, cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong hội thảo gần đây”, bà Lan cho hay.
Theo bà Chi Lan, DN phải chịu rất nhiều loại thuế, phí mà không thể kiểm soát được. Tiền bôi trơn của DN Việt Nam chiếm tới 0,72-1,02% lợi nhuận của họ. Nghĩa là DN làm ra 100 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn. Như vậy, DN làm sao có thể phát triển được, bởi việc này khó có thể khởi động tinh thần kinh doanh của người Việt.
Cũng theo thông tin từ hội thảo, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam chỉ chiếm 21% tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Điều này khiến DNVVN Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI.
Trong những năm qua, tỷ lệ xuất khẩu của DNVVV trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp hơn DN lớn, chỉ có 16,8% so với 83,2%, trong khi ở các nước khác là 23% so với 77%. Năng suất lao động của DN Nhà nước và tư nhân đều thấp.
Một điều đáng chú ý là mấy năm gần đây, vốn DN đổ rất nhiều vào bất động sản, ngân hàng, xây dựng… những ngành có năng suất rất thấp và đồng vốn ảo. Trong khi những ngành dệt may, chế biến thực phẩm, bán buôn bán lẻ… có năng suất cao lại nhận vốn đầu tư rất ít.