Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ mãi không lớn được?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan ngại về biến động của thị trường doanh nghiệp Việt. Năm trước doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động thì năm sau giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Theo bà Lan, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt mãi không lớn được như hiện nay sẽ khó có thể đứng vững tại thị trường trong nước. 

Nhìn lại giai đoạn 2000-2012, số lượng DN của Việt Nam ngày càng tăng. Thế nhưng, quy mô DN lại rất nhỏ và nhỏ đi đáng kể. Trong đó, kinh tế Nhà nước năm 2012 chỉ còn chiếm 32,57% (giảm 5,95% so với năm 2000), kinh tế tập thể giảm 3,58% nhưng kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể lại có xu hướng tăng mạnh.

Cùng giai đoạn này, tổng số doanh nghiệp và tổng nguồn vốn tăng kéo theo doanh thu cao, nhưng tổng số lao động lại giảm mạnh và gần như không có biến chuyển gì.

Vốn đổ vào lớn sẽ thành thảm họa

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là bức tranh đáng nguy hại của nền kinh tế Việt Nam.

"Tiêu chí lao động đáng ra phát triển mạnh nhất nhưng nó lại không chuyển động bao nhiêu. Trong khi đó, nguồn vốn đổ vào rất lớn nhưng nó sẽ thành thảm họa. Bởi nếu tính thêm yếu tố trượt giá, lạm phát cao thì đó là con số rất ảo", bà Lan cho hay.

Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt DNVVN đang rất khó khăn khi chi phí thuế, bôi trôn là rất lớn. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, thị trường doanh nghiệp Việt Nam cũng đầy biến động. Trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và đăng ký mới tăng mạnh. Song, với doanh nghiệp mới đăng ký năm trước hoạt động thì năm sau giải thể hoặc ngừng hoạt động. Việc các DNVVN Việt tồn tại được thời điểm này là rất khó khăn. 

Nguyên nhân khiến DN chết hàng loạt, phá sản theo bà Lan là quy chế, các quy định về thuế, chính sách... trong nước chưa thông thoáng, cởi mở. 

Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi

Trong giai đoạn 2002-2013, tỷ lệ DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ tăng từ 90% lên 95,9%, DN siêu nhỏ tăng từ 53,1% lên 70%. DN quy mô vừa và lớn luôn chiếm tỷ lệ nhỏ và có xu hướng giảm; năm 2013, chỉ có 1,9% DN vừa và 2,2% DN lớn. 

"Trong 70 năm qua, thế giới đã làm được hai cuộc cách mạng lớn trong hội nhập. Cuộc cách mạng thứ nhất về thương mại hàng hóa, di chuyển nhanh hơn từ nước này đến nước khác. Và cuộc cách mạng thứ 2 về thương mại dịch vụ.

Việc ký kết nhiều FTA giống như “bát mì Spaghetti”, có rất nhiều hương vị và màu sắc. Tất nhiên, khi tham gia nhiều FTA như vậy sẽ có sự đan xen, chồng chéo. Nhưng chúng ta sẽ chọn cam kết nào có mức hưởng lợi lớn nhất để thực hiện”.

Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế. 

Điều khiến khu vực doanh nghiệp trong nước chậm phát triển bởi chỉ số khởi sự kinh doanh, trình độ quản lý thấp, công nghệ lạc hậu và trình độ lực lượng lao động của Việt Nam rất thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn bởi những rào cản về chính sách. Đặc biệt, các DNVVN phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp tốn kém, chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, hành lang pháp lý kém an toàn. 

Theo số liệu từ WB, phí và thuế mà DN phải chi trả cho tham nhũng, bôi trơn chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận. Theo đó, việc phát triển của doanh nghiệp là rất khó khăn. 

"Thuế, phí của DN Thái Lan chỉ 17%, trong khi Việt Nam gấp đôi của họ. Như thế lấy đâu ra động lực cho DN làm? Hơn nữa, việc đổi mới công nghệ,  đào tạo quản lý, lao động… tất cả cái này đòi hỏi phải có nguồn lực. Nếu thuế phí lên tới 40,8% thì chi trả cho nguồn lực còn được bao nhiêu?", bà Lan cho hay. 

Trước những khó khăn này, theo bà Lan, doanh nghiệp đừng quá ham xuất khẩu ra bên ngoài. Bởi xuất khẩu càng ngày càng khó hơn.

"Quan trọng nhất bây giờ là làm sao họ đứng được trên thị trường nội địa, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện cạnh tranh ra bên ngoài. Còn nếu người tiêu dùng trong nước vẫn không chấp nhận nổi DN thì họ làm gì có cơ hội cho người tiêu dùng bên ngoài chấp nhận!", chuyên gia nhấn mạnh. 

"Lợi nhuận của DNVVN nhỏ lắm. Trong khi đó, có vẻ như xu hướng tận thu của các quan, kể cả các bộ ngành, cơ quan địa phương đang tăng lên nhanh quá. Họ cứ muốn đầu tư vào trụ sở, tượng đài, nên vẫn muốn tìm mọi cách giảm đi những khoản thu bất hợp lý của doanh nghiệp. Mà người tạo ra tăng trưởng, đóng cho ngân sách... chắc chắn là DN.

2 năm qua, Chính phủ đã đưa ra những nghị quyết nhưng vẫn giải đáp chủ yếu 1 số vấn đề về thủ tục cao hơn. Do đó, trong năm 2016, thách thức của DN là vô cùng lớn".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Phí bôi trơn chiếm hết lợi nhuận doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt Nam làm được 1 đồng cũng phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm