Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Điều hành vĩ mô năm 2016 sẽ khó khăn hơn' ​

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, chủ trương điều hành chính sách tài khóa giai đoạn tới sẽ theo hướng thắt chặt, và có nhiều khó khăn hơn so với năm 2015.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ tháng cuối cùng của 2015, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tính đến ngày 25/12, kết quả thực hiện sắp xếp tái cơ cấu đã đạt 93%.

Thời gian tới, cần tiếp tục kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp đã phê duyệt. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước vẫn cao hơn quy định thì sẽ được cổ phần hóa tiếp.

Về kế hoạch điều hành kinh tế 5 năm tới trong giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng khẳng định, chủ trương sẽ đi theo hướng thắt chặt chính sách tài khóa. Tín dụng được cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào các ngành ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ hơn với tín dụng cho bất động sản. Tỷ giá điều hành theo cơ chế linh hoạt, trong khi giá cả hàng hóa thì kiên trì theo xu hướng thị trường.

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, dù là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng chính sách điều hành năm tới sẽ theo hướng thắt chặt chính sách tài khóa. Ảnh: N.Hưng

"Việc điều hành vĩ mô năm 2016 sẽ khó khăn hơn, trong khi đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 nên sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều hành, các bộ ngành, địa phương cần phải có điểm cần tập trung, đột phá, bảo đảm ổn định kinh tế trong điều kiện hội nhập", Phó thủ tướng yêu cầu.

Theo số liệu được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, tính đến 26/12, thu ngân sách đã vượt kế hoạch hơn 36.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cứ mỗi % tăng thu ngân sách tương ứng với 9.100 tỷ đồng, trong khi mức vượt thu hiện ước tính là 4,2%. Theo tính toán, trong các giải pháp đã được Quốc hội thông qua, khả năng năm nay ngân sách không phải sử dụng tới 10.000 tỷ đồng từ bán vốn Nhà nước.

Hiện đã có 55 địa phương hoàn thành dự toán, với 36 tỉnh vượt trên 10%. 8 địa phương có khả năng thiếu hụt nguồn thu nhưng số hụt không lớn.

Về dự toán ngân sách năm 2016, số giao khá tích cực so với năm 2015, nên Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương thực hiện thu chi theo kế hoạch ngay từ đầu năm, trong đó đề cao tiết kiệm.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, ngân sách cần phải được bảo đảm để thực hiện kế hoạch tăng lương, còn dư địa cho các chính sách điều hành khác.

Nhận định giá dầu giảm sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngân sách, Bộ trưởng Dũng chỉ ra thực tế rằng, trong dự toán ngân sách 2016, giá dầu được dự đoán ở mức 60 USD một thùng, nhưng đến nay, đã giảm xuống 35-36 USD. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến sẽ lập thêm dự toán thu ngân sách trong trường hợp giá dầu xuống còn 30 USD, để chủ động hơn trong cân đối thu chi.

Thị trường chứng khoán năm nay cũng được đánh giá là tăng trưởng ổn định, mặc dù phải chịu tác động lớn từ quốc tế cũng như khu vực. Quy mô giao dịch bình quân theo ngày đạt 5.000 tỷ đồng. Tổng vốn hóa tăng 15%, hiện tương đương 34% GDP. Nếu tính chung cả thị trường chứng khoán và trái phiếu Chính phủ, tỷ lệ này đạt 57%, cao hơn cả các nước có thị trường phát triển hàng đầu thế giới.

Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài rót vào thị trường chứng khoán năm 2015 cũng đạt mức cao nhất lịch sử, trên 12 tỷ USD. Xu thế mua ròng vẫn áp đảo, đạt 3.390 tỷ đồng.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm