Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 máy bay quân sự kỳ dị của Mỹ (kỳ 2)

Bên cạnh những mẫu thiết kế kỳ dị nhưng "chết yểu", quân đội Mỹ cũng có những mẫu phi cơ làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo máy bay quân sự.

Máy bay ném bom Aviation XB-70 Valkyrie

Aviation XB-70 Valkyrie là máy bay ném bom hạng nặng có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, do Không quân Mỹ nghiên cứu, chế tạo những năm đầu thập niên 1960. Với 6 động cơ lớn được gắn ở hai bên cánh, nó có thể bay với vận tốc tối đa Mach 3+, tương đương 3.500 km/h, cùng với trần cao tối đa đạt 21 km. Khả năng này giúp chiếc máy bay tránh được tất cả các loại tên lửa phòng không cùng thời.

Máy bay ném bom chiến lược Aviation XB-70 Valkyrie.

Tuy nhiên, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Aviation XB-70 Valkyrie bị khai tử không lâu sau khi ra đời dù đạt được những bước tiến dài về công nghệ. Vai trò của nó bị thay thế quá hoàn hảo bởi các loại tên lửa liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân chiến lược (ICBM).

Toàn bộ chương trình chế tạo phi cơ ném bom chiến lược B-70 bị hủy bỏ vào năm 1961, nhưng 2 nguyên mẫu của loại máy bay này vẫn được sản xuất và phục vụ trong các thử nghiệm siêu âm năm 1964 và 1969. Một trong 2 nguyên mẫu bị rơi trong lần va chạm trên không năm 1966, chiếc còn lại đang được trưng bày ở Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ tại Ohio.

Lockheed Martin SR 71 Blackbird

Tập đoàn Lockheed nghiên cứu, phát triển máy bay trinh sát tầm xa, siêu âm SR-71 Blackbird theo yêu cầu của không quân Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước. Nó là loại máy bay hoạt động ở độ cao lớn, vận tốc lớn. Khi phát hiện hệ thống phòng không của đối phương khai hỏa, nó chỉ cần tăng tốc để thoát khỏi phạm vi bắn của tên lửa.

SR-71 Blackbird, máy bay do thám độc đáo của Mỹ.

Ngoài ra, SR-71 Blackbird còn sở hữu thiết kế góc cạnh, giúp giảm tiết diện phản hồi radar. Nó cũng là phi cơ nhanh nhất hành tinh trong suốt 24 năm hoạt động. Không quân Mỹ đặt mua tổng số 32 chiếc SR-71 Blackbird nhưng mất 12 chiếc do tai nạn. Loại máy bay này chưa bị bắn hạ một lần nào.

Chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighthawk

Lockheed F-117 Nighthawk là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào tham chiến. Chuyến bay đầu tiên của nó được tiến hành năm 1981. F-117 bắt đầu gia nhập biên chế của không quân Mỹ năm 1983. Tuy nhiên, sự tồn tại của F-117 chỉ chính thức được công khai với thế giới vào tháng 11/1988.

Máy bay tàng hình F-117.

F-117 tham chiến lần đầu tiên năm 1991, với một lượng lớn phiên bản chiến đấu cơ được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh. Nó đảm trách nhiệm vụ tấn công mặt đất trước sự bất lực của radar đối phương. Lockheed F-117 Nighthawk nổ phát súng đầu tiên trong cuộc cách mạng chế tạo máy bay tàng hình trên khắp thế giới.

4 vũ khí tàng hình dự tập trận lớn nhất thế giới

Phản lực chiến đấu F-22 hay chiến hạm ba thân USS Independent (LCS 2) là hai trong số 4 vũ khí tàng hình nổi bật tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2014.

Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit

Sau thất bại thảm hại của "pháo đài bay" bất khả xâm phạm B-52 trên bầu trời Việt Nam, các chuyên gia quân sự Mỹ bắt đầu chương trình nghiên cứu loại máy bay ném bom chiến lược mới, cho phép thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để phá hủy những mục tiêu chủ chốt nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho những chiếc phi cơ trị giá hàng trăm triệu USD.

Máy bay ném bom chiến lược "bóng ma" B-2.

Trong các mẫu sản phẩm được trình lên Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất nhanh chóng được chọn. Sở hữu công nghệ tàng hình tối tân và mang được nhiều loại bom, trong đó có cả bom hạt nhân, giúp B-2 Spirit trở thành ngôi sao của Không quân Mỹ.

B-2 Spirit đánh dấu mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Kỹ thuật tàng hình tối ưu, thiết kế vật liệu chống phản hồi sóng radar cùng với lớp sơn hoàn hảo giúp chiếc máy bay gần như biến mất hoàn toàn trước những hệ thống phòng không dày đặc và tinh vi nhất thế giới. Tuy nhiên, giá thành hơn 1 tỷ USD/chiếc khiến không quân Mỹ đặt mua B-2 Spirit với số lượng hạn chế.

"Quái vật" Bell Boeing V-22 Osprey

V-22 là máy bay đa nhiệm, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng của quân đội Mỹ. Nó ra đời nhằm khắc phục những điểm yếu của các loại trực thăng, bao gồm tốc độ di chuyển và tải trọng, nhưng vẫn đảm bảo khả năng cơ động và sự linh hoạt của chúng. Tuy nhiên, V-22 Osprey gặp hàng loạt sự cố trước khi chính thức vượt qua các thử nghiệm.

"Quái vật" MV-22 tập hạ cánh trên tàu chiến Mỹ.

Mỹ khởi động dự án chế tạo V-22 từ đầu những năm 1980. Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh năm 1989, nhưng phải tới tháng 6/2007, quân đội Mỹ mới bắt đầu sử dụng loại máy bay này. Những chiếc V-22 chuyên trách phục vụ các nhiệm vụ trên đất liền trong khi phiên bản MV-22 góp mặt trên các tàu chiến, tàu đổ bộ tấn công và các căn cứ của Hải quân Mỹ.

10 máy bay quân sự kỳ dị của Mỹ (kỳ 1)

Quân đội Mỹ nổi tiếng với những loại vũ khí hiện đại nhất thế giới nhưng cũng sở hữu không ít phi cơ có thiết kế quái lạ.

Hồng Duy

Ảnh: Wikipedia

Bạn có thể quan tâm