Cuốn tự truyện Tôi là Zlatan Ibrahimovic do David Lagercrantz chấp bút kể về tuổi thơ gian khó và nỗ lực không mệt mỏi trên đường đến thành công của danh thủ Thụy Điển - một trong những ngôi sao tài năng bậc nhất nhưng cũng “điên rồ” nhất lịch sử làng túc cầu thế giới.
Pep Guardiola, HLV trưởng Barcelona, trong bộ vest xám và gương mặt nghiêm trọng cố hữu, e dè tiến đến trước mặt tôi.
Khi ấy tôi nghĩ Pep cũng ổn, tất nhiên không thể là một Mourinho hay một Capello, nhưng cũng ngon lành. Đấy là trước lúc chiến tranh bùng nổ.
Mùa thu năm 2009, tôi đang sống trong giấc mơ thời thơ ấu. Tôi chơi cho đội bóng số 1 thế giới và được chào đón bởi 70.000 CĐV tại Camp Nou. Tôi đang đi trên mây. À, không hẳn, vì còn chút vớ vẩn trên mặt báo.
Truyền thông Catalunya nói tôi là tên khó bảo, một gã bất trị, đại loại thế. Nhưng... mặc kệ thôi. Tôi đang ở đây rồi, Helena và bọn trẻ cũng hào hứng. Chúng tôi có một ngôi nhà xinh xắn ở Esplugues de Llobregat và tôi thì tràn đầy năng lượng. Còn gì đáng để chờ đợi hơn nữa chứ?
“Này”, Guardiola xóa tan dòng suy nghĩ của tôi, “Ở đây chúng tôi giữ chân mình trên mặt đất”.
“Vâng”, tôi nói. “Ổn thôi”.
“Thế nên chúng tôi không lái Ferrari và Porsche đến sân tập”.
Tôi gật đầu, cố gắng kiềm chế để không lỗ mãng hỏi: “Xe cộ thì liên quan gì ở đây?” Nhưng tôi thầm nghĩ: “Gã này muốn gì? Hắn muốn truyền thông điệp gì?”
Sách Tôi là Zlatan Ibrahimovic do NXB Lao động và TH Books liên kết phát hành. Ảnh: TH Books. |
Tin tôi đi, tôi đâu cần phải ra vẻ thêm làm gì. Gã nghĩ là tôi sẽ làm mặt ngầu, phóng chiếc xe bóng loáng vào sân tập rồi đậu bên lề đường ư? Không bao giờ có chuyện ấy. Nhưng tôi yêu xe của mình, ai cũng biết điều đó. Chúng là niềm đam mê của tôi. Có điều, thông điệp của hắn không liên quan đến xe cộ. Ý hắn phải chăng là: “Đừng có nghĩ mày đặc biệt”?
Khi ấy, tôi đã nhận ra Barça giống như một ngôi trường vậy. Mọi cầu thủ đều dễ thương và tôi không gặp vấn đề gì với họ. Đã vậy, tôi còn có Maxwell, cạ cứng từ thời còn ở Ajax và Inter. Họ nổi tiếng là thế, nhưng thật kì lạ, không ai cư xử như ngôi sao cả.
Messi, Xavi, Iniesta, nói chung là tất cả đều giống như học sinh vậy. Pep cứ nói và cả đám đều gật đầu, khiến tôi chả thể hiểu nổi. Ở Italia, nếu một HLV bảo “nhảy lên”, cầu thủ sẽ hỏi: “Tại sao phải nhảy?”
Ở Barça, họ cứ thế mà nhảy thôi. Tôi không hợp với phong cách làm việc đậm mùi tiểu học này một chút nào. Nhưng tôi nghĩ: “Thôi thì chấp nhận, đừng làm cho người ta tin thêm vào những nhận định được viết trên báo”. Thế là tôi cố thích nghi, cố tỏ ra thật dễ bảo. Đấy là một quyết định hết sức bậy bạ. Mino Raiola, đại diện và cũng là bạn tôi, đã nói:
“Ơ kìa, mày điên hả Zlatan? Tao không còn nhận ra mày nữa”.
Đâu chỉ riêng Raiola, chả còn ai nhận ra tôi, không một ai. Tôi ngày càng rời xa bản chất của mình. Bạn phải biết là từ khi còn chơi cho Malmö FF, tôi đã tuân thủ triệt để triết lý sống: Zlatan sẽ đi con đường của riêng mình, mặc xác những gì mọi người nghĩ. Tôi ghét việc phải sống trong khuôn khổ và vâng lệnh ai đó. Tôi thích mấy gã vượt đèn đỏ, bạn hiểu ý tôi chứ?
Nhưng giờ đây thì... Tôi không còn nói những gì mình muốn mà chuyển sang nói những gì mọi người muốn nghe. Tôi giả tạo, tẻ nhạt, chán ngấy. Tôi lái chiếc Audi do CLB cấp và đứng đấy gật đầu như ngày còn đi học. Tôi chả còn đùa cợt, la hét với đồng đội như trước. Tôi thấy chán ngấy. Zlatan chẳng còn là Zlatan.
Ibrahimovic là hợp đồng kỷ lục của Barca vào năm 2009. Ảnh: Getty. |
Lần cuối cùng tôi rơi vào tình trạng vâng lời thế này là khi còn học ở Borgarskolan. Ngày ấy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bọn nữ sinh mặc áo len dài tay Ralph Lauren và run đến vãi linh hồn khi rủ chúng ra ngoài chơi với mình.
Nhưng tôi vẫn khởi đầu mùa bóng rất tuyệt, ghi hết bàn này đến bàn khác. Chúng tôi giành Siêu Cúp châu Âu và tôi thì thống trị trên sân cỏ.
Còn tôi giờ là một con người khác. Có điều gì đó đã diễn ra, chưa đến mức quá nghiêm trọng, nhưng vẫn bất ổn. Sự im lặng của tôi là một thảm họa tiềm ẩn. Hãy tin tôi, phải điên thì tôi đá mới dữ. Tôi phải la hét và làm tâm điểm của sự chú ý.
Bây giờ tôi dồn tất cả vào bên trong vì sức ép phải làm một cầu thủ ngoan ngoãn, một phần vì áp lực truyền thông. Tôi là bản hợp đồng đắt thứ hai trong lịch sử vào lúc ấy và báo chí thì cứ lặp đi lặp lại chuyện tôi khó bảo thế nào.
Vì muốn thay đổi những suy nghĩ đó, tôi đã thay đổi chính con người mình. Đây cũng chính là quyết định ngu ngốc nhất trong đời tôi. Thế nên dù vẫn chơi rất bốc trên sân, nhưng niềm vui trong những bước chạy đã rời bỏ tôi tự khi nào.
Khi ấy, tôi thậm chí đã nghĩ đến chuyện giã từ bóng đá. Là cầu thủ chuyên nghiệp thì phải tôn trọng hợp đồng, nhưng tôi đã đánh mất niềm vui trên sân. Rồi kỳ Giáng sinh đến, chúng tôi trở về Thụy Điển, đến Are và thuê một chiếc xe trượt.
Mỗi khi cuộc sống bế tắc, tôi luôn phải vận động để cảm thấy ổn hơn. Và tôi đã lái chiếc xe trượt ấy như một gã điên, nhớ về những ngày còn phóng chiếc Porsche Turbo với tốc độ 325 km/h, bỏ lại sau lưng đám cảnh sát đang hú còi đuổi theo.
Khi chiếc xe tuyết lao đi, rút cục thì con người cũ của Zlatan cũng trở về và tôi đã nói với chính mình: “Việc gì mày phải ủ dột? Tiền của mày đầy trong nhà băng, mày không việc gì phải bận tâm đến gã HLV thổ tả ấy. Mày có thể sống vui vẻ và chăm sóc gia đình. Vui lên nào”.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu. Khi trở lại Tây Ban Nha, tôi đâu biết thảm họa đang chực chờ.