Theo Reuters, ngày 17/9, Alphabet Inc, công ty mẹ của YouTube đã cùng nền tảng thương mại điện tử Shopee thông báo về việc ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia.
Hai bên đồng thời tiết lộ đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sang khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh đối thủ TikTok Shop cạnh tranh thị phần gay gắt.
Khởi đầu cho cuộc "đại chiến", YouTube Shopping sẽ chính thức ra mắt tại Indonesia - thị trường được mệnh danh là "miền đất hứa" của ngành thương mại điện tử.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa YouTube Shopping và Shopee, người dùng có thể mua hàng trực tiếp từ các video trên YouTube thông qua đường link dẫn đến Shopee.
Ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc YouTube khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết Indonesia đã được "chọn mặt gửi vàng" để ra mắt dịch vụ này, bởi sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mua sắm trực tuyến nơi đây.
Đại diện hai công ty cho biết sẽ mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới, thể hiện tham vọng thống lĩnh thị trường Đông Nam Á của liên minh này. Hiện YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.
Thực tế, thời gian qua, một số nhà sáng tạo nội dung trên YouTube tại Việt Nam đã được mở thử nghiệm tính năng này; tuy nhiên, chưa rõ thời gian dịch vụ được cung cấp chính thức.
Ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc YouTube khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Money Control. |
Khi được hỏi về quy mô của mối quan hệ đối tác với Shopee, ông Vidyasagar khẳng định đây là một bước đi rất quan trọng, nhưng từ chối cung cấp số liệu chi tiết. Ông cũng tiết lộ rằng YouTube Shopping sẽ dần mở rộng cho các đối tác khác ngoài Shopee.
Màn hợp tác gây chấn động này được xem là đòn phản ứng mạnh mẽ trước tốc độ phát triển nhanh chóng của TikTok Shop trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Đông Nam Á thời gian qua.
Hiện, thị phần của TikTok Shop đang tăng vọt tại khu vực này, đặc biệt sau khi chi phối nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia là Tokopedia.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao liệu Shopee của Sea có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á hay không.
Hiện tại, nền tảng này không chỉ đối đầu với mỗi TikTok Shop của ByteDance, mà còn rất nhiều đối thủ tiềm năng khác như Lazada của Alibaba Group Holding hay Shein và Temu của PDD Holdings. Các nền tảng trên cũng đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á.
Theo một báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works, TikTok Shop đã đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 16,3 tỷ USD tại Đông Nam Á trong năm 2023, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó. Nhờ đó, ứng dụng từ Trung Quốc đã trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 tại khu vực này, chỉ sau Shopee.
Đông Nam Á với gần 700 triệu dân là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Momentum Works cho biết 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực đã ghi nhận tổng GMV đạt 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.