Sản phẩm được gắn trên video YouTube, dẫn đến Shopee. Ảnh: Xuân Sang. |
Shopping on YouTube (Bán hàng ở YouTube) là tính năng xuất hiện trên nền tảng chia sẻ video từ lâu. Sau thời gian dài chờ đợi, một số người làm video tại Việt Nam đã được cung cấp tùy chọn này trong phần quản lý kênh. Chương trình có cách vận hành tương tự "gắn giỏ hàng" TikTok Shop, nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ Shopee.
Trả lời Tri Thức - Znews, ông Trần Xuân Vinh, nhà sáng tạo nội dung, quản lý hệ thống kênh với hơn 2 triệu đăng ký, cho biết tài khoản của mình vừa được nền tảng kích hoạt tính năng bán hàng. “Tôi đã thử gắn đường dẫn sản phẩm lên video dài và Shorts. Kết quả cho thấy chúng hoạt động tốt. Người dùng sẽ nhìn thấy sản phẩm hiện trên video lúc xem, có thể trực tiếp bấm vào tham khảo”, Xuân Vinh nói.
YouTube cung cấp giải pháp để gắn link tiếp thị, giúp người làm nội dung kiếm tiền. Ảnh: YouTube. |
Theo YouTuber này, mạng xã hội của Google chỉ hỗ trợ sản phẩm từ Shopee, không chấp nhận nền tảng khác tại Việt Nam. Chủ kênh có thể chọn đường dẫn, ảnh hiển thị hay mô tả cùng vị trí xuất hiện trên video. Về phía người xem, sản phẩm sẽ nằm dưới dạng bảng nổi, mời bấm vào tham khảo. Chức năng cũng hoạt động tương tự với video ngắn kiểu Shorts.
Khi nhấn vào xem sản phẩm trên máy tính, trang web của Shopee sẽ xuất hiện để khách hàng thao tác. Tương tự ở di động, app tự mở nếu người dùng đã cài. Đặc biệt, video vẫn phát dưới dạng cửa sổ nổi trong trường hợp này, bất chấp việc khách hàng không đăng ký dịch vụ Premium.
Ngoài ra, YouTube cũng mở thêm một mục cửa hàng trên thanh công cụ của kênh. Người xem có thể chọn phần này để tham khảo toàn bộ sản phẩm được người sáng tạo bán, quảng bá. “Trước đó, tôi thường phải gắn đường dẫn mua hàng bên dưới video, kêu gọi người xem bấm vào. Với chức năng mới, nội dung hiển thị trực quan và thuận tiện hơn”, ông Xuân Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, quy trình trả tiền tiếp thị liên kết qua YouTube cũng khác biệt. Thông thường, chủ kênh có một tài khoản affiliate trên Shopee, có thể lấy đường dẫn riêng gắn vào video, nhận tiền hoa hồng từ đây nếu phát sinh giao dịch.
Tuy nhiên khi gắn giỏ hàng trên YouTube, nhà sáng tạo buộc phải chọn sản phẩm từ danh sách mà nền tảng cung cấp, thay vì link của riêng mình. Nếu người xem video mua sản phẩm từ đường dẫn này, tiền hoa hồng sẽ được Shopee thanh toán cho YouTube. Sau đó, nền tảng mới chia lại cho YouTuber với một tỉ lệ nhất định, giống như tiền quảng cáo.
Như vậy, chủ kênh phải chia sẻ một phần doanh thu khi chấp nhận tham gia chương trình, được YouTube hỗ trợ. Mặt khác, hiện chỉ có số ít người làm video được mở thử nghiệm tại Việt Nam, chưa rõ thời gian được cung cấp chính thức.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.