Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý tưởng về giống người ưu việt

Mong muốn thành công như người anh họ Darwin đã thôi thúc Galton đề ra thuyết ưu sinh. Tư tưởng để lại nhiều hậu quả tai hại.

Thuyet uu sinh anh 1

Chân dung Francis Galton (16/21822 - 17/11911) được vẽ bởi Charles Wellington Furse. Ảnh: National Portrait Gallery.

Galton chào đời vào mùa đông năm 1822 - cùng năm với Gregor Mendel - và sau anh họ Charles Darwin của ông 13 năm. Sống cùng thời với hai người khổng lồ của sinh học hiện đại, ông không khỏi bị ám ảnh bởi một cảm thức bất xứng gay gắt về tầm vóc khoa học. Với Galton, cảm giác này càng đặc biệt gây bức bối vì lẽ ông cũng đã nóng lòng muốn làm người khổng lồ. Cha ông là một chủ nhà băng giàu có ở Birmingham; mẹ ông là con gái của Erasmus Darwin, nhà thơ và bác sĩ uyên bác và cũng là ông nội của Charles Darwin.

Là một thần đồng từ thuở ấu thơ, Galton đã học đọc năm lên hai, thông thạo tiếng Hy Lạp và Latin khi lên 5, và giải được phương trình bậc hai vào năm lên tám. Giống Darwin, ông sưu tầm bọ cánh cứng, nhưng ông thiếu sự cần cù, tư duy phân loại của người anh họ và đã sớm từ bỏ việc sưu tập để theo đuổi những hoạt động tham vọng hơn. Ông đã thử học y khoa, nhưng sau đó chuyển sang toán học tại Cambridge. Năm 1843, ông cố thi lấy bằng danh dự về toán học, nhưng bị suy nhược thần kinh bèn trở về nhà dưỡng sức chờ bình phục.

Mùa hè năm 1844, khi Charles Darwin đang viết tiểu luận đầu tiên về tiến hóa, Galton rời Anh quốc du lịch đến Ai Cập và Sudan - lần đầu tiên trong nhiều chuyến thám hiểm Phi châu của ông. Nhưng trong khi những cuộc gặp gỡ với “thổ dân” Nam Mỹ vào những năm 1830 của Darwin củng cố niềm tin của ông vào nguồn gốc chung của loài người, Galton lại chỉ nhìn thấy sự khác biệt: “Tôi đã thấy những giống người man rợ đủ cho tôi chất liệu để suy tư về tất cả số còn lại trong đời mình".

Năm 1859, Galton đọc Nguồn gốc các loài của Darwin. Đúng ra, ông “ngấu nghiến” quyển sách: nó đánh động ông như một cơn sốc điện, vừa làm tê liệt vừa gây kích động. Trong ông sôi sục một nỗi đố kị, kiêu hãnh, và thán phục. Ông đã được “dẫn đạo vào một lĩnh vực tri thức hoàn toàn mới mẻ”, ông viết cho Darwin một cách sôi nổi. “Lĩnh vực tri thức” mà Galton đặc biệt có ý muốn thám hiểm là di truyền.

Giống như Fleeming Jenkin, Galton nhanh chóng nhận ra rằng người anh họ của ông đã đúng về nguyên lý, nhưng sai về cơ chế: bản chất của sự thừa kế là điều cốt tử để hiểu thuyết Darwin. Di truyền là cực âm đối với cực dương của tiến hóa. Hai thuyết này phải được gắn kết một cách hữu cơ - thuyết này nâng đỡ và hoàn thiện thuyết kia. Nếu “ông anh họ Darwin” đã giải quyết phân nửa vấn đề, thế thì việc của “em họ Galton” là thanh toán nửa kia.

Thuyet uu sinh anh 2

Galton vào những năm 1850 hoặc đầu những những năm 1860. Ảnh: Public Domian.

Vào giữa những năm 1860, Galton bắt đầu nghiên cứu di truyền. Thuyết “sinh mầm” của Darwin - những chỉ thị di truyền được phát tán ra bởi tất cả các tế bào và lênh đênh trôi dạt trong máu, như hàng triệu bức thư đựng trong chai - gợi ý rằng sự truyền máu có thể truyền những sinh mầm và nhân đó thay đổi sự di truyền.

Galton đã thử truyền máu của những con thỏ với nhau nhằm truyền các sinh mầm cho nhau. Ông thậm chí đã cố làm việc với thực vật - những cây đậu - để tìm hiểu cơ sở của những chỉ thị di truyền.

Nhưng ông là một nhà thực nghiệm cực tồi; ông thiếu hẳn thiên tư của Mendel. Những con thỏ chết vì sốc, và những cây leo khô héo trong vườn ông. Chán nản, Galton quay sang nghiên cứu người. Những cơ thể mô hình không tiết lộ được cơ chế của sự di truyền. Việc lượng định về biến dị và di truyền ở người, Galton lý luận, sẽ tiết lộ bí mật.

Quyết định này mang dấu hiệu của một tham vọng bao quát toàn thể: một cách tiếp cận từ trên xuống, bắt đầu với những tính trạng phức tạp và đa dạng nhất có thể tưởng được - trí thông minh, tâm tính, năng lực thể chất, chiều cao. Đó là một quyết định đã đưa ông vào cuộc đụng độ quyết liệt với ngành di truyền học.

[...] Ông tản bộ khắp các vùng ở Anh quốc và Scotland để lập bảng thống kê “người đẹp” - âm thầm xếp hạng những phụ nữ ông gặp vào loại “hấp dẫn,” “bình thường” hay “xấu xí” bằng cách sử dụng đinh ghim châm lên tấm thẻ giấu trong túi. Có vẻ như không thuộc tính nào của người có thể thoát khỏi cặp mắt soi mói, định giá, đong đếm, thống kê của Galton: “Tinh mắt thính tai; Cảm giác về màu sắc; Dung lượng hít thở; Thời gian phản ứng; Sức mạnh và lực bóp; Sức thổi; Độ dài cánh tay; Chiều cao... Cân nặng".

Galton bấy giờ chuyển từ phép đo sang kỹ thuật đo. Liệu những biến tố này ở người có được thừa kế? Và bằng cách nào? Một lần nữa, ông quay ngoắt khỏi những sinh vật đơn giản, hy vọng nhảy thẳng vào con người. Chính dòng dõi xuất chúng của chính ông - ông ngoại là Erasmus, anh họ là Darwin - chẳng phải là bằng chứng rằng thiên tài là thứ di truyền trong các gia tộc đó sao?

Để sắp xếp bằng chứng này thành lớp lang hệ thống, Galton bắt đầu xây dựng lại phả hệ của những người kiệt xuất. Ông phát hiện, chẳng hạn, rằng trong số 605 người nổi tiếng sống giữa những năm 1453 và 1853, 102 người có mối quan hệ gia tộc: 1/6 người có tiếng tăm hình như có quan hệ họ hàng.

Nếu một người tài giỏi có một con trai, Galton ước đoán, có một phần mười hai khả năng để đứa con ấy là người xuất chúng. Trái lại, chỉ có 1/3.000 người được chọn “ngẫu nhiên” là người tài giỏi lỗi lạc. Sự xuất chúng, Galton biện luận, có tính di truyền. Con vua lại được làm vua - chẳng phải vì chức tước có tính di truyền, mà là trí thông minh vậy.

[...] Galton đã công bố phần nhiều dữ kiện này trong một cuốn sách đầy tham vọng, dông dài, lắm lúc thiếu mạch lạc - Hereditary Genius (Thiên tài di truyền). Nó chẳng được mấy ai tiếp nhận. Darwin đọc qua về cuộc nghiên cứu, nhưng không bị thuyết phục lắm, bèn ừ hữ khen lấy lệ: “Trong một ý nghĩa nào đó chú đã cải tâm được một đối thủ rồi đấy, vì tôi luôn cho rằng, ngoại trừ những thằng ngu, con người không khác nhau nhiều lắm về trí tuệ, chỉ có nhiệt tâm và làm việc tích cực mà thôi.” Galton dằn cơn tự ái và thôi ý định làm bất kỳ nghiên cứu phả hệ nào nữa.

[...] Galton đã không thể khám phá ra gen, nhưng ông sẽ không để lỡ mất cơ hội đối với sự ra đời của những kỹ thuật di truyền. Galton đã nghĩ ra một cái tên cho nỗ lực này - thuyết ưu sinh, sự cải thiện dòng giống người qua sự chọn lọc nhân tạo những đặc tính di truyền và kiểm soát việc sinh đẻ của những người mang mầm bệnh.

Thuyết ưu sinh chỉ là một hình thức ứng dụng của di truyền học đối với Galton, cũng như nông nghiệp là một hình thức ứng dụng của thực vật học vậy. “Điều mà thiên nhiên làm một cách mù quáng, chậm chạp và tàn nhẫn, con người có thể làm một cách khôn khéo, mau lẹ, và nhân từ. Vì điều đó nằm trong khả năng của anh ta, bởi vậy anh ta coi làm việc theo chiều hướng ấy là sứ mạng của bản thân mình”, Galton viết.

[...] Trong những năm cuối đời, Galton đã bị dằn vặt với ý niệm về ưu sinh âm. Ông không bao giờ tìm được sự thanh thản hoàn toàn với nó. “Sự triệt sản những cá thể thất bại” - việc rẫy cỏ và làm vệ sinh khu vườn di truyền người - ám ảnh ông với nhiều hiểm họa đạo đức tiềm tàng. Nhưng đến cuối cùng, niềm khao khát xây dựng thuyết ưu sinh thành một “tôn giáo quốc gia” đã đánh bạt những day dứt trong ông về ưu sinh âm.

Năm 1909, ông sáng lập một tập san, Eugenics Review, vốn tán thành không chỉ việc gây giống chọn lọc mà cả sự triệt sản chọn lọc nữa. Năm 1911, ông cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ, nhan đề Kantsaywhere, nói về một xã hội không tưởng trong tương lai nơi mà khoảng phân nửa dân số bị dán nhãn “không phù hợp” và bị hạn chế ngặt nghèo khả năng sinh đẻ. Ông để lại một bản thảo cho cháu gái của mình. Cô xem xong bối rối đến nỗi đã đốt đi phần lớn cuốn sách.

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Siddhartha Mukherjee/NXB Dân Trí và Omega Plus

SÁCH HAY