Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý tưởng phóng tên lửa đạn đạo từ Boeing 747 của Mỹ

Một nhà thầu quốc phòng Mỹ từng đề xuất lắp tên lửa đạn đạo liên lục địa lên máy bay Boeing 747 để phóng từ không trung nhưng bị từ chối do không khả thi.

Một tên lửa Minuteman III được thả từ máy bay vận tải C-5 trong một thử nghiệm. Ảnh: USAF

Răn đe hạt nhân là chiến lược rất quan trọng đối với các nước sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Phát triển và duy trì năng lực răn đe hạt nhân luôn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, Nga và nhiều nước khác. Đặc biệt, trong những năm Chiến tranh Lạnh, việc chiếm ưu thế về răn đe hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra rất khốc liệt.

Các nhà thầu, chuyên gia quốc phòng đề xuất rất nhiều ý tưởng để nâng cao sức mạnh răn đe hạt nhân. Bên cạnh những ý tưởng có tính ứng dụng cao, cũng có không ít những đề xuất kỳ quặc, thậm chí là “điên rồ”. Một trong những ý tưởng như thế xuất phát từ nhà thầu quốc phòng Orbital ATK của Mỹ.

Theo tạp chí khoa học Popular Mechanics, giai đoạn 1970-1980, ATK đã đề xuất ý tưởng lắp tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III lên máy bay vận tải hành khách Boeing 747. Các tên lửa sẽ được đặt trong ống phóng thẳng đứng dọc theo bộ khung của 747.

Phong ten lua dan dao tu may bay anh 1
Sơ đồ bố trí tên lửa Minuteman III trên máy bay Boeing 747 của tập đoàn ATK. Ảnh đồ họa: Popularmechanics

 

Tên lửa sử dụng cơ cấu phóng “nóng”, tức động cơ của tên lửa được đốt cháy từ trong ống phóng, tương tự như cách phóng thông thường trong các silo cố định. Ý tưởng này được các nhà phân tích quân sự đánh  giá là “điên rồ”.

Việc phóng một tên lửa nặng như Minuteman III từ máy bay sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề về khí động học cần phải giải quyết. Khi động cơ tên lửa được kích hoạt, nó sẽ tạo ra một phản lực rất lớn đủ để xé toạc khung máy bay. Ngoài ra, luồng phụt từ động cơ sẽ tạo ra một lực nhiễu động khí tượng cực mạnh có thể khiến máy bay mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhiệt lượng tỏa ra từ luồng phụt của động cơ có thể làm biến dạng đặc tính vật lý của các vật liệu thường sử dụng trên máy bay. ATK cũng đã đề xuất ý tưởng phóng nghiêng để giải quyết một số vấn đề về khí động học tác động lên máy bay.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhanh chóng bác đề xuất này vì nó hoàn toàn không khả thi. ATK không thể đưa ra lý thuyết để giải quyết các vấn đề khí động học khi phóng tên lửa trực tiếp từ trên không. Dự án dừng ở bản vẽ và chưa có thử nghiệm nào được tiến hành.

Phóng tên lửa đạn đạo từ trên máy bay không phải là ý tưởng mới. Những năm 1960, tập đoàn Douglas đã phát triển tên lửa đạn đạo GAM-87 Skybolt phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52. Tên lửa lắp trên giá treo hai bên cánh. Tên lửa được thả vào không trung sau đó động cơ chính mới kích hoạt, tương tự việc phóng tên lửa hành trình. Dự án bị hủy bỏ vào năm 1962 do không khả thi.

Đến năm 1974, Không quân Mỹ đã thử nghiệm phóng một tên lửa liên lục địa Minuteman III từ máy bay vận tải hạng nặng C-5 Galaxy. Tên lửa được thả vào không trung từ khoang chứa hàng của máy bay, một chiếc dù được dùng để hãm tốc độ rơi của tên lửa trước khi động cơ chính kích hoạt.

Quan chức Mỹ đề xuất cơ động hóa tên lửa hạt nhân

Quan chức Ủy ban Quân vụ Hạ viện kiến nghị quân đội nên phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa di động tương tự của Nga nhằm nâng cao năng lực răn đe hạt nhân.

Mỹ chi hàng trăm tỷ USD để hiện đại hóa nắm đấm hạt nhân

Washington sẽ chi 270 tỷ USD để hiện đại hóa kho tên lửa hạt nhân chiến lược bắt đầu từ năm 2021 nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm