Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Dự luật từng được cho ý kiến lần một vào kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2017.
Đa số đại biểu đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu có ý kiến trái chiều về việc doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh mạng có phải đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam hay không.
Yêu cầu Google, Facebook đặt trụ sở Việt Nam khó khả thi
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng việc dự thảo luật yêu cầu các tổ chức cơ quan ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam là khó khả thi.
Nữ đại biểu khẳng định yêu cầu này không phù hợp với tình hình thực tiễn và làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dùng Việt Nam. Máy chủ các dịch vụ mà người Việt Nam thường xuyên sử dụng như Google, Facebook... đều đặt tại nước ngoài.
Theo bà, với công nghệ hiện đại, máy chủ không phải là máy cụ thể, theo thuật toán đám mây máy chủ là máy ảo, cho phép người sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó. Đây là là xu hướng của thế giới.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Quochoi.vn |
"Một khi các doanh nghiệp không chấp thuận yêu cầu của Việt Nam về việc đặt văn phòng, có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ không được cung cấp dịch vụ, điều này trái ngược với các cam kết của Việt Nam với các nước trên thế giới" bà nói.
Trái ngược, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) tán thành với quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng của nước ngoài phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam như trong dự thảo Luật An ninh mạng.
Theo ông Thưởng, quy định như trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được, nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích Luật Thương mại, Luật Ngoại thương được Quốc hội thông qua, đặc biệt là Nghị định 28 năm 2018 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đại biểu đồng thời là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay doanh nghiệp viễn thông cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, đặt văn phòng đại diện là nguyên tắc. Tại sao các doanh nghiệp khác đều phải đặt văn phòng đại diện còn doanh nghiệp viễn thông, thông tin lại không phải đặt.
Hơn nữa, về thông lệ quốc tế, Facebook đã đặt văn phòng đại diện ở 70 nơi; Google cũng tương tự như vậy. Thực tiễn là đã có 18 nước đã quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước như vậy và phải thực hiện…
"Vì vậy, từ góc độ pháp luật của Việt Nam, thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, chúng ta thấy quy định này là có lý và có thể thực hiện được", đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Một số khác cho ý kiến không gian mạng là không gian mở nên việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng như Google, Facebook… phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam cần phải cân nhắc thêm.
Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài với thông tin độc hại
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi, làm rõ các kiến nghị có liên quan sau kỳ họp thứ 4.
Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước để chỉnh lý thành khoản 2 Điều 26 dự thảo luật đã chỉnh lý.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Điều này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Bên cạnh đó, quy định đó tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế. bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.