Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý định kết hợp khoa học và nghệ thuật của Leonardo da Vinci

Theo Leonardo da Vinci, nghệ thuật không có khoa học chẳng khác gì cơ thể không linh hồn.

Dạo này Leonardo thường hay lơ đãng, ngay cả lúc nói chuyện với thầy. Điều đó thường xảy ra sau khi cậu đến nhà Toscanelli. Thái độ dè dặt và tâm trạng thất thường của cậu không qua khỏi mắt Verrocchio.

Ông nhận thấy vẻ mặt bần thần, lơ đãng như mất hồn của cậu học trò sau những lần cậu bí mật lẻn đi khỏi xưởng, còn đám học trò thì nói rằng Leonardo đến nhà Toscanelli.

Một lần, ông hỏi Leonardo:

- Con đang mơ mộng chuyện gì thế?

Leonardo giật nẩy mình, cậu ngước cặp mắt xanh nhìn thầy rồi bình thản trả lời:

- Con muốn kết hợp nghệ thuật hội họa với điêu khắc và khoa học.

Ke chuyen cuoc doi cac thien tai anh 1

Verrocchio mỉm cười, ông vừa xoa đầu cậu vừa nói:

- Con còn nhỏ mà đã suy nghĩ như một nhà hiền triết. Con nghĩ gì về giải phẫu học, ngành khoa học giúp ta hiểu về cấu tạo của con người? Có lẽ đối với con, việc bắt đầu mổ xẻ xác chết còn hơi sớm. Nhưng sau này, con sẽ cùng ta làm điều đó.

Leonardo lắc đầu:

- Thưa thầy, con chưa nghĩ đến việc đó, nhưng dù thế nào thì con cũng nghiên cứu giải phẫu học. Theo con, một họa sĩ không những cần đến khoa học để hiểu cấu tạo cơ thể của người, mà còn…

Leonardo ngừng lại để tìm từ ngữ thích hợp. Cậu cảm thấy mình chưa đủ khả năng để diễn đạt một cách rành mạch những suy nghĩ của mình. Cậu ấp úng nói:

- Con nghĩ rằng nghệ thuật không có khoa học chẳng khác gì cơ thể không có linh hồn. Chúng ta sử dụng toán học để nhận thức những quy luật phối cảnh, quy luật ánh sáng và quy luật phối màu.

Con thấy quang học và cơ học cũng cần thiết cho việc đó. Nếu không chúng ta sẽ như người mù tìm đường trong đêm tối. Việc áp dụng các ngành khoa học đòi hỏi phải làm nhiều thí nghiệm đặc biệt và tốn nhiều công sức.

Verrocchio sửng sốt nhìn cậu học trò. Leonardo nói tới những điều mà không một cậu học trò nào nghĩ đến. Phần lớn học trò của ông đều chuyển từ nghề kim hoàn sang ngành hội họa và điêu khắc. Tuy nhiên, cũng có người quan tâm đến cả kiến trúc.

Chính bản thân ông cũng có lúc ngồi khắc đá và tự hào về những hình khắc tinh tế của mình. Nhưng cậu học trò này lại muốn đi sâu tìm hiểu những điều bí ẩn trong cuộc sống.

Verrocchio bỗng nhớ lại cuộc tranh luận sôi nổi mà ông nghe thấy cách đây vài ngày giữa Leonardo và Botticelli, người bạn học lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn. Khi đó, Leonardo đã tự tin chứng minh cho anh thấy điều đó.

Verrocchio ngày càng cảm thấy quý mến cậu học trò của mình. Trước mặt Leonardo, ông thường thận trọng từng lời nói vì chỉ có cậu là người duy nhất hay thắc mắc những điều mà ông nói. Mỗi khi ông nói về nghệ thuật, đám học trò thường lắng nghe những lời chỉ bảo của ông như một chân lí không thể bác bỏ.

Còn ông lại thấy cặp mắt chăm chú của Leonardo đầy ắp những băn khoăn. Cậu luôn chú ý từng lời nói của thầy. Chỉ có Leonardo là người dám nhận xét những thiếu sót trong bức tranh của ông.

Nhưng vốn tế nhị, cậu chỉ góp ý khi có hai thầy trò với nhau. Cứ như thế, tình cảm thầy trò giữa họ ngày càng trở nên thân thiết. Khi ông ốm, Leonardo là người chăm nom ông một cách tận tình, chu đáo.

Những lúc Verrocchio gặp điều phiền muộn, Leonardo thường lặng lẽ bước vào phòng riêng của ông. Verrocchio không muốn người khác thấy tâm trạng buồn bã, chán nản của mình.

Khi ấy chỉ có hai thầy trò, họ thường tâm sự với nhau. Ông coi Leonardo là bạn của mình và Leonardo cũng vậy. Chỉ khi nào ông dạy học thì lúc đó ông mới coi Leonardo là học trò của mình.

Vào một dịp, các tu sĩ ở Vallombrosa đặt hàng Verrocchio vẽ bức tranh Lễ rửa tội Chúa cho tu viện của họ. Verrocchio hăng hái bắt tay vào công việc. Khi đó, ông đã vẽ xong chúa Jesus và thánh Gioan Baotixita.

Ông đang suy nghĩ về việc sẽ vẽ thêm hai thiên thần nữa. Thông thường, học trò và thợ học việc đều giúp thầy một tay khi vẽ những bức tranh lớn và mất nhiều thời gian như thế. Mỗi người sẽ vẽ những chi tiết nhỏ tùy theo trình độ của từng người và họ chỉ được vẽ những hình phụ họa.

Leonardo bước vào xưởng thì thấy Verrocchio đang đứng ngẫm nghĩ trước bức tranh vẽ dở. Ông vừa xoa cằm vừa lẩm bẩm:

- Còn một thiên thần nữa. Mình phải làm sao để thể hiện được vẻ đẹp ngây thơ, hồn nhiên của lũ trẻ đang say sưa ngắm nhìn cảnh tượng kì lạ mà chúng không hiểu được tầm quan trọng của cảnh tượng ấy.

Nhưng lũ trẻ vẫn thích nhìn với ánh mắt hân hoan pha lẫn tò mò. Mình phải vẽ thế nào để hai thiên thần đó không giống nhau.

Giọng ông lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng. Nghe thấy tiếng kẹt cửa, ông quay lại:

- Leonardo đấy ư?

Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Lại đây, lại gần đây con! Con có muốn vẽ tranh cùng thầy không? Con sẽ vẽ một trong hai thiên thần mà hai thiên thần này không được giống nhau và chúng phải toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, thánh thiện.

Leonardo sửng sốt. Đối với cậu, đây là một vinh dự lớn bởi vì từ trước đến nay chưa có một cậu học trò hay thợ học việc nào được tham gia vẽ chính cả. Verrocchio đã coi Leonardo như một họa sĩ thực thụ. Nhưng liệu cậu có cáng đáng nổi công việc này không?

Với giọng run run, cậu trả lời một cách chân thành:

- Thưa thầy, con sẽ cố gắng ạ!

Rasmus Hoài Nam / Tân Việt Books / NXB

SÁCH HAY