Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y bác sĩ TQ trả giá bằng sinh mạng trong cuộc chiến với virus corona

Không được bảo vệ đầy đủ, làm việc quá sức và dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế Trung Quốc chiến đấu với virus corona cũng trở thành nạn nhân của dịch bệnh.

Sự đau đớn tột độ hiện rõ trên dáng hình của người phụ nữ trong bộ đồ bảo hộ và khẩu trang chạy theo chiếc xe tang màu đen. Vừa chạy theo bà vừa khóc.

Chồng bà, ông Lưu Trí Minh, giám đốc bệnh viện Vũ Xương của Vũ Hán và là bác sĩ phẫu thuật thần kinh đáng kính, người đã lãnh đạo cuộc ứng phó chống lại virus corona ở bệnh viện, nằm trong xe.

Đoạn video ghi lại khoảnh khắc đau buồn lan truyền trên mạng cho thấy vợ ông Lưu, bà Thái Lập Bình, một y tá sát cánh cùng ông trên tuyến đầu, lảo đảo tiến về phía trước, bàn tay với theo khi nhìn thi thể của chồng mình được mang đi để hỏa táng.

virus corona anh 1

Một bác sĩ được đồng nghiệp khử trùng tại khu cách ly ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 3/2. Ảnh: AFP/Getty.

Bà Thái đã cầu xin được chăm sóc ông Lưu khi ông bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 1, khi hàng nghìn bệnh nhân bắt đầu chen chúc vào các bệnh viện quá tải của Vũ Hán. Nhưng ông không chịu vì sợ bà cũng sẽ bị ốm. Ông thậm chí còn tránh xa bà khi được chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt.

"Anh có đọc được tin nhắn của em không? Em có thể đến chăm sóc anh không? Nếu anh sợ thì em sẽ ở lại cùng anh nhé?", bà nhắn tin cho ông từ bên ngoài phòng bệnh.

"Không", ông Lưu viết.

Ông Lưu qua đời vào ngày 18/2.

Trả giá đắt vì sự ứng phó dịch chậm trễ

Một loạt trường hợp tử vong gần đây tại tâm dịch virus corona của Trung Quốc khiến các nhân viên y tế thêm căng thẳng khi cố gắng ngăn chặn ổ dịch đã giết chết hơn 2.700 người và lây nhiễm hơn 80.000 người trên toàn thế giới.

Các cơ quan y tế Trung Quốc và một nhóm từ Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo vào tối 24/2 rằng 3.387 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã bị nhiễm COVID-19, hơn 90% trong số đó là ở Hồ Bắc, nơi bệnh dịch khởi phát.

Tỷ lệ nhiễm bệnh mới và tử vong nói chung dường như đang chậm lại ở Trung Quốc. Nhưng số ca nhiễm của các nhân viên y tế tăng lên cho thấy cái giá phải trả của phản ứng chậm trễ khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Vũ Hán và Hồ Bắc choáng ngợp.

Nhân viên bệnh viện không được bảo vệ đầy đủ, phải làm việc quá sức và ngày càng dễ bị tổn thương.

Ngày 22/2, chính quyền đã công bố các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho nhân viên y tế, bao gồm mức lương cao hơn và danh hiệu "anh hùng" cho người đã hy sinh.

virus corona anh 2

Một bác sĩ nói chuyện với một bệnh nhân trong khu cách ly ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 3/2. Ảnh: AFP/Getty.

Theo Los Angeles Times, đã có ít nhất 18 trường hợp tử vong của các nhân viên y tế liên quan đến COVID-19 kể từ ngày 24/2, bao gồm các y tá và bác sĩ đã chết không phải do nhiễm virus mà do đột tử hoặc các bệnh khác do làm việc quá sức và mệt mỏi.

Gần đây nhất là ba bác sĩ chết trong một ngày, tất cả đều bị nhiễm COVID-19. Một trong số họ, Hạ Tư Tư, bác sĩ về bệnh tiêu hóa ở Vũ Hán, mới 29 tuổi.

Một bác sĩ khác cùng tuổi, Bành Ngân Hoa, đã chết ở Vũ Hán vì nhiễm virus corona vào ngày 20/2. Anh đã trì hoãn đám cưới ngày 1/2 và hứa với hôn thê đang mang thai sẽ tổ chức hôn lễ sau khi dịch bệnh qua đi.

Không được bảo vệ đầy đủ

Hầu hết nhân viên y tế bị nhiễm bệnh đều ở Hồ Bắc, nhiều người trong số họ tham gia hành động ứng phó ban đầu ở Vũ Hán, khi tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ, thiếu nhân viên và phương tiện vận chuyển cộng dồn với số lượng bệnh nhân quá đông.

Cái chết của y tá tuyến đầu Lưu Hoàn, 49 tuổi, cho thấy mức độ tàn khốc của virus. Cả bốn người trong gia đình bà đều bị nhiễm virus sau khi được cách ly tại nhà. Bố, mẹ và anh trai của Lưu đều lần lượt qua đời tại nhà riêng vì không tìm được giường bệnh nào ở Vũ Hán.

virus corona anh 3

Một bác sĩ thăm bệnh nhân nhiễm virus corona trong khu cách ly tại bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Chinatopix.

Cũng có những cái chết vì làm việc quá sức. Dược sĩ Tống Anh Kiệt, 28 tuổi, đã một mình quản lý đơn thuốc của bệnh viện, sau đó kiểm tra thân nhiệt tại một điểm dừng trên đường cao tốc vào ban đêm. Anh làm việc đến nửa đêm 2/2, đứng bên lề đường trong gió lạnh, theo một đồng nghiệp đi cùng. Đó là ngày làm việc thứ 10 liên tiếp của anh trong đội phản ứng chống virus.

Anh được tìm thấy đã chết trong ký túc xá bệnh viện vào chiều hôm sau. Nguyên nhân là đột tử vì kiệt sức.

John Nicholls, nhà nghiên cứu bệnh học của Đại học Hong Kong, người từng làm việc trong dịch SARS năm 2003, cho biết kiệt sức là lý do khiến các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Những vấn đề khác bao gồm thiếu đào tạo về thiết bị bảo vệ cá nhân, bề mặt bị ô nhiễm, tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân bị bệnh và - có lẽ thích hợp nhất với tình hình Trung Quốc - những người hoạt động ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

Khi SARS nổ ra, các bác sĩ từ các khoa khác nhau đã được yêu cầu tham gia tuyến đầu. Nhưng nhiều nhân viên y tế không được đào tạo đúng cách cho các quy trình như đặt nội khí quản trong môi trường bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao.

"Tôi không ngạc nhiên. Tôi thất vọng vì mọi người không học hỏi được từ SARS. Điều tồi tệ hơn là khi một nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm bệnh, khối lượng công việc sẽ dồn lên những người khác", Nicholls nói.

virus corona anh 4

Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus corona, đã qua đời vào ngày 6/2. Ảnh: Weibo.


CDC: Virus corona chắc chắn sẽ lan rộng ở Mỹ

Các quan chức y tế Mỹ cảnh báo virus corona chắc chắn sẽ lan rộng hơn ở nước này, ngay cả khi các nước châu Âu và châu Á đang cố gắng ngăn chặn dịch bệnh mới bùng phát.

Lan rộng ra các châu lục, virus corona xáo trộn cả thế giới

Từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của virus corona gây căng thẳng nặng nề cho thế giới.

Tuyết Mai

Theo Los Angeles Times

Bạn có thể quan tâm