Đến nay, Triều Tiên chưa báo cáo ca nhiễm Covid-19 nào, nhưng truyền thông nước này hàng ngày vẫn ra sức tuyên truyền về biện pháp phòng dịch, theo Yonhap.
“Chúng ta phải nhớ rằng mọi khoảnh khắc tự mãn có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc không thể đảo ngược và phải luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ”, Rodong Sinmun, tờ báo của đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, viết.
“(Tất cả) phải thể hiện sự phục tùng tuyệt đối với chỉ thị thống nhất của ủy ban y tế công cộng trung ương tạm thời và các biện pháp của nhà nước”.
Tờ báo khuyến khích người dân không tập trung đông người cả ở trong nhà và ngoài đường cho đến khi “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, công bố cuối tháng trước, được dỡ bỏ. Tờ báo cũng kêu gọi cách ly nghiêm ngặt không chỉ đối với người dân, mà còn hàng hóa nhập khẩu như nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Các quan chức y tế Triều Tiên họp bàn hôm 12/2 để công bố biện pháp khẩn nhằm kéo dài thời gian cách ly với người nghi nhiễm virus corona từ 15 lên 30 ngày. Ảnh: Yonhap. |
Bình Nhưỡng đã bắt đầu phòng dịch ngay sau khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được thông báo ở thành phố Vũ Hán hồi cuối tháng 12.
Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với Trung Quốc, tăng gấp đôi thời gian cách ly, tức một tháng đối với người trở về từ nước ngoài và hủy bỏ sự kiện marathon quốc tế lớn dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4.
Tuy vậy, giới quan sát vẫn bày tỏ lo ngại vì Triều Tiên có chung đường biên giới dài với Trung Quốc. Nước này cũng thiếu nguồn cung vật tư y tế và cơ sở hạ tầng để xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, bài báo cũng kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh nước này bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chẳng hạn, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế nước này trở nên yếu kém.
Các chuyên gia cho biết việc kiểm soát biên giới và các biện pháp trên có thể gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đã mong manh của Bình Nhưỡng qua việc gián đoạn giao thương với Trung Quốc.