Ở Iran, sự gia tăng đột biến của các ca lây nhiễm virus corona đã khiến người ta lo ngại về một bệnh truyền nhiễm trên khắp Trung Đông.
Tại Italy, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các quan chức đang gắng sức ngăn chặn dịch bệnh khỏi làm tê liệt trung tâm thương mại Milan của Italy.
Tại New York, London và Tokyo, thị trường tài chính lao dốc vì lo ngại virus sẽ làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Theo New York Times, từ châu Á, châu Âu đến Bắc Mỹ, sự lây lan của virus corona đang tăng tốc, gây căng thẳng cho một thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng bởi các cuộc chiến thương mại, chính trị dân túy và xung đột giáo phái.
Virus đang gây ảnh hưởng đến các xã hội mở và khép kín, chuyên chế và dân chủ, các nước phát triển và các khu vực chiến tranh như nhau. Điều đó làm cho nhiệm vụ kiềm chế nó thậm chí còn nan giải hơn.
Thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn
Sự nổi lên của Italy, Iran và Hàn Quốc như điểm nóng mới của dịch cho thấy sự thiếu phối hợp trong chiến lược toàn cầu để chống lại virus corona. Số người nhiễm bệnh ở Mỹ đạt 53 vào ngày 24/2, tăng từ 34 vào ngày 21/2, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC.
Phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới, được gửi đến Trung Quốc để đánh giá dịch bệnh, cảnh báo hôm 24/2 rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói sự thống nhất trong đối phó với dịch là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại và làm chậm sự bùng phát, mà họ nói không thể dừng lại được nữa.
"Sáu quốc gia mới đã có các trường hợp nhiễm sáng nay", Michael T. Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết.
"Đây là bước ngoặt trong đợt dịch này. Thế giới cần phải nói, 'Chúng ta có thể làm gì để cùng nhau chống lại nó?'".
Trong nhiều tuần, hầu hết sự chú ý của thế giới tập trung vào Trung Quốc, nơi đã phong tỏa hàng chục triệu người để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của các ca nhiễm mới.
Nhưng hôm 24/2, các đợt bùng phát mới hơn ở Hàn Quốc, Italy và Iran là phép thử mới với các nước có hệ thống chính trị khác nhau, với các hạ tầng y tế rất khác.
Chính quyền đã khử trùng khu vực xung quanh tòa nhà Shincheonji ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tại Iran, chính quyền đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm văn hóa trên khắp 14 tỉnh để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Các quan chức Iran cho biết 61 người đã bị nhiễm bệnh, với 12 người khác tử vong. Nhưng các nhà phê bình cho rằng số người chết cao hơn nhiều.
Các thông tin này đã báo động các nước láng giềng của Iran, một số có đường biên giới dài, được kiểm soát lỏng lẻo với nước này.
Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời đóng cửa biên giới với Iran vào ngày 23/2. Afghanistan, nơi báo cáo trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên hôm 24/2, đã cấm tất cả chuyến du lịch đến đất nước này, ngoại trừ các nhu cầu nhân đạo thiết yếu.
Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm virus corona, một số liên quan đến Iran, đang nổi lên ở những nơi khác trong khu vực: ở Iraq, Lebanon, Israel, Ai Cập, Kuwait và Oman. Các nhà quan sát lo ngại một số nơi có thể che giấu thông tin dẫn đến phản ứng yếu kém tương tự Iran.
"Các quốc gia có thể bắt đầu giấu giếm các ca bệnh để không giống như một thảm kịch khủng khiếp đã tấn công họ hoặc họ không muốn bị buộc tội gây ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới", tiến sĩ Osterholm nói.
Kiểm soát đi lại gần như vô dụng
Đến lúc nào đó, sự lây lan của virus sẽ trở nên phổ biến đến nỗi nguồn gốc ban đầu của nó sẽ không còn được quan tâm nữa.
Tuy nhiên, hiện tại, người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài vẫn gặp phải sự nghi ngờ và thậm chí là thù địch. Ở Hàn Quốc, điểm đến phổ biến với khách du lịch Trung Quốc, một số cửa hàng đã bắt đầu đăng những tấm biển có nội dung: "Không nhận người Trung Quốc".
Tới sáng 26/2, Hàn Quốc, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc đã có 1.146 ca nhiễm và 12 trường hợp tử vong.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đưa đất nước vào tình trạng báo động cao nhất có thể, mở đường cho chính phủ phong tỏa các thành phố và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác.
Quét nhiệt nhằm phát hiện virus corona đang trở nên phổ biến tại các sân bay. Ảnh: AFP. |
Tại Italy, các nhà chức trách đã cách ly hơn 50.000 người tại 11 thị trấn tập trung ở khu vực phía bắc vùng Lombardy, một phần trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan sang Milan, nơi một ổ dịch có thể làm tê liệt nền kinh tế Italy. Italy đã báo cáo ít nhất 11 ca tử vong.
Tại Brussels, các quan chức của Liên minh châu Âu cho biết họ liên lạc thường xuyên với chính phủ Italy, trong khi các nước láng giềng hùng mạnh như Đức và Pháp chủ yếu cam kết giữ cho biên giới của họ mở.
Các quan chức châu Âu cho biết họ không khuyên các thành viên thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới ở khu vực Schengen, nơi cho phép khách du lịch đi qua biên giới mà không cần kiểm tra hộ chiếu.
"Bất kỳ quyết định nào được đưa ra cần phải dựa trên đánh giá rủi ro và tư vấn khoa học, và cần phải cân xứng", Stella Kyriakides, thành viên ủy ban bảo vệ sức khỏe và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu, cho biết.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng, hiện tại, W.H.O. không khuyên thay đổi hoặc áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại hoặc giao dịch".
Tuy nhiên, có một sự cảnh giác cao độ. Hôm 23/2, Áo đã giữ một chuyến tàu ở biên giới Italy trong bối cảnh nghi ngờ rằng hai trong số 300 hành khách từ Venice có virus. Tàu được phép đi qua Áo sau khi hành khách thử nghiệm âm tính.
Hôm 24/2, nhà chức trách ở Lyon, Pháp, đã chặn một chiếc xe buýt từ Milan và giữ các hành khách bên trong sau khi nghi ngờ một trường hợp trên tàu nhiễm bệnh. Hành khách trên chuyến bay Alitalia từ Rome đến Mauritius đã quyết định trở về nhà sau khi được thông báo họ sẽ phải đi kiểm dịch.
Lễ hội Venice đầy màu sắc đã bị cắt ngắn do lo sợ virus corona. Ảnh: Reuters. |
Ở giai đoạn này trong cuộc khủng hoảng, các chuyên gia cho biết, đóng cửa biên giới là phương án hầu như vô ích. Trong nhiều trường hợp, virus đã được mang vào một quốc gia trước khi biên giới bị phong tỏa. Và việc phát hiện khó khăn hơn vì virus đang được truyền từ những người có triệu chứng tối thiểu hoặc thậm chí không có triệu chứng.
"Mọi người luôn tìm cách di chuyển. Ngay cả trước khi phong tỏa ở Trung Quốc, ba triệu người đã chuyển đi", giáo sư Devi Sridhar, Giám đốc chương trình quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết.
Không hệ thống nào hoạt động đủ nhanh
Tiến sĩ Sridhar cho biết cần chú trọng vào các chiến dịch tiêm chủng và trang bị cho các trung tâm y tế các thiết bị hô hấp đầy đủ. Bà cũng cho biết các bệnh viện cần có biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bà cho rằng châu Âu đang ở vị thế tốt hơn để chống lại virus corona so với các nơi khác trên thế giới vì nó có hệ thống báo cáo đáng tin cậy và mức độ tin cậy khá cao giữa công chúng và cơ quan y tế.
Tuy nhiên, ngay cả ở châu Âu, có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự thiếu phối hợp. Khi người Italy chuyển sang chế độ khủng hoảng vào cuối tuần qua, các quan chức ở Brussels đã vật lộn để thuyết phục các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu chia sẻ thông tin nhanh chóng và phối hợp về cách đối phó với dịch bệnh.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã chịu chỉ trích vì giấu giếm và phản ứng ban đầu chậm sau khi dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói rằng ngay khi nhận thức được mối đe dọa, Trung Quốc đã hành động quyết đoán.
Với sự lây lan nhanh chóng của virus, Tiến sĩ Aylward cảnh báo rằng các quốc gia khác cũng sẽ cần phải phản ứng nhanh chóng và tích cực. "Chúng ta phải xem xét tất cả các hệ thống của mình vì không cái nào trong số đó hoạt động đủ nhanh", ông nói.