Khi đại dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2003, nền kinh tế thế giới hầu như không bị ảnh hưởng gì. Nhưng 2 thập kỷ sau, khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã tạo nên một cơn sốt, đe dọa nền kinh tế thế giới bởi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc, Wall Street Journal cho biết.
Tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng mạnh mẽ của Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và xa hơn thế nữa. Các nhà sản xuất trên thế giới bị ràng buộc vào Trung Quốc bởi các liên kết trong chuỗi cung ứng, phụ thuộc vào các nhà máy ở đất nước sản xuất nhiều hàng hóa trung gian và thành phẩm nhất thế giới.
Sự kiện "thiên nga đen"
Khi virus corona đang lan rộng ra khỏi điểm khởi phát ở Trung Quốc, các công ty đang chuẩn bị cho sự suy giảm lợi nhuận khi nhu cầu sụt giảm và sản xuất gián đoạn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các nhà điều hành phải đối mặt với nhiều tuần không chắc chắn về việc có bao nhiêu người sẽ nhiễm virus trên toàn thế giới và tác động của nó là gì. Daniel Zhang, CEO của tập đoàn Alibaba, mô tả sự bùng phát của virus corona là một sự kiện “thiên nga đen” có thể làm "trật bánh" nền kinh tế toàn cầu.
Sự bùng phát của virus corona được ví von như sự kiện thiên nga đen với kinh tế thế giới. Đồ họa: CFI. |
"Sự kiện thiên nga đen" là một phép ẩn dụ, mô tả một sự kiện gây bất ngờ, có ảnh hưởng rất tiêu cực, hoặc xảy ra rất khó đoán. Nói cách khác, các "sự kiện thiên nga đen" là những sự kiện bất ngờ và không thể biết được.
Thuật ngữ này dựa trên một câu nói cổ xưa, rằng thiên nga đen được cho là không tồn tại - một câu nói đã được giải thích lại để dạy một bài học khác, sau khi thiên nga đen được phát hiện trong tự nhiên.
Thuật ngữ thiên nga đen được phát triển bởi Nassim Nicholas Taleb, sinh năm 1960, một nhà phân tích tài chính gốc Lebanon, từng làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall.
Taled đã phác thảo 3 thuộc tính xác định cho một sự kiện thiên nga đen. Đầu tiên, đó là một sự kiện không thể đoán trước được. Thứ hai, sự kiện thiên nga đen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và lan rộng. Thứ ba, sau khi xảy ra, mọi người sẽ hợp lý hóa sự kiện này như đã được dự đoán trước.
Nó được sử dụng để giải thích vai trò không cân xứng của các sự kiện lớn, khó dự đoán và hiếm gặp, nằm ngoại phạm vi của những kỳ vọng thông thường trong lịch sử, khoa học, tài chính và công nghệ.
Các sự kiện thiên nga đen đã được Taleb giải thích trong cuốn sách Fooled by Randomness (Đánh lừa bởi tính ngẫu nhiên), xuất bản năm 2001, liên quan đến các sự kiện tài chính. Năm 2007, ông xuất bản thêm cuốn sách The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable (Thiên Nga đen: Ảnh hưởng của sự không chắc chắn), mở rộng phép ẩn dụ cho các sự kiện ngoài lĩnh vực tài chính.
Hàng không tê liệt, sản xuất điêu đứng
Virus corona đã khiến 21 hãng hàng không hủy chuyến bay đến Trung Quốc. Theo công ty phân tích và dữ liệu du lịch Cirium, hơn 85.000 chuyến bay đến Trung Quốc đã bị hủy trong 3 tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát dẫn đến đóng cửa sân bay Vũ Hán vào ngày 23/1.
British Airways đã hủy các chuyến bay hàng ngày đến Bắc Kinh, Thượng Hải. Hãng hàng không này sẽ mất khoảng 24.000 khách dự kiến bay trong tháng 2, nếu việc đình chỉ kéo dài đến tháng 3, con số này có thể tăng gấp đôi.
Công nghiệp ôtô và nhiều lĩnh vực sản xuất, du lịch, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của virus corona. Ảnh: Reuters. |
Cathay Pacific, có trụ sở tại Hong Kong là một trong những hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 90% các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục bị hủy bỏ. Hãng đã yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ phép không lương để giúp hãng duy trì hoạt động.
Asian Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 Hàn Quốc đã đưa 10.500 nhân viên của hãng vào làm việc so le theo ca và nghỉ 10 ngày không lương từ ngày 26/2.
Theo công ty dữ liệu Dun & Bradstreet, khoảng 5 triệu công ty trên toàn thế giới có nhà cung cấp từ Trung Quốc. Sự bùng phát của virus corona xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với các nhà sản xuất ôtô.
Honda đã hoãn mở lại nhà máy ở Vũ Hán thêm một tuần nữa. Hyundai Motor sau khi đóng cửa một số nhà máy ở Trung Quốc, trong tháng này đã đình chỉ một trong những dây chuyền lắp ráp chính của hãng tại Ulsan, một thành phố lớn của Hàn Quốc, vì không thể có được các linh kiện từ Trung Quốc.
Tại Mỹ, nghiệp đoàn General Motors cảnh báo việc thiếu các bộ phận do Trung Quốc sản xuất có thể làm chậm dây chuyền sản xuất tại các nhà máy xe thể thao đa dụng ở Michigan và Texas.
Tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất nước Mỹ cho biết đang nghiên cứu các giải pháp để giảm thiểu rủi ro. Nhưng ở những nơi xa xôi khác, điều tương tự vẫn đang xảy ra. Mostafiz Uddin, một nhà sản xuất đồ jean ở Chittagong, phía đông nam Bangladesh, cho biết không thể thực hiện đơn hàng 100.000 chiếc quần jean vì thiếu vải từ Trung Quốc.
Hơn 85.000 chuyến bay đến Trung Quốc đã bị hủy kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Một tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, các nhà máy ở Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ, dù đã qua thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thông thường của họ. Một số nhà máy đang nối lại sản xuất và các nhà kinh tế cảnh báo, việc Trung Quốc dừng sản xuất có thể làm tê liệt sản xuất toàn cầu và thế giới sẽ mất tới gần 1.000 tỷ USD.
Các nhà sản xuất điện tử lớn phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc cũng giảm sản lượng vì sự bùng phát virus ở Trung Quốc. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc dự kiến giảm 7% trong quý I, theo ông Taro Saito, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết.
Nitendo, nhà sản xuất video game lớn nhất thế giới, cho biết lô hàng máy chơi game Switch hàng đầu của hãng bị trì hoãn vì không thể có được linh kiện từ Trung Quốc.
Theo ước tính của Viện McKinsey toàn cầu, Trung Quốc hiện chiếm hơn một phần ba tăng trưởng GDP của thế giới, tăng từ khoảng 3% vào năm 2000. Từ năm 2000-2017, mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc của nền kinh tế thế giới đã tăng gấp 3 lần.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2000, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% thương mại toàn cầu, nhưng đã tăng lên một phần ba vào năm 2018. Ở châu Á, sự phụ thuộc vào Trung Quốc tăng từ 16% lên 41% trong giai đoạn này, theo Ngân hàng Thế giới.
Tác động tiêu cực được cảm nhận từ khắp mọi nơi. Apple cho biết không thể đáp ứng doanh thu trong quý I, khi các nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch bệnh. Tại châu Âu, các nhà khai thác tàu container đang chuẩn bị cho việc giảm lợi nhuận, khi hàng chục chuyến tàu biển ra khỏi Trung Quốc bị hủy bỏ.
Hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi ngành công nghiệp trị giá 297 tỷ USD vốn phụ thuộc nhiều vào sức mua của người Trung Quốc. Nhưng khi họ không thể đi du lịch và mua sắm vì virus, các thương hiệu thời trang lớn bắt đầu ảnh hưởng.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm ngày 24/2 - ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong hai năm - do giới đầu tư lo ngại virus lây lan toàn cầu. Chỉ số Dow Jones giảm 3,56%, S&P 500 giảm 3,35%, còn Nasdaq giảm 3,71% (giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018). Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ cũng giảm 3,01%.