Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Nga - Ukraine đe dọa dòng chảy thương mại của Trung Quốc

Giới quan sát cảnh báo xung đột Nga - Ukraine sẽ sớm ảnh hưởng đến thương mại của Trung Quốc. Nguyên nhân là nhu cầu nước ngoài sụt giảm và chi phí nhập khẩu tăng cao.

Theo CNBC, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Nguyên nhân là người tiêu dùng tiêu thụ nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn trước. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra xung đột Nga - Ukraine sẽ thay đổi điều này.

Theo ước tính của ANZ Research, thặng dư thương mại của đất nước 1,4 tỷ dân có thể giảm khoảng 35% từ 676 tỷ USD vào năm ngoái xuống còn 238 tỷ USD trong năm nay.

"Cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm gây sức ép lên thương mại của Trung Quốc. Nguyên nhân là nhu cầu nước ngoài sụt giảm và chi phí nhập khẩu tăng cao", ông Julian Evans-Pritchard - nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics - giải thích.

Kinh te Trung Quoc anh 1

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters.

Ảnh hưởng xuất khẩu

Theo nhà kinh tế cấp cao Betty Wang của ANZ Research, xung đột Nga - Ukraine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu, nhất là ở châu Âu, sụt giảm nghiêm trọng.

Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia châu Á. Theo ANZ Research, xuất khẩu sang EU đã tăng vọt vào năm ngoái, chiếm tới 16% trong 30% tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.

"Dựa trên các thống kê, tăng trưởng kinh tế của EU có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc", ông Wang chia sẻ. Theo ông, tăng trưởng GDP của EU giảm 1 điểm phần trăm, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ lao dốc 0,3 điểm phần trăm.

Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể khiến tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn càng trầm trọng. Xung đột cũng giáng "đòn chí mạng" vào chuỗi cung ứng vốn đang lao đao.

Dựa trên các thống kê, tăng trưởng kinh tế của EU có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc

Nhà kinh tế cấp cao Betty Wang của ANZ Research

ANZ Research cảnh báo xung đột khiến nguồn cung chip toàn cầu càng trở nên khan hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc cần chip để chế tạo các mặt hàng điện tử xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng điện tử đóng góp 17,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng xuất khẩu 30% của Trung Quốc trong năm 2021, theo tính toán của ANZ Research.

Cả Nga và Ukraine đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo báo cáo của TS Lombard, Trung Quốc nằm trong số các thị trường mới nổi dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa do chiến tranh. Đặc biệt, đất nước được coi là "công xưởng thế giới" rất dễ tổn thương với sự gián đoạn nguồn cung nickel.

Hôm 8/3, trong vỏn vẹn 18 phút, giá nickel trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng dựng đứng từ hơn 50.000 USD lên 100.000 USD/tấn, khiến thị trường kim loại thế giới chao đảo.

Đà tăng đã đẩy ngành kim loại vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều và khiến LME phải ngừng giao dịch lần đầu tiên sau ba thập kỷ.

Bloomberg nhận định đây là sự gián đoạn ở quy mô thị trường, lần đầu tiên kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. Tất cả nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng khi một trong những nhà xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới bị loại bỏ khỏi thị trường.

Chi phí tăng cao

Nga là nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới. Nickel cũng là nguyên liệu chính trong pin xe điện, còn Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất trên toàn cầu.

Theo Nikkei Asian Review, xe điện mà Trung Quốc xuất khẩu sang các nước khác đã tăng gấp 2,6 lần lên gần 500.000 chiếc vào năm ngoái, nhiều hơn mọi quốc gia trên thế giới.

Một tính toán chỉ ra xe điện do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 44% lượng xe điện được sản xuất từ ​​năm 2010 đến năm 2020.

Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đẩy giá dầu tăng phi mã. Điều này tác động tiêu cực đến Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Theo nhà kinh tế Nathan Chow và Samuel Tse của ngân hàng Singapore DBS, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 423 tỷ USD sản phẩm năng lượng vào năm ngoái. Trong đó, 253 tỷ USD là dầu thô.

Kinh te Trung Quoc anh 2

Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - có thể chịu tác động lớn khi giá dầu tăng cao. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà kinh tế, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ bị cắt giảm 0,8% nếu giá dầu trung bình tăng từ 71 USD/thùng lên 110 USD/thùng trong năm nay.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể giảm thiểu những tác động kinh tế nhờ vào Nga. "Trung Quốc có khả năng bù đắp một phần nhờ vào nhập khẩu năng lượng từ Nga với giá rẻ hơn", các nhà kinh tế của DBS viết.

“Rõ ràng là Trung Quốc và Tổng thống Nga Putin đều hưởng lợi khi hợp tác chặt chẽ với nhau”, ông Holger Schmieding - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg - nhận định trong một báo cáo hồi đầu tháng 3. "Trung Quốc muốn gây ra các vấn đề cho phương Tây và không ngại biến Nga thành đối tác tốt, phụ thuộc vào mình", ông bình luận.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng cho tương lai của kinh tế Nga. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga, chỉ sau EU. Ở chiều ngược lại, nước này cũng có thể tận dụng lợi thế của mình để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác của Nga với giá rẻ, giống như những gì Bắc Kinh từng làm với Iran.

Làn sóng Covid-19 không phải trở ngại duy nhất của kinh tế Trung Quốc

Chiến lược "Zero-Covid" của Bắc Kinh có thể tác động tới sức mạnh chi tiêu của thị trường 1,4 tỷ dân. Nhưng đó không phải trở ngại duy nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Chiến lược 'Zero-Covid' của Trung Quốc gây sức ép lên giá dầu

Thành phố Thâm Quyến 17 triệu dân bị phong tỏa, trong khi tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Thượng Hải giảm đáng kể. Cách chống dịch của Bắc Kinh có thể khiến nhu cầu dầu lao dốc.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm