Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng Covid-19 không phải trở ngại duy nhất của kinh tế Trung Quốc

Chiến lược "Zero-Covid" của Bắc Kinh có thể tác động tới sức mạnh chi tiêu của thị trường 1,4 tỷ dân. Nhưng đó không phải trở ngại duy nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Theo CNBC, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể hủy hoại nhu cầu tại đất nước 1,4 tỷ dân. Những nhà máy trên khắp đất nước cũng chật vật tìm cách duy trì hoạt động.

"Làn sóng Omicron có thể tạo ra tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc tương tự cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm ngoái", bà Dan Wang - nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China - nhận định.

Bà đề cập đến việc cắt điện đột ngột ở các nhà máy, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại đất nước được coi là "công xưởng của thế giới".

Tuy nhiên, trong đợt bùng phát này, bà Wang cho rằng các nhà máy sẽ bị ảnh hưởng khoảng 2 tuần, ngắn hơn so với hồi đầu năm 2022.

"Nếu việc này tái diễn nhiều lần, nó có khả năng gây ra tác động lâu dài. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc có thể không chịu nhiều ảnh hưởng nếu làn sóng dịch bệnh được kiểm soát trong tháng này", vị chuyên gia dự báo.

Kinh te Trung Quoc anh 1

Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới. Ảnh: Reuters.

Tàn phá nhu cầu

Sau khi tạm dừng các hoạt động tại địa phương vào đầu tuần, nhà cung cấp Foxconn của Apple cho biết đã nối lại một phần hoạt động sản xuất ở Thâm Quyến.

Hôm 16/3, gã khổng lồ vận tải biển Maersk cho biết các nhà ga ở những cảng lớn của Trung Quốc “vẫn hoạt động như bình thường, bao gồm các hoạt động của tàu, xếp dỡ tại bãi và cổng ra vào". Tuy nhiên, công ty lưu ý rằng một số kho trung chuyển hàng ở Thâm Quyến còn đóng cửa.

Theo Maersk, các yêu cầu gắt gao đối với tài xế xe tải, cùng với việc kiểm soát đường bộ chặt chẽ hơn tại những cửa ngõ ra vào Thâm Quyến, có thể khiến dịch vụ vận tải đường bộ trong khu vực "bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới 30%".

Phân tích từ Bank of America Securities hồi đầu tuần này cũng chỉ ra tác động của làn sóng Covid-19 đối với chuỗi cung ứng, bao gồm ôtô và chất bán dẫn.

Theo ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại China Renaissance, làn sóng dịch bệnh mới có thể không tạo ra những cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng, nhưng sẽ giáng đòn vào chi tiêu của người tiêu dùng và ngành dịch vụ.

Kinh te Trung Quoc anh 2

Làn sóng Covid-19 có thể làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Ảnh: Reuters.

"Không chỉ tác động vào ngành dịch vụ, nhất là các nhà hàng, dịch Covid-19 còn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Họ không biết bao giờ dịch bệnh kết thúc và sẽ chi tiêu dè sẻn hơn", ông Pang bình luận. Ông dự báo doanh số bán lẻ trong năm nay chỉ tăng 7%.

Hôm 16/3, Trung Quốc đã bổ sung 3 quận có nguy cơ cao, nâng tổng số lên 23 quận, theo truyền thông địa phương.

Chi tiêu lao dốc và các tác động từ Covid-19 chỉ là một khía cạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới đã giảm tốc tăng trưởng từ trước làn sóng Omicron.

Nguyên nhân là lĩnh vực bất động sản lao dốc sau khi chính quyền Bắc Kinh tìm cách hạ nhiệt và giảm đòn bẩy trong ngành công nghiệp này. Cùng với đó là giá hàng hóa leo thang bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.

Mất đà tăng trưởng

“Các nhà máy đang đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, không chỉ bởi Covid-19", bà Wang tại Hang Seng China bình luận. Theo bà, nhiều nhà máy đã dừng hoạt động từ trước đợt bùng dịch gần nhất. Họ khó duy trì hoạt động do chi phí nguyên liệu thô tăng vọt và việc kiểm soát giá đối với những sản phẩm cuối cùng như thực phẩm và khí đốt.

Chi phí sản xuất tăng vọt, nhưng các công ty không thể chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng. Điều này có thể làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận.

Reuters đưa tin Tesla đã ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải hôm 16 và 17/3. Hãng xe điện Mỹ không đưa ra lý do cụ thể. Tuần này, CEO Elon Musk đã cảnh báo trong một tweet rằng gần đây, “Tesla & SpaceX đang chứng kiến ​​áp lực lạm phát tăng đáng kể đối với nguyên liệu thô và chi phí hậu cần”.

Các nhà máy đang đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, không chỉ bởi Covid-19

Bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China

Nomura Holdings Inc. cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt bởi chiến lược Zero-Covid. Ngân hàng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với các dự báo của những tổ chức khác.

Theo các dữ liệu chính thức được công bố hôm 15/3, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1 và tháng 2. Nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo đà phục hồi sẽ không kéo dài.

Theo người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Fu Linghui, các biện pháp phong tỏa, áp lực từ chi phí tăng cao và khả năng gián đoạn có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Theo ông Louis Kuijs - nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, đến nay, chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc vẫn chưa dẫn tới những sự gián đoạn kinh tế lớn. "Nhưng các hạn chế đang khiến nền kinh tế trở nên rất dễ tổn thương, bởi biến thể Omicron dễ lây lan hơn", ông cảnh báo.

"Trên toàn cầu, tác động kinh tế của Covid-19 đang giảm dần, bởi các chính phủ đã nới lỏng hạn chế, nhiều nước áp dụng chiến lược 'sống chung với virus'", ông Kuijs bình luận.

"Nhưng riêng với Trung Quốc, Omicron là thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhu cầu nội địa, sản lượng và thậm chí là chuỗi cung ứng", ông nói thêm.

Chiến lược 'Zero-Covid' của Trung Quốc gây sức ép lên giá dầu

Thành phố Thâm Quyến 17 triệu dân bị phong tỏa, trong khi tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Thượng Hải giảm đáng kể. Cách chống dịch của Bắc Kinh có thể khiến nhu cầu dầu lao dốc.

Triển vọng kinh tế suy yếu, Trung Quốc khó giúp đỡ Nga

Moscow kỳ vọng nhận được sự giúp đỡ của Bắc Kinh sau khi bị phương Tây "tẩy chay". Nhưng bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm