Theo Bloomberg, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Thượng Hải đã giảm hơn 1/3 so với một năm trước đó. Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm về 0) của chính quyền Bắc Kinh và các hạn chế nghiêm ngặt tác động mạnh đến nhu cầu dầu.
Các lệnh phong tỏa khiến số người ra đường giảm mạnh, không chỉ ở những thành phố bị áp đặt lệnh cấm mà còn tại các thành phố khác. Mọi người không muốn ra đường vì lo ngại virus.
Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt.
Thành phố Thâm Quyến 17 triệu dân bị phong tỏa, trong khi tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Thượng Hải đã giảm hơn 1/3 so với một năm trước đó. Ảnh: Reuters. |
Nhu cầu lao dốc
Hôm 14/3, 24 triệu dân của tỉnh Cát Lâm được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Thượng Hải cũng đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe buýt liên tỉnh. Tính đến ngày 15/3, ít nhất 13 thành phố trên cả nước bị phong tỏa.
Các lệnh phong tỏa đã tác động lớn tới nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nhu cầu sụt giảm ở đất nước 1,4 tỷ dân khiến thị trường dầu thế giới hạ nhiệt. Giá dầu quay đầu giảm mạnh sau khi tăng phi mã vì xung đột giữa Nga và Ukraine.
"Thị trường dầu lao dốc sau khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid và đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) giải thích với Zing.
Theo giới quan sát, nếu Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực hơn, tác động đối với nhu cầu dầu toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa.
Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giá dầu thậm chí có thể rơi xuống 80 USD/thùng
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda
"Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giá dầu thậm chí có thể rơi xuống 80 USD/thùng", ông Moya cảnh báo.
Theo dữ liệu của Trading Economics, tính đến 22h ngày 16/3 (theo giờ Việt Nam), dầu thô WTI và dầu thô Brent đều được giao dịch dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
Cụ thể, giá dầu WTI ở mức 95,68 USD/thùng, giảm 0,82% so với 24 giờ trước đó. Còn giá dầu Brent chứng kiến mức giảm 1,38% còn 98,55 USD/thùng.
"Các lệnh phong tỏa quy mô rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân trong những tuần tới", hãng tư vấn Energy Aspects Ltd. bình luận. Theo công ty này, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể giảm còn 170.000 thùng/ngày trong quý I/2022 và 130.000 thùng/ngày vào quý II.
S&P Global Commodity Insights đã hạ dự báo tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc xuống còn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tức giảm 600.000 thùng/ngày.
Tác động tới giá dầu
"Việc điều chỉnh giảm là do những tác động của các đợt bùng phát dịch gần đây đối với hoạt động di chuyển, sự giảm tốc của các hoạt động sản xuất và xây dựng", nhà phân tích thị trường dầu mỏ Trung Quốc Fenglei Shi giải thích.
Trong quá khứ, thị trường dầu từng lao dốc mạnh do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trên toàn thế giới. Vào ngày 20/4/2020, ngay cả những nhà giao dịch lâu năm cũng không thể tin vào mắt mình. Giá dầu thô WTI giảm xuống âm 40 USD/thùng.
Các lệnh hạn chế di chuyển nhằm chống dịch khiến ở nhiều nơi, dầu được coi như "phế phẩm". Người ta phải trả tiền để cất giữ hoặc vận chuyển dầu.
Đó là lần sụt giảm mạnh chưa từng có của ngành công nghiệp dầu. Hàng chục nghìn công nhân dầu mỏ bị mất việc làm. Ngay cả gã khổng lồ Exxon Mobil cũng buộc phải cắt giảm sâu các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng.
Ở thời điểm hiện tại, khi các nước trên thế giới tìm cách "sống chung với virus", kịch bản trên khó lặp lại với thị trường dầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn sẽ bị tác động đáng kể bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn.
Các lệnh phong tỏa có thể khiến nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân giảm mạnh. Ảnh: Reuters. |
Ngoài việc người tiêu dùng Trung Quốc ra đường ít hơn, một số dịch vụ xe buýt liên tỉnh cũng bị tạm dừng. Hoạt động vận tải đường bộ tại các cảng đình trệ.
Cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến - thành phố vừa bị áp lệnh phong tỏa - là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Mỗi tháng, cảng xử lý khoảng 10% lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc.
Theo Bloomberg Economics, vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trị giá 795 tỷ USD của Quảng Đông chiếm 23% số lô hàng của Trung Quốc trong năm đó, lớn hơn tất cả tỉnh còn lại. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đã đạt 303 tỷ USD.
"Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ dầu lớn. Các lệnh phong tỏa của nước này sẽ làm giảm nhu cầu, từ đó tạo nên sự mất cân bằng trên thị trường", chuyên gia tài chính Craig Erlam bình luận.
Theo hãng tư vấn JLC, riêng tại tỉnh Sơn Đông, nơi có nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc, một số nhà máy có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế mới được áp dụng.