Theo dữ liệu của Trading Economics, tính đến 14h ngày 16/3 (theo giờ Việt Nam), dầu thô WTI đang được giao dịch dưới ngưỡng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu ở mức 98,3 USD/thùng, sụt giảm 9,55% so với một tuần trước đó.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent ở mức 102 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 7,75% so với 7 ngày trước đó.
"Thị trường dầu lao dốc sau khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) và đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) giải thích với Zing.
Giá dầu WTI giảm mạnh so với một tuần trước đó. Ảnh: Trading Economics. |
Giảm bớt tâm lý lo ngại trên thị trường
Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt. Điều này có thể đè nặng lên giá dầu, vốn đã tăng phi mã trong những tuần qua bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, theo chuyên gia Moya, kỳ vọng về việc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng giảm xuống. "Các nhà lãnh đạo Đông Âu thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với nền độc lập của Ukraine", ông lập luận.
Vào ngày 15/3, Thủ tướng Cộng hòa Czech và Slovenia cùng Thủ tướng Ba Lan, Phó thủ tướng Ba Lan đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kyiv.
Theo AFP, đây là chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới thủ đô của Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2.
Trong bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh phải chấm dứt thảm kịch đang diễn ra ở phía đông càng nhanh càng tốt.
Giá dầu đã giảm mạnh. Nguyên nhân là các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine làm giảm bớt tâm lý lo ngại trên thị trường
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London)
Ông khẳng định Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa đã đến Kyiv với tư cách "đại diện" của EU.
"Giá dầu đã giảm mạnh. Nguyên nhân là các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine làm giảm bớt tâm lý lo ngại trên thị trường. Những cuộc đối thoại này còn xoa dịu nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung hàng hóa", chuyên gia tài chính Craig Erlam (Anh) bình luận với Zing.
Theo chuyên gia Moya tại Oanda, các quốc gia như Ấn Độ cũng tăng mua dầu của Nga với giá rẻ. Cụ thể, hôm 14/3, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết đang đàm phán với Nga về tăng nhập dầu, nhằm kiềm chế giá cả trong nước.
Ấn Độ hiện nhập khẩu 80% lượng dầu tiêu thụ, 3% trong số đó đến từ Nga. Cuối tuần trước, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết kim ngạch nhập khẩu dầu khí của Ấn Độ từ Nga là khoảng 1 tỷ USD.
Theo Reuters, các quan chức Ấn Độ cũng đang thảo luận với Nga về việc nhập khẩu dầu giá rẻ hơn.
Trước đó, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này. Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể cản trở giao dịch, việc tìm kiếm những tàu chở dầu đi tới các cảng biển của Nga cũng khó khăn.
Vì thế, các nhà đầu tư định giá dầu như thể nguồn cung dầu của Nga bị loại bỏ. Nguồn cung thu hẹp dẫn đến giá tăng cao.
Nhu cầu lao dốc
"Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung dầu biến mất phần nào bởi Nga vẫn có thể bán dầu ra thị trường. Thêm vào đó, kịch bản nhu cầu bị phá hủy cũng trở thành hiện thực", ông Moya phân tích, đề cập đến các lệnh phong tỏa của đất nước 1,4 tỷ dân.
"Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giá dầu thậm chí có thể rơi xuống 80 USD/thùng", ông Moya cảnh báo.
Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần.
Hôm 14/3, 24 triệu dân của tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Tính đến ngày 15/3, ít nhất 13 thành phố trên cả nước đã bị phong tỏa.
Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến khi những trung tâm kinh tế khác đang tìm cách ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan. Thượng Hải cũng đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe buýt liên tỉnh.
Các lệnh phong tỏa của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về việc nhu cầu sụt giảm mạnh. Ảnh: Reuters. |
Theo giới quan sát, các lệnh phong tỏa sẽ có tác động lớn đến tiêu dùng, hoạt động di chuyển, sản xuất và vận chuyển tại những thành phố lớn của đất nước 1,4 tỷ dân.
Chẳng hạn, Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Mỗi tháng, cảng xử lý khoảng 10% lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc.
Theo Bloomberg Economics, vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trị giá 795 tỷ USD của Quảng Đông chiếm 23% số lô hàng của Trung Quốc trong năm đó, lớn hơn tất cả tỉnh còn lại. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đã đạt 303 tỷ USD.
"Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ dầu lớn. Các lệnh phong tỏa của nước này sẽ làm giảm nhu cầu, từ đó tạo nên sự mất cân bằng trên thị trường", chuyên gia Erlam giải thích.
Ngoài ra, theo chuyên gia Erlam, thỏa thuận hạt nhân Iran đang đạt được một số tiến bộ. "Điều này sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn tới thỏa thuận và đưa 1,3 triệu thùng dầu/ngày trở lại thị trường", ông nhận xét.