Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xúc cảm đang được đánh giá quá cao

Cảm xúc là một phần, chứ không phải toàn bộ, phương trình cuộc sống.

Vết bỏng khi chạm phải cái bếp nóng dạy ta không được chạm vào nó nữa, nỗi buồn của sự cô đơn dạy ta đừng làm những việc khiến ta phải chịu cô đơn nữa. Các cảm xúc chỉ đơn giản là những dấu hiệu sinh học được thiết lập để thúc bạn theo hướng thay đổi có lợi mà thôi.

Xem này, tôi không có ý xem nhẹ cuộc khủng hoảng tuổi trung niên hay thực tế rằng bạn bị ông bô say xỉn “tịch thu” xe đạp năm 8 tuổi và đến giờ bạn vẫn không thể nguôi ngoai, nhưng khi nhớ đến chúng, nếu bạn cảm thấy dở tệ thì đó là bởi não bộ đang nói với bạn rằng có một vấn đề chưa được xác định hoặc chưa được giải quyết. Nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực chính là lời hiệu triệu để hành động. Khi bạn cảm thấy chúng, là vì bạn cần phải làm điều gì đó. Ngược lại, những cảm xúc tích cực là phần thưởng cho việc bạn đã thực hiện những hành động thích hợp. Khi bạn cảm thấy thế, cuộc đời sẽ trở nên đơn giản và chẳng cần phải làm gì ngoài tận hưởng nó. Và rồi, cũng giống như mọi thứ khác, cảm xúc tích cực biến mất bởi những rắc rối khó tránh lại xuất hiện.

Xuc cam dang duoc danh gia qua cao anh 1

Ảnh: freepik.

Cảm xúc là một phần, chứ không phải toàn bộ, phương trình cuộc sống. Thứ gì đó mang lại cảm giác tốt đẹp không có nghĩa là nó thật sự tốt đẹp. Thứ gì đó có cảm giác tồi tệ không có nghĩa là nó thực sự tồi tệ. Cảm xúc chỉ là những biển chỉ dẫn, những gợi ý mà sinh học thần kinh đem đến cho chúng ta, chứ không phải lời dạy bảo. Do đó, chúng ta không nên lúc nào cũng tin vào những cảm xúc của mình. Thực ra, tôi cho rằng chúng ta nên hình thành thói quen đặt câu hỏi về chúng.

Nhiều người học được cách kìm nén cảm xúc vì những lý do cá nhân, xã hội, hoặc văn hóa - mà thường là những cảm xúc tiêu cực. Buồn thay, khi chối bỏ cảm xúc tiêu cực thì người đó cũng đã chối bỏ cả những điều đến từ hệ thống phản hồi giúp họ giải quyết các rắc rối. Và kết quả là, những người dồn nén cảm xúc ấy đều phải vật lộn với các rắc rối trong suốt cuộc đời họ. Nếu như họ không thể giải quyết được các rắc rối thì họ không thể hạnh phúc. Hãy nhớ rằng: Nỗi đau tồn tại vì một lý do nhất định nào đó.

Nhưng cũng có những người phản ứng quá đà với các cảm xúc của mình. Không có lý do biện minh nào khác ngoài việc họ cảm thấy thế. “Ối, tôi làm vỡ kính chắn gió của anh rồi này, nhưng mà tôi điên thật đấy, tôi chẳng thể làm khác được!” Hay “Tôi bỏ học và tới Alaska chỉ bởi vì tôi thấy cần phải như vậy!” Việc ra quyết định dựa trên cảm tính, không lý trí, thường sẽ rất tệ. Bạn có biết ai hay đưa ra quyết định chỉ dựa trên cảm xúc không? Bọn trẻ con ba tuổi ấy! Và cả lũ cún nữa! Bạn có biết ngoài việc đó ra thì bọn nhóc ba tuổi và lũ cún còn làm gì khác nữa không? Chúng bĩnh ra thảm trải sàn.

Ám ảnh và quá chú trọng vào cảm xúc sẽ không mang lại kết quả tốt, vì các cảm xúc thường không kéo dài mãi. Bất cứ điều gì ngày hôm nay khiến ta thấy hạnh phúc sẽ không làm được như thế vào ngày mai, bởi vì chức năng sinh học của chúng ta luôn đòi hỏi thêm thứ khác nữa. Ám ảnh hạnh phúc chính là không-ngừng-theo-đuổi “một thứ khác” - một ngôi nhà khác, một mối quan hệ khác, một đứa con nữa, một đợt tăng lương khác... Và mặc cho ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, rốt cuộc rồi ta vẫn ngỡ ngàng như lúc mới bắt đầu: không mãn ý toại lòng!

Các nhà tâm lý học đôi khi hay gọi hiện tượng này là “vòng xoáy khoái lạc”: Chúng ta thường nỗ lực thay đổi tình trạng cuộc sống, nhưng thực ra ta không bao giờ thực sự cảm thấy khác biệt.

Đó là lý do vì sao các vấn đề của chúng ta lại tái diễn và không thể tránh khỏi. Người kết hôn với bạn là người luôn cãi vã với bạn. Ngôi nhà bạn mua là ngôi nhà mà bạn cần sửa chữa. Công việc trong mơ là công việc mà bạn sẽ đổ mồ hôi sôi nước mắt vì nó. Mọi thứ đều đi kèm với sự hy sinh tương xứng - bất kỳ thứ gì khiến ta cảm thấy tốt đẹp cũng sẽ khiến ta cảm thấy tồi tệ. Những gì ta đạt được cũng đồng hành với thứ ta mất đi. Những gì mang tới trải nghiệm tích cực cho ta cũng đồng thời tạo ra những trải nghiệm tiêu cực.

Đây chính là liều thuốc đắng mà bạn cần phải uống! Chúng ta yêu thích ý tưởng rằng mình có thể đạt đến một dạng thức hạnh phúc tột bậc nào đó. Chúng ta hào hứng với ý tưởng rằng ta có thể giảm thiểu tất thảy những đau khổ của ta mãi mãi. Chúng ta say mê với cái ý tưởng rằng ta có thể cảm thấy trọn vẹn và mãn nguyện về cuộc đời mình.

Nhưng mà, chúng ta không thể!

Mark Manson / Nhà xuất bản Văn học và Huy Hoàng Books

SÁCH HAY