Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất khẩu nông sản khó khăn không chỉ có dưa hấu

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay cho thấy, nông nghiệp đang đối mặt những khó khăn vô cùng lớn.

Tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ, ông Vinh cho biết, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tăng giá (CPI) tháng 3/2015 tăng 0,93%; bình quân ba tháng đầu năm tăng 0,74%.

“Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2015 tăng thấp, trong đó, lần đầu tiên sau tám năm CPI tháng 1 và tháng 2 (là các tháng trùng với Tết nguyên đán) giảm so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động giảm giá dầu thế giới và nguồn cung dồi dào, trong khi tổng cầu chưa phục hồi hoàn toàn”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (cao nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,35%).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Với nhiều diễn biến thuận lợi và nếu lãi suất, giá dầu, giá lương thực không tăng đột biến, đa số các ý kiến đều cho rằng, nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra: “Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước. Một số chính sách hỗ trợ sản xuât nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... được cho là đúng đắn, kịp thời nhưng triển khai chậm, gặp nhiều vướng mắc gây phiền hà, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân”.

Không chỉ là dưa hấu

“Chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý I năm nay, không chỉ là chuyện dưa hấu như truyền thông đưa lên đâu, mà với tất cả các mặt hàng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, trước đây Ấn Độ, Pakistan không xuất khẩu gạo, giờ họ đã xuất khẩu. Vừa rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, chúng ta cũng đặt vấn đề xuất khẩu gạo, nhưng Thủ tướng Trung Quốc nói rằng, họ cũng đang dư thừa lương thực, sở dĩ mua của Việt Nam một là vì giá gạo Việt Nam rẻ hơn.

“Nhưng Trung Quốc cũng đặt điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ, là phải bán 1.000 tấn gạo trong nước mới được nhập 1.000 tấn gạo bên ngoài”, ông Vinh nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.

Lo cho “mặt trận” nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhắc lại chuyện vừa rồi các mặt hàng dưa hấu, hành tím rớt giá, người dân đổ bỏ, khiến bà con trong nước xót thương phải “tiêu thụ bằng cả tấm lòng”. Bà đề nghị Chính phủ phải báo cáo cụ thể vấn đề này và đưa ra các giải pháp mạnh hơn.

“Đoàn thanh niên Bộ Công Thương mua một vài xe dưa hấu cũng chỉ là tạm thời thôi. Gia đình tôi có mua ủng hộ thì cũng chỉ ăn mỗi bữa một quả thôi chứ không ăn nhiều được”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển lên tiếng.

Theo ông Hiển, nhiệm vụ của nhà nước là phải giúp nông dân sản xuất gắn với thị trường, chứ không thể cứ làm mà không biết bán cho ai.

“Nông nghiệp, nông thôn chúng ta đang rất khó khăn, và nếu cứ tiếp tục như thế này thì thế mạnh của chúng ta như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê… sẽ khó, chứ chưa nói đến các mặt hàng khác. Chúng ta có nguy cơ thua trên sân nhà. Chúng ta ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), rồi chuẩn bị TPP, hội nhập sẽ có rất nhiều thay đổi nhưng giải pháp thế nào thì vẫn chưa rõ”, ông Hiển nói.

Về nông thôn xem dân sống thế nào

“Nông thôn, miền núi bây giờ bức xúc việc làm ghê gắm. Trên Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều chợ lao động của thanh niên người dân tộc. Rất căng thẳng việc làm”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu tình trạng rất đáng báo động.

Ông cho rằng, nếu chúng ta áp dụng chuẩn nghèo đa chiều của quốc tế thì tỷ lệ hộ nghèo chắc chắn là gia tăng rất nhiều. “Thử tính xem hàng năm, Thủ tướng phải ký quyết định xuất gạo cứu đói số lượng bao nhiêu, thì sẽ biết số hộ gia đình cần được cứu trợ”, ông nói.

Vừa đi công tác tại 17 tỉnh, 3 quân khu trở về, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa bình luận rằng: “Muốn biết tình hình kinh tế - xã hội thế nào thì hãy về nông thôn”. Ông Khoa đặt ra câu hỏi: “Khi nào thì hết tình trạng phải bán dưa nhân đạo? Tôi không biết là tới đây hội nhập thì nông nghiệp, nông thôn của chúng ta như thế nào?”.

Có những vụ trưởng “mù” kiến thức quản lý nhà nước

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói rằng, lĩnh vực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, hoạt động của bộ máy nhà nước là vấn đề rất quan trọng, nhưng năm nào báo cáo cũng sơ sài.

“Mấy năm gần đây, tôi đi chấm thi, chấm điểm chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì thấy rằng, có những người là giám đốc, phó giám đốc sở, vụ trưởng, phó chủ tịch tỉnh không viết được gì trong bài thi, còn thi vấn đáp hỏi về kiến thức quản lý nhà nước thì không trả lời được”, ông Quyền cho biết.

Ông bình luận, những vị này mà có lòng tự trọng thì lẽ ra không nên đi thi. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ chất lượng bộ máy, vì con người quyết định tất cả, từ xây dựng chính sách đến thực hiện chính sách.

Bán gạo cho Trung Quốc vẫn gặp khó

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc bán gạo Việt Nam sang Trung Quốc hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dù nước này có nhu cầu nhập khẩu.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150511/xuat-khau-nong-san-kho-khan-khong-chi-co-dua-hau/745527.html

Theo Lê Kiên/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm