Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải cứu nông sản và trả nợ nông dân

Thị trường nông sản gần đây liên tục phát ra thông tin ảm đạm. Dưa hấu miền Trung, hành tím Sóc Trăng tắc đầu ra. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất thế giới.

Gạo ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc. Giá tôm các loại, cá tra tụt dốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong quý I/2015 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Ngành chăn nuôi trong nước đang chịu áp lực lớn trước nhiều sản phẩm ngoại nhập cùng loại, tạo ra cảnh “bò cười, người khóc”. Trong khi hoa kiểng Đà Lạt xuất khẩu, tiêu thụ trong nước khó khăn thì nhiều nơi ồ ạt nhập hoa kiểng ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan.

Nông nghiệp là thế mạnh của nước ta, được xác định trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng “chiếc bánh nông sản” vẫn khó dùng ngay trên quê hương mình.

Nông dân bỏ hành tây ngay trên ruộng.
Nông dân bỏ hành tây ngay trên ruộng.

Làm gì trước thách thức cạnh tranh, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào ngày 31/12/2015, nông sản nước ta chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng khi hội nhập toàn diện, gia nhập TPP?

Để giải cứu nông sản, nhiều hoạt động mang tính nhân văn được phát động, hệ thống chính trị nhiều nơi vào cuộc. Cán bộ công chức Bộ Công Thương đi bán dưa giúp nông dân. UBND tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn, chỉ đạo các sở ngành tiếp sức tiêu thụ một lượng lớn dưa hấu tắc đầu ra.

Nhiều thanh niên trở thành “hiệp sĩ giải cứu dưa hấu”. Ở Sóc Trăng, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các siêu thị cùng tham gia cuộc vận động lớn “Hành tím nghĩa tình”.

Không phải bây giờ, mà “tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung - cầu của nó đã bộc lộ nhiều năm qua, với điệp khúc nông sản “trúng mùa mất giá”.

Nông nghiệp, nông dân gặp khó như hiện nay đã được phản ánh, nhận diện chủ yếu do ba nguyên nhân.

Một là, thời kỳ “hái trái ở cành thấp” trong sản xuất nông nghiệp, với khai thác tài nguyên sẵn có là chủ yếu, đang đi qua, nông sản ngày càng chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt.

Hai là, những yếu kém nội tại của ngành, đặc biệt thiếu tư duy đổi mới trong nông nghiệp - vốn được ca tụng một thời, đang chậm lại, không thấy những đột phá mới như thời của “khoán 10, khoán 100”.

Ba là, kênh tiêu thụ, phân phối, phân khúc thị trường nông sản gặp “vấn đề”. Nhìn tổng thể, các chuỗi giá trị nông sản: lúa gạo, rau màu, trái cây, thủy sản đang “bị chặt ra” thành nhiều khúc, mà phần thiệt thòi nhiều nhất đang thuộc về nông dân.

Để tạo ra nhiều giá trị, lợi nhuận hợp lý cho nông dân, để họ có thể sống được với nghề, làm giàu được bằng nghề nông; phải chuyển được từ “quyết tâm chính trị”, vận động phong trào, hô hào cứu giúp sang giải “bài toán kinh tế”.

Bộ Chính trị vừa có kết luận tiếp tục thực hiện cuộc vận động: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, ghi nhận kết quả nhưng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, yếu kém; trong đó có vấn đề tư duy, nhận thức, cách làm, xác định từng phân khúc thị trường, kết nối cung - cầu.

Chiến lược người Việt dùng hàng Việt sẽ thành công hơn nữa nếu Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nội những việc thiết thực hơn là phong trào.

Hành động nghĩa tình giúp dân “mua dưa, mua hành” là cần thiết trong cơn nguy cấp. Nhưng quan trọng hơn vẫn là cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương liên quan, các giải pháp phải đồng bộ. Từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, để xây dựng và phát triển hình ảnh từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đó là cách “trả nợ nông dân” sòng phẳng và bền vững, lâu dài.

Quảng cáo quán cà phê bằng miễn phí nước ép dưa hấu

Để quảng bá thương hiệu, quán cà phê ở Yên Ninh (Ba Đình, Hà Nội) quyết định miễn phí toàn bộ hoa quả và đồ uống làm từ dưa hấu trong 7 ngày.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150502/giai-cuu-nong-san-va-tra-no-nong-dan/740930.html

Theo Trần Hữu Hiệp/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm