Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất khẩu... nhà lá

Những ngôi nhà lá làm bằng dừa ở rừng dừa Bảy Mẫu của người dân Cẩm Thanh (Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã vào resort, khách sạn 5 sao, thậm chí xuất đi Mỹ, Singapore...

Bao quanh ngôi nhà lá là một vạt dừa nước có diện tích hơn 1 sào đang rì rào theo gió. Ngồi bên hiên, ông Lê Công Thành (77 tuổi, thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh) thoăn thoắt đôi tay nẹp lại những xấp thân dừa Cẩm Thanh thành từng nẹp một cách điêu luyện và đẹp mắt.

“Một sào dừa này ông nội tôi trồng 2.500 cây đã truyền qua ba đời. Tất cả đều nhờ vào một sào dừa này đấy”, ông Thành chia sẻ.

Nhà lá vào resort

Anh Lê Công Thắng (40 tuổi, con ông Thành) kể những năm gần đây, rất nhiều du khách đến tham quan và thích thú với những căn nhà lá. Tình cờ, đại diện một resort có tiếng tại Đà Nẵng lặn lội về Cẩm Thanh gặp anh Thắng, và đưa ra yêu cầu làm một nhà lá nhưng thiết kế theo bar cà phê, bia.

“Tôi gật đầu mà vẫn run, vì phải mò mẫm học đọc bản thiết kế, làm theo thiết kế, có mỹ thuật chứ không đơn giản như nhà ở”, anh Thắng bộc bạch.

Kêu những anh em có tay nghề ở Cẩm Thanh cùng vào làm, căn nhà lá 100m2 được anh cùng “đồng nghiệp” mất 15 ngày để hoàn thành. Căn nhà đẹp, du khách thích thú, vậy là từ đó thương hiệu “nhà lá Cẩm Thanh” xuất hiện ngày một nhiều tại các resort, khách sạn 4-5 sao ở Đà Nẵng rồi Hội An...

Dù đã 77 tuổi nhưng ông Lê Công Thành vẫn rất điệu nghệ trong nghề làm nhà lá của Cẩm Thanh, Hội An.

Dù đã 77 tuổi nhưng ông Lê Công Thành vẫn rất điệu nghệ trong nghề làm nhà lá của Cẩm Thanh, Hội An.

Nhưng chuyến đi xa đầu tiên của nhà lá là lần lên phố núi Buôn Ma Thuột năm vừa rồi. Anh Thắng nhận làm cà phê nhà lá cho một vị khách hàng tại đây, với điều kiện chất liệu phải là dừa Bảy Mẫu, thiết kế theo lối nhà lá Cẩm Thanh.

“Mất gần nửa tháng chuẩn bị tranh tre, dừa, dây mây... xong tôi đánh ba xe tải chở nguyên liệu lên làm. Công trình hoàn thành với giá 80 triệu đồng”, anh Thắng cho hay.

Chính vì nhiều người chuộng nhà lá này mà đời sống của thợ làm nhà lá cũng khấm khá hơn. Theo anh Thắng, mỗi căn nhà lá bình thường giá 50-70 triệu đồng/100m2. Có nhiều căn nhà đòi hỏi cầu kỳ, đẹp có giá đến 200 triệu đồng.

Xuất ngoại

Người đi đầu trong việc đưa nhà lá Hội An ra nước ngoài phải kể đến ông Lê Liều (xã Cẩm Châu, Hội An). Nhớ lại chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhà lá cách đây mấy năm trước, ông Liều vẫn còn không tin đó là sự thật. Lần đó, một hướng dẫn viên du lịch tên Hùng ở Đà Nẵng dẫn theo đoàn du khách đến từ Mỹ tham quan căn nhà lá của ông Liều.

“Họ coi tui biểu diễn làm nhà xong vào nhà ngồi nghỉ và nói nhà này rất mát. Tui giải thích không chỉ mát vào mùa hè mà còn ấm vào mùa đông, vì thân dừa dày vừa cách nhiệt, lại vừa giữ nhiệt rất tốt. Thế là họ liền đặt hàng làm một căn nhà lá 30m2 để mang về nước”, ông Liều kể.

Vị khách người Mỹ về nước, ông Liều lắp ráp, dựng ngôi nhà lá, toàn bộ quá trình hướng dẫn dựng nhà đó được hướng dẫn viên tên Hùng quay phim, ghi hình lại để chuyển sang Mỹ. Nhà lá sau khi lắp ráp được dỡ ra, bó gọn gàng đưa ra cảng và chuyển bằng đường biển qua Mỹ.

“Sau chuyến này, tôi còn xuất thêm hai nhà qua Mỹ, năm ngoái xuất đi Nhật Bản rồi qua Trung Đông”, ông Liều vui vẻ nói.

Cũng như ông Liều, cha con ông Võ Tấn Mười (70 tuổi), Võ Tấn Tân (thôn Thanh Nhì, xã Cẩm Thanh) cũng là những nghệ nhân nổi tiếng của nghề làm nhà lá với việc xuất 10 dù che qua Singapore.

Ngồi trong căn nhà lá của mình, cũng là xưởng làm việc chế tác các sản phẩm bằng tre mà nổi tiếng là xe đạp tre, nhắc đến nghề làm nhà lá cả ông Mười và anh Tân đều say mê kể chuyện.

Ông Mười bảo rằng cái “độc” của nhà lá Cẩm Thanh, ngoài cây dừa ở rừng dừa Bảy Mẫu phải kể đến việc không dùng đến một mẩu kim loại nào. “Dùng đến sắt thép coi như hỏng cả căn nhà”, ông Mười đúc kết.

Tự mày mò học

Theo anh Võ Tấn Tân (xã Cẩm Thanh), với những công trình như spa, nhà hàng, bar... đòi hỏi có tính thẩm mỹ cao thì những thợ nghề như anh phải học thêm rất nhiều.

“Khách hàng đưa ra ý tưởng, sau đó mình phải tự mày mò thiết kế. Một người có thể thiết kế xây dựng được, nhưng chưa chắc có thể thiết kế nhà lá được bởi kết cấu tre, dừa khác hoàn toàn với kim loại, không sử dụng các khớp nối như gỗ”, anh Tân chia sẻ.

Và để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, thế hệ những thợ trẻ như anh Tân đã tự lên mạng mày mò học thiết kế, đồ họa để cho ra đời những ngôi nhà lá vừa độc, vừa đẹp mắt.

Bán 'nồi cơm', Kinh Đô quyết thực hiện 'giấc mơ' Mỹ?

Chưa bao giờ khẳng định “giấc mơ Mỹ” nhưng các động thái của Kinh Đô cho thấy tham vọng trở thành cái tên đình đám tại thị trường rộng lớn này của “vua bánh kẹo”.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141210/xuat-khau-nha-la/682725.html

Theo Đoàn Cường/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm