Bán mảng bánh kẹo cho đại gia Mỹ
Thị trường Mỹ rộng lớn với sức tiêu thụ lớn luôn là “giấc mơ” với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, để thành công và đứng vững tại Mỹ không phải điều dễ dàng. Không nhiều thương hiệu Việt được người tiêu dùng Mỹ công nhận rộng rãi như tương ớt Sriracha hay bánh mì Lee’s Sandwiches.
Là “vua bánh kẹo” Việt Nam nhưng Kinh Đô chưa thực sự nổi đình đám tại Mỹ mặc dù các sản phẩm của Kinh Đô vẫn thường xuyên tới tay kiều bào Mỹ. Bánh trung thu là một trong những sản phẩm dễ dàng chinh phục người Việt ở Mỹ nhất.
Mùa bánh trung thu năm nay, Kinh Đô hồ hởi thông báo tin tốt lành. Mới từ giữa tháng 6, Kinh Đô đã xuất khẩu 100.000 bánh trung thu sang Mỹ. Tổng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước khoảng 20 tấn bánh các loại. Đây là con số rất khiêm tốn, chỉ bằng 0,07% sản lượng bánh trung thu Kinh Đô tiêu thụ tại Việt Nam.
Kinh Đô mới chỉ là "vua bánh kẹo" ở Việt Nam. |
Chưa là sản phẩm đình đám ở thị trường Mỹ, chưa bao giờ khẳng định “giấc mơ Mỹ” nhưng các động thái của Kinh Đô cho thấy tham vọng đặt một chân vào thị trường rộng lớn này của “vua bánh kẹo”. Đầu tiên là động thái bắt tay đại gia thực phẩm Mỹ Mondelēz International.
Từ tháng 11, cổ đông Kinh Đô hồi hộp với thông tin Kinh Đô sẽ “bán đứt” mảng bánh kẹo cho của Mondelēz International - nhà sản xuất thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ. Mặc dù không ít cổ đông tỏ ra hoài nghi với thương vụ này nhưng thương vụ chính thức được thông qua trong đại hội cổ đông bất thường diễn ra đầu tháng 12.
Theo đó, Tập đoàn Kinh Đô sẽ bán lại bán 80% cổ phần tại công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelēz International. Giá trị giao dịch đề xuất là 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD). Như vậy, Kinh Đô vẫn giữ lại 20% mảng bánh kẹo chứ không phải “bán đứt”.
Phát biểu về thương vụ này, ông Tim Cofer, Phó chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của Mondelēz International có vẻ hướng tới thị trường Việt Nam.
Ông Tim Cofer khẳng định: “Khoản đầu tư quan trọng của chúng tôi vào Kinh Đô và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi của chúng tôi tại thị trường đang phát triển năng động này”.
Trong khi đó, T.S Trần Quốc Việt – Phó tổng giám đốc Tập đoàn lại cho rằng việc hợp tác trong mảng bánh kẹo với Mondelēz International được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Kinh Đô đến một giai đọan phát triển mới.
“Đối tác sẽ làm thương hiệu Kinh Đô mạnh lên không chỉ ở Việt Nam và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế như lịch sử đối tác thực hiện”, Ông Việt cho hay. Và chắc hẳn “thị trường quốc tế” mà ông Việt đề cập bao gồm cả Mỹ.
Mua lại Phindeli
Năm 2012, dư luận quốc tế được phen “nổi sóng” khi doanh nhân Việt Nam Phạm Đình Nguyên đã chiến thắng trong cuộc đấu giá mua lại Buford – thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. Ông Nguyên đã bỏ ra 900.000 USD để trở thành thị trưởng Buford.
Buford PhinDeli sẽ mang lại thành công mới cho Kinh Đô tại Mỹ? |
Từ một thị trấn vô danh, từ một doanh nhân ít ai biết đến, sau phiên đấu giá, cả Buford và ông Phạm Đình Nguyên bỗng chốc nổi tiếng như cồn. Không chỉ ở Việt Nam, tại Mỹ, Buford và Phạm Đình Nguyên trở thành hai cái tên “nóng”.
Một năm sau, ông Phạm Đình Nguyên lại gây sốc khi đổi tên thị trấn Buford thành Buford PhinDeli. Với việc đổi tên thành Buford PhinDeli, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ được kỳ vọng sẽ nơi giới thiệu hàng Việt, đặc biệt là cà phê Việt đến với khách hàng Mỹ.
Buford PhinDeli và Kinh Đô dường như là hai cái tên chẳng hề liên quan gì đến nhau. Nhưng ít ai biết ông Nguyên và ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Đô lại có mối quan hệ thân tình. Theo tiết lộ của ông Nguyên, chính ông Thành là người động viên ông trong thực hiện phiên đấu giá mua lại Buford.
Vì vậy, sau khi ông Nguyên thành công trên đất Mỹ (ít nhất về mặt thương hiệu), trong tháng 7 năm nay, thị trường lại xôn xao khi Kinh Đô công bố mua cổ phần của công ty PhinDeli. Ông Nguyên sẽ là Tổng giám đốc và nhường chức danh Chủ tịch cho người Kinh Đô. Dù không tiết lộ giá trị thương vụ nhưng Kinh Đô cho biết phía Kinh Đô sẽ nắm cổ phần chi phối.
Phía Kinh Đô khá kiệm lời về thương vụ này nhưng Kinh Đô cũng cho biết, ngành hàng cà phê là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng 15 - 20% và quy mô thị trường 40.000 tỷ đồng. Thâu tóm Phin Deli, Kinh đô sẽ đưa mặt hàng cà phê Việt ra thế giới.
Ông Phạm Đình Nguyên đã trực tiếp giải thích lý do bán cổ phần PhinDeli cho Kinh Đô. Theo ông Nguyên, nếu tự mình xây dựng một hệ thống phân phối chỉ để bán cà phê thì mất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức.
Vì thế, PhinDeli quyết định hợp tác với Kinh Đô vì nơi này đã có sẵn hệ thống phân phối rộng khắp, như Nhật, Đài Loan… và tất nhiên, thị trường không thể thiếu nữa là Mỹ. Vì vậy, hợp tác với Kinh Đô là “một mũi tên trúng hai con chim” cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trước đó, ông Nguyên tuyên bố đầu tư hơn 500.000 USD, vượt cả con số vốn điều lệ của công ty mới thành lập hồi tháng 4 để phát triển ở thị trường Mỹ. PhinDeli đã đàm phán với các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ, 4 sản phẩm (trong đó 3 loại pha phin và một loại pha máy) của PhinDeli bán qua 2 kênh chính là hệ thống siêu thị của người Việt như Thuận Phát, ABC và bán lẻ trên Amazon.com từ đầu tháng 9 năm ngoái.
Với những gì ông Nguyên đã làm được, rõ ràng, con đường tới Mỹ của Kinh Đô sẽ ngắn hơn rất nhiều.