Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh Đô bán 'nồi cơm', cổ đông lập tức quay lưng

Ngay sau khi Kinh Đô lên tiếng về việc bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, cổ đông của công ty đã lập tức quay lưng.

Hoan hỉ chọn được đối tác

Giữa tháng 11, Tập đoàn Kinh Đô công bố thông tin quan trọng. Kinh Đô sẽ bán lại bán 80% cổ phần tại công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelēz International. Giá trị giao dịch đề xuất là 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD, tương đương trên 7.880 tỷ đồng).

Quyết định này không khiến nhiều người bất ngờ vì trước đó, thông tin này đã rò rỉ trên thị trường. Trong khi lãnh đạo Kinh Đô rất hoan hỉ và đặt niềm tin lớn vào thương vụ này thì cổ đông Kinh Đô lại có quan điểm ngược lại.

Cổ đông thể hiện quan điểm của mình bằng cách liên tục bán rẻ cổ phiếu KDC. Kết quả là so với mức giá lớn nhất trong tháng 11 (ngày 4/11), chốt phiên 24/11, KDC giảm 13.000 đồng/CP, tương ứng 20,3% và dừng ở mức 51.000 đồng/CP.

Đây là mức giảm rất sâu. Mức giảm này của cổ phiếu KDC đã khiến vốn hóa thị trường Kinh Đô “bốc hơi” 3.317,09 tỷ đồng, bằng nửa non số tiền mà Kinh Đô nhận được sau thương vụ với ông lớn thực phẩm Mỹ Mondelēz International.

Tới ngày 25/11, KDC bắt đầu phục hồi sau một thời gian dài “rơi” mạnh. Sau 3 phiên dừng trong sắc xanh, KDC tăng 1.000 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với vốn hóa thị trường Kinh Đô cộng thêm 255,16 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, KDC điều chỉnh nhẹ theo VN-Idnex. Vì vậy, trong phiên đầu tiên của tháng 12, khi VN-Index phục hồi, nhà đầu tư tin rằng KDC sẽ chạy theo xu hướng của đại đa số blue-chip. Đó là tăng điểm. Thế nhưng, điều ngược lại xảy ra, KDC bất ngờ giảm sâu.

Chốt phiên giao dịch 1/12, KDC trở thành blue-chip “rơi” mạnh nhất khi mất 2.000 đồng/CP và dừng ở mức 51.000 đồng/CP. Chỉ trong một phiên, KDC đã “thổi bay” hơn 510 tỷ đồng khỏi tài khoản của Kinh Đô.

Cổ phiếu KDC giảm mạnh khi Kinh Đô bán 80% mảng bánh kẹo (Ảnh minh họa internet).

Cổ phiếu KDC giảm mạnh khi Kinh Đô bán 80% mảng bánh kẹo. Ảnh minh họa.

Điều đặc biệt, KDC giảm khi Đại hội cổ đông bất thường của Kinh Đô diễn ra tại TP.HCM. Trong cuộc họp này, Đại hội đồng đã thống nhất thông qua tất cả nội dung các tờ trình bán lại 80% mảng bánh kẹo cho Mondelēz International. KDC cũng sụt giảm khi sếp lớn Kinh Đô đưa ra lý do giải thích cho việc “Vua bánh kẹo” chia tay mảng bánh kẹo.

Cổ đông quay lưng

Trong một bài phỏng vấn xuất bản sáng nay trên Infonet, T.S Trần Quốc Việt – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô đã giải thích lý do công ty chia tay với mảng bánh kẹo. Ông Việt cho rằng nói mảng bánh kẹo là “nồi cơm” của KDC là đúng. Nhưng KDC đâu chỉ có mỗi bánh kẹo là “nồi cơm”. “Trong những năm qua, kem cũng đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của công ty. Trong tương lai chúng tôi sẽ còn có nhiều ‘nồi cơm’ lớn hơn”, Ông Việt khẳng định.

Ông Việt đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại. Kinh Đô nhận thấy rằng nếu tiếp tục đeo đuổi ngành bánh kẹo này, Kinh Đô vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng, nhưng chỉ ở mức thấp (5-10%/năm).

“Chúng tôi thấy rằng, quy mô thị trường của mảng bánh kẹo khoảng 15.000 tỷ đồng trong khi đó quy mô của ngành thực phẩm thiết yếu đóng gói lên đến 180.000 tỷ đồng”, Ông Việt đưa ra lý do tại sao Kinh Đô chuyển hướng sang ngành thực phẩm đóng gói thay vì bánh kẹo.

Ông Việt khẳng định sự chuyển hướng này là có lợi cho cổ đông. Tuy nhiên, trước mắt, cổ đông chưa dễ gì nhìn ra lợi nhuận từ mì gói và dầu ăn vì các khoản đầu tư này chưa đến giai đoạn “hái quả”.

Lãnh đạo Kinh Đô cho biết trong năm 2014, đóng góp của mì gói là thấp vì mới được tung ra cách đây khoảng 2 tuần. Kế hoạch chi tiết về đóng góp của mảng mì gói vào doanh thu lợi nhuận sẽ được trình cổ đông vào kỳ họp thường niên năm tới. Còn mảng dầu ăn, Kinh Đô dự kiến quý II/2015, Kinh Đô sẽ tung sản phẩm này ra thị trường. Dù vậy, lãnh đạo Kinh Đô vẫn khẳng định việc chuyển từ bánh kẹo sang lĩnh vực mới (dầu ăn và mì gói) thực chất vẫn là lĩnh vực chế biến thực phẩm – đây là lĩnh vực Kinh Đô có kinh nghiệm 20 năm và hiểu rõ thị trường này. 

Bằng chứng là Kinh Đô đã khá thành công khi tung sản phẩm mì ra trong 2 tuần qua. KDC đã nghiên cứu và lường các rủi ro thị trường cũng như xem xét điều kiện, khả năng đáp ứng của Kinh Đô khi tham gia vào lĩnh vực mì gói, dầu ăn.

Lãnh đạo Kinh Đô rất tự tin vào kế hoạch của mình nhưng dường như họ vẫn chưa thuyết phục được đại đa số cổ đông. Đó là lý do, trong ngày “quyết định” số phận thương vụ giữa Kinh Đô và Mondelēz International, cổ phiếu KDC rơi mạnh.

Thương hiệu thuần Việt, nên hay không?

Không thể xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia và vươn ra thế giới nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước

http://vtc.vn/kinh-do-ban-noi-com-co-dong-lap-tuc-quay-lung.1.518532.htm

Theo Bảo Linh/ VTC News

Bạn có thể quan tâm