Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xuân yến' – Bữa tiệc xuân của đời người

Cuốn sách dường như nằm trong khoảng chín muồi trên con đường viết lách của An Ni Bảo Bối. Càng đọc, người ta càng thấy một nỗi day dứt không yên trong lòng tác giả.

Gặp gỡ nhau trong những đan dệt vô hình biến ảo của cuộc đời, ba cô gái kiếm tìm rốt ráo cốt tủy của đời người. Một nhà văn chỉ gắn bó sinh mệnh mình với cuộc đời bằng mối kết nối với viết lách, với những độc giả không bao giờ gặp mặt và những nhân vật bước từ trang giấy ra cuộc đời bể dâu. Tín Đắc - một phụ nữ đi tìm nguồn cội của một cố hương đã bị chôn vùi, tìm một chuốn quay về, cuối cùng hiểu ra và lựa chọn sự đơn độc của cá thể. Và Khánh Trường, một cô gái không ngại ném mình vào những trải nghiệm tình yêu để ngày một đến gần hơn bản thể của chính mình.

Xuyên suốt các trang viết của An Ni bao giờ cũng vẫn là những nhân vật nữ trẻ lang thang trên những nẻo đường, những nơi chốn xa lạ, vừa văng mình vào giữa chốn phồn hoa với một vẻ ngác ngơ, lạc lõng vừa đau đáu kiếm tìm sự tồn tại chân thực. Ở Xuân yến, tâm thế đó đã hóa thành những hình hài mạnh mẽ, kiên tâm dấn bước, tuyệt đối không cho mình điểm lui.

Các nhân vật của An Ni Bảo Bối trân trọng sự mưu cầu niềm vui của sinh mệnh ở thực tại, đồng thời ráo riết truy tìm cốt lỗi của sinh mệnh và bản tính. Những cô gái của An Ni không ngừng dấn mình vào và băng qua hết thảy những trải nghiệm đời sống, đề cao sự chân thực trong cảm nhận bằng chính thân thể, trái tim mình, luôn luôn tự tái sinh mình bằng cách phá vỡ những quy tắc, trói buộc, ảo ảnh và vọng tưởng với một ý chí mạnh mẽ, sắt đá không gì lay chuyện nổi.

Xuân yến trở đi trở lại trong mệnh đề: Cốt lõi đời sống và sinh mệnh không phải là một thứ có thể thấu đạt nhờ quy tắc. Nó nằm ở sự truy tìm bản thể, mưu cầu một thứ tình yêu khiến người ta đến gần hơn với bản thể mình, quá trình tự mình trải nghiệm và đạt đến điều đó là điều quan trọng, là một hành trình dài đằng đẵng, cũng lại là mục đích.

Nhân vật của An Ni, có người phải đánh đổi cả sinh mệnh, có người phải chấp nhận sự đơn độc, có người được may mắn ở bên người mình yêu, cùng tay nắm tay chốn nhân gian trong niềm vui ngắn ngủi của nhân sinh, rút cục đều thấu triệt sâu sắc bằng những dấu vết in hằn trên chính thể xác và trái tim mình, tự làm đầy, làm thương rồi thanh lọc mình trong chính nó.

Một điểm dễ nhận thấy trong các tiểu thuyết, truyện ngắn của An Ni là các nữ nhân vật của cô luôn mang một tính cách hoang dã, mạnh mẽ, quyết liệt, đã hành động thì không chừa cho mình đường lui, càng không thỏa hiệp, chỉ dấn mình về phía trước bất chấp giá nào.

Ngòi bút của An Ni bên ngoài thì mềm mại như nước chảy nhưng không hề khoan nhượng, không bỏ qua bất cứ ngóc ngách sâu kín nào của tâm tư, từng chút từng chút bóc trần  chân tướng, lạnh lùng phơi bày sự tồn tại chân thực của con người, đời sống và các mối quan hệ.

An Ni chưa bao giờ tỏ ra khoan nhượng hay chùn tay dù những phân tích, bóc tách, lột trần của cô ẩn sâu dưới những lời văn mượt mà thẳm sâu, không hề phô trương, lặng lẽ chảy trôi mà có sức thẩm thấu, gột rửa bền bỉ, đồng thời cũng trong trẻo, sắc lạnh và đau đớn vì nhìn thấu, giống như ý nghĩa chữ “Lẫm” mà nhân vật Tín Đức xăm trên gáy.

Xuan yen – Bua tiec xuan cua doi nguoi anh 1
Tác phẩm Xuân yến.

Đọc An Ni, nhất là Xuân yến, cảm thấy mình không thể ngồi yên một chỗ. Mỗi câu chữ đều chạm đến đáy sâu và giới hạn chịu đựng của xúc cảm, chạm đến điểm nhạy cảm mong manh của lý tính, đánh thức cốt tủy vẫn ngủ sâu đâu đó bên trong mình. Cốt tủy đó là gì, đọc An Ni chẳng thể tìm ra, chẳng thể ngay lập tức “trong mắt sáng lòng”, giống như nữ nhà văn đã nói, sau cuốn sách này cô không đưa ra một kết luận nào cả.

Kết luận đó, độc giả phải tự mình trải nghiệm không phải bằng câu chữ, mà là hành động của chính bản thân mình. Truy tìm và mưu cầu sự phá vỡ, thanh lọc và tìm ra sự tồn tại chân thực, trong suốt, tự nhiên và hợp lí của chính bản thân mình. Không có một sự “chính xác hợp lí” cho hết thảy. An Ni “cùng lắm” là khơi dậy khát khao đó trong chúng ta mà thôi.

Với Xuân Yến, An Ni dường như “thoải mái” và đủ độ chín muồi trong nghề viết để thể hiện cách nhìn nhận của mình về sáng tác, từ cách kết cấu tác phẩm thành ba tuyến truyện thuộc về tương quan tác giả - nhân vật – độc giả đến việc để bản thân và nhân vật “nhà văn” trực diện phát ngôn về viết lách.

An Ni cũng không ngại ngần phơi bày những khía cạnh khuất lấp đằng sau sự ra đời của một tác phẩm, quá trình sáng tác đầy đau đớn song cũng đầy khoái cảm của nhà văn. Tác giả quyết liệt phủ nhận những danh xưng hào nhoáng mà người đời gán cho nghề viết và cách nhìn nhận mang tính bề nổi về nó. Với cô, viết là một hành vi đầy tính cá nhân, đồng thời cũng là một hành vi mang tính nhận thức của bản thân người viết “về mối quan hệ giữa con người với bản thân và với ngoại giới trên cơ sở thể nghiệm tình cảm và hành động.” Với ý nghĩa này, bản thân độc giả và chính nhân vật chẳng phải cũng là tác giả của chính cuộc đời mình hay sao?!

An Ni Bảo Bối sáng tác đã mười năm. Xuân yến dường như nằm trong khoảng chín muồi trên con đường viết lách của cô, vì thế càng đọc càng thấy một nỗi day dứt không yên trỗi dậy trong lòng, càng đọc càng thấy như một mạch nước ngầm âm ỉ rỉ mãi thấm mãi…

Yên San

Bạn có thể quan tâm